.
Chuyện quản lý:

Bệnh thành tích và trách nhiệm người thầy

.
08:30, Thứ Hai, 03/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là một trong năm điều Bác Hồ dạy các em học sinh. Cùng với các thầy cô giáo, trong môi trường gia đình, bố mẹ cũng luôn dạy các con mình các phẩm chất này để con có thể trở thành một người tốt. Thế nhưng trong một số trường hợp, vì thành tích, các em học sinh đã được dạy nói dối, mà không ai khác, người dạy các em chính là thầy cô giáo.

Chuyện ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Đồng Hới, khi cần thông tin điều tra về ý thức bảo vệ môi trường của học sinh để tham gia một cuộc thi, giáo viên đã soạn phiếu điều tra và yêu cầu học sinh tham gia trả lời.

Điều đáng nói là các em học sinh phải điền nội dung thông tin phiếu điều tra theo hướng dẫn của cô giáo. Có những học sinh điền thông tin theo đúng thực tế thì bị cô giáo và các bạn trong ban cán sự lớp nhắc nhở phải thực hiện đúng như cô hướng dẫn để có kết quả như ý.

Và một em học sinh phải điền vài chục phiếu điều tra với những dữ liệu “ảo” về lớp học, độ tuổi, các số liệu liên quan… để bảo đảm số lượng học sinh tham gia nhằm phục vụ cho kết quả điều tra của giáo viên. Khi một số em học sinh thắc mắc tại sao không được trả lời đúng thực tế và mỗi em điền vài chục phiếu “ảo”, như thế là nói dối, thì được giải thích quấy quá, qua loa!

Tương tự, khi một dự án cộng đồng tiến hành điều tra về mức độ hài lòng của học sinh đối với ngôi trường của mình, các thầy cô giáo đều hướng dẫn câu trả lời cho các em với mục đích xây dựng hình ảnh đẹp về ngôi trường cho dù không đúng với thực tế. Trong số hàng trăm học sinh sẵn sàng làm theo hướng dẫn của thầy cô giáo, một học sinh đã ghi vào phiếu những điều em chưa hài lòng về ngôi trường của mình.

Thế rồi phiếu của em bị yêu cầu phải viết lại để “thống nhất” với kết quả của các bạn khác trong trường và không ảnh hưởng đến nhà trường. Em học sinh nọ đã từ chối không viết lại phiếu, đồng nghĩa với việc phiếu của em bị loại khỏi kết quả điều tra.

Tại một cuộc thi tìm hiểu về kiến thức môi trường biển đảo, 100% học sinh được yêu cầu tham gia cuộc thi. Và thay vì nghiên cứu tài liệu, tự mình trả lời các câu hỏi để hiểu hơn về môi trường, biển đảo quê hương, các em được cô giáo tổng phụ trách gợi ý “mua” bài tìm hiểu với giá 13.000 đồng.

Trước áp lực học tập, hầu hết các em học sinh đã lựa chọn phương án “mua” bài tìm hiểu đã được soạn đầy đủ và điền tên, thay vì tự mình tìm hiểu và làm bài. Với việc làm này, một cuộc thi với mục đích thu thập những kiến thức bổ ích, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các em học sinh, thành một cuộc mua bán phản cảm.

Rồi chuyện “cười ra nước mắt” trong các tiết dự giờ của giáo viên. Để bảo đảm tiết dự giờ đạt chất lượng cao, bên cạnh những em học sinh khá, giỏi, hăng hái phát biểu trong giờ học được “tuyển chọn” để tham gia, có một số bạn học yếu được chỉ định sang lớp khác “học nhờ” cho xong tiết dự giờ. Không ít bậc phụ huynh bị bất ngờ khi nghe con đi học về kể, hôm nay con và bạn A được cô cho sang lớp khác học tạm để cô dự giờ.

Trong những câu chuyện trên, các em học sinh đã bị yêu cầu làm những việc không trung thực, hay nói cách khác là gian dối, mà đáng buồn thay, người dạy các em chính là những thầy cô giáo. Tương lai các em sẽ thế nào khi mà ngay trên ghế nhà trường, các em đã bắt đầu những lời nói dối và dần quen với việc này?

Những bài học đạo đức, bài học làm người mà các em được học sẽ chỉ là lý thuyết khi mỗi ngày, các em phải chứng kiến và tham gia những việc như trên. Và các thầy cô giáo nghĩ gì khi gieo vào lòng trẻ những hạt mầm gian dối để làm dày thêm thành tích của bản thân và nhà trường?

Những việc làm tưởng chừng như nhỏ bé nhưng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách một con người. Đáng buồn thay, đây là thực tế diễn ra ở không ít ngôi trường, nơi bệnh thành tích đã khiến những người thầy quên đi trách nhiệm “trồng người”. 

Ngọc Mai
 

,