.

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Những kinh nghiệm rút ra

.
08:28, Thứ Ba, 25/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hoạt động của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ Đại hội I (1948) đến Đại hội III (1951), công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) của Đảng bộ tỉnh đã được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Trước tình hình cách mạng của cả nước và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng khi cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 10-12-1956, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đã quyết định cử Ban Kiểm tra của tỉnh, đánh dấu sự ra đời chính thức ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tháng 3-1976 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cử ra Ban Kiểm tra Tỉnh ủy; công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh từ đây bước sang thời kỳ mới, vừa kiện toàn, củng cố bộ máy cơ quan kiểm tra của tỉnh vừa xây dựng hệ thống kiểm tra các cấp đủ số lượng, bảo đảm cho việc hoạt động công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh.

Sau khi chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên, từ ngày 1-7-1989, Quảng Bình trở về địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử. Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp sau ngày tái lập tỉnh đã được quan tâm nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới, thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng theo yêu cầu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng trong thời đại mới.

Cùng với sự ra đời Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nay là UBKT, từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng không ngừng tăng về số lượng, nâng cao về nghiệp vụ. Khi mới thành lập, ở tỉnh chỉ có 3 đồng chí ủy viên và một số cán bộ giúp việc, đến nay cấp tỉnh có 11 đồng chí ủy viên và 15 cán bộ, công chức; tính chung từ tỉnh đến cơ sở có trên 1.300 cán bộ làm công tác kiểm tra, trong đó có trên 90 cán bộ kiểm tra chuyên trách.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy họp xem xét, kỷ luật cán bộ vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy họp xem xét, kỷ luật cán bộ vi phạm.

Từ thực tiễn hoạt động công tác KT,GS của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là qua hơn 30 năm đổi mới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác KT,GS và kỷ luật Đảng. Và đây cũng là những ưu điểm nổi bật có tính đặc thù trở thành truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Bình, gồm:

Thứ nhất, thường xuyên nắm vững quan điểm chỉ đạo KT,GS là những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng và nắm vững chức năng, nhiệm vụ UBKT các cấp để thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao.

KT,GS là nhiệm vụ luôn luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, vì lãnh đạo không chỉ là đề ra đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, việc tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ, mà lãnh đạo phải KT,GS.

Muốn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trước hết, UBKT các cấp phải nhận thức sâu sắc và nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình do Điều lệ Đảng quy định, theo quy chế làm việc, trong đó cần phân biệt rõ công tác KT,GS của tổ chức đảng, truớc hết là của cấp ủy và công tác KT,GS của UBKT các cấp để thực hiện đúng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Công tác KT,GS của Đảng có nội dung và phạm vi rất rộng, vì nó là những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, là biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu.

Đó là công tác của toàn Đảng, của các tổ chức đảng, đặc biệt là của các cấp ủy, các ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ, chi bộ.

Cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, vừa có nhiệm vụ lãnh đạo công tác KT,GS, vừa phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ KTGS đối với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo của mình trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, công tác KT,GS của Đảng cũng như của UBKT các cấp phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng và nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và công tác ấy. Công tác KT,GS của UBKT các cấp là một bộ phận quan trọng của công tác KT,GS của Đảng nên phải tuân thủ vấn đề cốt lõi, có tính nguyên tắc. Thực tiễn đã chứng minh nếu xa rời vấn đề này, hoạt động của UBKT các cấp sẽ chệch mục tiêu, mất phương hướng, không rõ phạm vi, nội dung và không mang lại hiệu quả.

UBKT và cán bộ kiểm tra phải nắm vững đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vừa để thực hiện đúng, vừa có cơ sở để xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên vi phạm và có điều kiện phục vụ cấp ủy KT,GS hoặc phối hợp với các ban, ngành để KT,GS những nội dung quan trọng này đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Ở các thời kỳ lịch sử, bất luận hoàn cảnh nào, dù nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của UBKT có bổ sung, sửa đổi, UBKT và cán bộ kiểm tra luôn lấy vấn đề này làm mục tiêu, phương hướng hoạt động nên đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Thứ ba, UBKT các cấp luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cấp trên đối với công tác KT,GS và nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo ấy.

Thực tiễn đã chứng minh là ở đâu, lúc nào, cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của UBKT; cấp ủy ban hành kịp thời và tạo điều kiện cho UBKT thực hiện đúng quy chế làm việc; thường kỳ nghe UBKT báo cáo tình hình hoạt động và cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm củng cố, kiện toàn UBKT và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra... thì ở đó, lúc đó hoạt động của UBKT và cán bộ kiểm tra đạt được hiệu quả, chất lượng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy đảng là nhân tố quyết định kết quả hoạt động của UBKT và cán bộ kiểm tra.

UBKT hoạt động theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn do Điều lệ Đảng quy định, đúng quy chế làm việc, đúng sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT cấp trên; chủ động và thường xuyên tham mưu cho cấp ủy về công tác xây dựng Đảng và công tác KT,GS của Đảng. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cấp ủy cấp dưới, để qua đó các cấp ủy cấp dưới quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của UBKT và cán bộ kiểm tra của cấp dưới.

Thứ tư, nắm vững và thực hiện tốt phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát.Công tác KT,GS của Đảng cũng như công tác KT,GS của UBKT các cấp là công tác lãnh đạo của Đảng, là công tác xây dựng Đảng, là sinh hoạt nội bộ Đảng. Do đó, tiến hành công tác KT,GS phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đúng tính chất công tác Đảng.

Kinh nghiệm 70 năm hình thành và phát triển của ngành Kiểm tra Đảng đã chứng minh, muốn tiến hành công tác KT,GS đạt chất lượng, hiệu quả cao, phải nắm vững và thực hiện tốt phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, đó là: dựa vào tổ chức đảng; phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; kết hợp công tác KT,GS của Đảng với công tác thanh tra nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác KT,GS của các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề nghiệp và sự phối hợp với các ban, ngành có liên quan.

Quá trình thực hiện phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát, UBKT và cán bộ kiểm tra phải linh hoạt, sáng tạo, để phù hợp với nội dung, đối tượng KT,GS và tình hình cụ thể. Thực tiễn cũng đã chỉ rõ là tổ chức nào thì có phương pháp hoạt động ấy và phương pháp hoạt động, đến lượt nó, lại có tác dụng quyết định đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.

Thứ năm, luôn quan tâm kiện toàn UBKT, xây dựng cơ quan UBKTvà đội ngũ kiểm tra có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công tác KT,GS.

Một trong những kinh nghiệm cần được coi trọng là phải luôn quan tâm kiện toàn UBKT các cấp, cơ quan UBKT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác KT,GS. Đó chính là nhân tố quyết định sự thành bại của hoạt động KT,GS.

Với truyền thống tốt đẹp của UBKT và cán bộ kiểm tra các cấp là "Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật", do đó nhiệm vụ chính trị ở từng thời kỳ cách mạng đặt ra tuy có khác nhau nhưng công tác KT,GS của Đảng cùng chung mục tiêu là xây dựng Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh.

Ngày nay trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Thực tế đó đòi hỏi phải tăng cường lực lượng KT,GS cả về số lượng, chất lượng cho UBKT các cấp, bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đó là: cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, có tính chiến đấu cao, có khả năng nghiệp vụ thuần thục, có phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa trong quá trình thực hiện công tác KT,GS của Đảng, cũng có nghĩa là cán bộ kiểm tra phải "có tâm, có tầm, có tính nhân văn sâu sắc".

Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Vì vậy, UBKT, cơ quan UBKT và cán bộ kiểm tra các cấp cần phải biết giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của mình, tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu và hiệu quả công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Nguyễn Công Sự
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

 

,