.

Bố Trạch: Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

.
14:36, Thứ Tư, 26/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 26-9, UBND huyện Bố Trạch tổ chức hội nghị sơ kết các đề án về kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, nhằm đánh giá tình hình, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án trong thời gian tới. 
Hội nghị tập trung đề ra các giải pháp, tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà huyện đã đề ra.
Hội nghị tập trung đề ra các giải pháp, tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Qua 2 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch; đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản; đề án phát triển chăn nuôi, huyện Bố Trạch đã đạt được những kết bước đầu khá toàn diện. 
 
Trong đó, thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức từ đồng bào đến cán bộ xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại hai xã ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hoá.
 
Các mô hình phát triển sản xuất mới, giống cây, con mới được đưa vào trồng và chăn nuôi góp phần thay đổi nhận thức về chăn nuôi, trồng trọt theo truyền thống của đồng bào; ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, giảm dần ý thức ỷ lại chế độ hỗ trợ của Nhà nước; an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; tỷ lệ trẻ em mù chữ, trẻ suy dinh dưỡng, sản phụ tử vong sau sinh ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh đến trường thường xuyên ngày càng cao...
 
Đối với đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi thủy sản, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn với tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực của huyện, đề án cũng đã lồng ghép, huy động hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khác, như: kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 của Trung ương; kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, con nuôi của tỉnh; nguồn vốn hỗ trợ từ dự án SRDP, SNV.
 
Thông qua đề án, chất lượng giống cây trồng chủ lực đã được nâng lên rõ rệt, nhờ vậy năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, góp phần bảo đảm mục tiêu sản lượng lương thực đề ra. Diện tích các loại cây trồng tiềm năng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt được mở rộng, góp phần đa dạng hóa cây trồng, con nuôi, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người nông dân.
 
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã vào cuộc mạnh mẽ, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi như: Hòa Trạch (cây ăn quả, cây dược liệu), Nam Trạch (cây ngô lấy thân), Xuân Trạch (dược liệu), Lâm Trạch (dược liệu), Lý Trạch (hoa), nông trường Việt Trung, Phú Định (tiêu), Vạn Trạch (chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cá-lúa), Sơn Trạch (cá lồng)... Đặc biệt, một số xã như Nam Trạch, Xuân Trạch đã trực tiếp làm việc, liên hệ với doanh nghiệp để liên kết sản xuất và và bao tiêu sản phẩm.
 
Về thực hiện đề án phát triển chăn nuôi đã góp phần giữ ổn định được ngành chăn nuôi trên toàn huyện trong giai đoạn khó khăn; số lượng đàn tăng chậm nhưng chất lượng đàn tăng lên, ý thức của người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Chăn nuôi ở Bố Trạch đang chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp.
 
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến, đề xuất và thống nhất các giải pháp tiếp tục thực hiện các đề án nhằm phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Trong đó, huyện sẽ xem xét, điều chỉnh các chính sách phù hợp; phân công rõ trách nhiệm cho các phòng, ban cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đối với các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
 
Hương Trà
 
                                                                                         
 
 
,