.
Tuyên truyền nhân rộng mô hình khuyến nông-khuyến ngư:

Để không lãng phí nguồn vốn quốc gia

.
07:56, Thứ Ba, 07/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực tế cho thấy, nhiều mô hình khuyến nông-khuyến ngư khi triển khai thì rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng khi nhân rộng lại gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí không thể ứng dụng vào thực tiễn. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là khâu tuyên truyền trước, trong và sau khi mô hình hoàn thiện chưa được đầu tư, chú trọng. Bên cạnh đó, việc thiếu sự liên kết, tham gia giữa nhiều bên liên quan trong khâu này cũng khiến các mô hình mất đi cơ hội thâm nhập thực tiễn, tạo niềm tin cho nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế.

Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2017, Trung tâm Khuyến nông TP.Đồng Hới đã tổ chức triển khai mô hình sử dụng men vi sinh hoạt tính chế biến thức ăn trong chăn nuôi gà thả vườn và đã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Đức, Trung tâm Khuyến nông TP.Đồng Hới chia sẻ, men vi sinh hoạt tính NN1 trong thành phần bao gồm các chủng vi sinh vật cơ bản là: Bacilus Subtilis, LactoBacilus, Saccharomycis... Các loại vi sinh vật này có thể phân giải nguồn thức ăn mà không làm thay đổi về thành phần dinh dưỡng, đồng thời làm tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

Chúng còn có khả năng làm "chín" sinh học thức ăn giúp cho vật nuôi dễ tiêu hóa thức ăn, đặc biệt chủng vi sinh vật Bacilus Subtilis có khả năng tạo kháng sinh ức chế các loại vi sinh vật không có lợi trong môi trường giàu dinh dưỡng.

Chính vì vậy, các loại nguyên liệu được ủ bằng men vi sinh hoạt tính NN1 tuy dinh dưỡng không cao như thức ăn công nghiệp nhưng vật nuôi dễ tiêu hóa hấp thu, có tác dụng phòng bệnh tiêu chảy ở gà, giảm thiểu mùi hôi trong chuồng nuôi. Đặc biệt, gà sử dụng thức ăn này, thịt sẽ thơm ngon, săn chắc đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao rất cần được đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao rất cần được đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng.

Mục tiêu của mô hình là bảo đảm chăn nuôi ổn định tại các hộ gia đình theo quy trình kỹ thuật mới nhằm tạo an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi; giảm giá thành chăn nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi; hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa trên gia cầm; giảm thiểu mùi hôi trong chuồng nuôi; nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố và UBND phường Bắc Lý tiến hành thẩm định địa điểm, chọn hộ triển khai thực hiện mô hình. Tiếp đó, Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn cho nông dân cũng như các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật làm chuồng trại cho gà; ủ thức ăn, sử dụng và bảo quản thức ăn sau khi ủ; kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà thịt; kỹ thuật chế biến một số loại thức ăn chăn nuôi gà; kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp ở gà.

Bên cạnh việc tập huấn, cán bộ chỉ đạo mô hình đã tích cực tư vấn, hướng dẫn những quy trình cho chủ chăn nuôi trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Kết quả chăn nuôi gà thả vườn bằng thức ăn lên men cho thấy đàn gà sinh trưởng và phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 97%, trọng lượng bình quân đạt 2 kg/con, gà giảm các bệnh về đường tiêu hóa. Thịt gà chắc, thơm ngon, giảm lượng tồn dư kháng sinh và được thị trường ưa chuộng.

Hiệu quả rõ ràng như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Anh Đức, mô hình rất khó để đi vào thực tiễn bởi người dân không thật sự mặn mà. Tâm lý trông chờ ỷ lại của các hộ gia đình chăn nuôi cộng thêm thiếu nguồn kinh phí tuyên truyền cho mô hình là những nguyên nhân chính.

Vì vậy, khi mô hình kết thúc, số hộ nuôi gà áp dụng mô hình vào thực tiễn ngày càng ít hơn. Với nguồn kinh phí eo hẹp dành cho các mô hình, công tác tuyên truyền rất khó để được đầu tư bài bản.

Đồng thời, sự phối kết hợp giữa các hội, đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông hỗ trợ người dân hiểu rõ hơn về hiệu quả của mô hình cũng khó triển khai hiệu quả. Thực trạng này cũng thường gặp ở nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn thành phố.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tuyên Hóa triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng chấm thương phẩm trong lồng và nuôi ao tại xã Thuận Hóa và Nam Hóa.

Mô hình hướng tới mục tiêu đa dạng hóa hình thức nuôi, đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao trên địa bàn, khuyến cáo bà con nhân rộng nuôi cá lăng chẩm thương phẩm mang lại hiệu quả cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Trong suốt quá trình triển khai, Trạm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho 30 hộ và tích cực tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chọn lồng, ao nuôi, giống, quản lý, chăm sóc. Sau 2 năm nuôi, mô hình triển khai đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đề ra, cá lăng chẩm thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thuận Trung, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, mặc dù mô hình mang lại kết quả khả quan, mở ra cơ hội vật nuôi mới giá trị kinh tế cao cho bà con, nhưng vẫn rất khó nhân rộng.

Bên cạnh nguyên nhân chính là tâm lý của bà con còn thụ động, ỷ lại, đợi chờ sự hỗ trợ và những khó khăn, bất cập trong nguồn giống, đầu ra sản phẩm, công tác tuyên truyền về hiệu quả của mô hình cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn nhân rộng sau khi mô hình kết thúc.

Với nguồn kinh phí hạn chế, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã tích cực tuyên truyền trên các trang tin chuyên ngành, báo, đài địa phương. Tuy nhiên, để có được sự quan tâm rộng rãi hơn từ người dân, vẫn rất cần sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương.

Đây là thực trạng chung của không ít mô hình khuyến nông-khuyến ngư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các mô hình vật nuôi, con nuôi mới. Điều này cho thấy, để không lãng phí nguồn kinh phí quốc gia, các bên tham gia cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi mô hình kết thúc.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong lồng ghép, phối hợp tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình, nhất là mô hình mới, mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

   Mai Nhân
 

,
  • Chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho tôm

    (QBĐT) - Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến cuối tháng 7-2018, bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 47 hộ nuôi thuộc 6 xã, phường của 4 huyện, thị xã với tổng diện tích bị bệnh gần 24ha, chiếm hơn 2,1% diện tích thả nuôi toàn tỉnh...

    06/08/2018
    .
  • Minh Hóa: Lợi ích từ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

    (QBĐT) - Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng (BVR) theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cho hộ gia đình và các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn.

    06/08/2018
    .
  • Xã Quảng Hưng: Phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm 2019

    (QBĐT) - Chính quyền và nhân dân xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện hai tiêu chí còn lại là giao thông nông thôn và chợ để phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2019.

    06/08/2018
    .
  • Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7-2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

    05/08/2018
    .
  • Quảng Trạch: Nỗ lực tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

    (QBĐT) - Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Quảng Trạch đã tập trung mạnh vào công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

    05/08/2018
    .
  • Lệ Thủy: Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa

    (QBĐT) - Thời điểm này, các trà lúa hè - thu trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang vào giai đoạn làm đòng, quyết định tới năng suất và sản lượng của cả vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên nhiều diện tích lúa đã xuất hiện sâu đục thân, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

    04/08/2018
    .
  • Quảng Trạch: Tập trung chỉ đạo xã Quảng Phương về đích nông thôn mới

    (QBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, UBND huyện Quảng Trạch đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2018...

    04/08/2018
    .
  • Lệ Thủy: Tiếp tục chuyển đổi gần 45ha đất lúa kém hiệu quả

    (QBĐT) - Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn chuyển một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: dưa hấu, khoai lang, mướp đắng, nén, kiệu và các loại đậu, đỗ...

    03/08/2018
    .