.
Cải cách hành chính

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

.
09:00, Thứ Hai, 24/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là mục tiêu quan trọng nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Với ý nghĩa quan trọng đó, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, thời gian qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm.

Từ năm 2016-2018, tỉnh đã bố trí hơn 10 tỷ đồng mở 164 lớp bồi dưỡng cho 12.903 lượt CBCCVC. Trong đó, tập trung vào những nội dung như bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý…

Việc bồi dưỡng CBCCVC được tỉnh giao cho Trường Chính trị tỉnh tổ chức thực hiện theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và một số chương trình bồi dưỡng cho CBCC xã.

Ngoài ra, tỉnh còn mời Học viện Hành chính Quốc gia, Trường đại học Nội vụ Hà Nội và Trường đào tạo, bồi dưỡng CBCC Bộ Nội vụ tham gia mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng theo ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, kế toán viên… cho CBCCVC.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 83 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 5.343 lượt CBCC xã.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng CBCCVC luôn được tỉnh ta quan tâm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng CBCCVC luôn được tỉnh ta quan tâm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã đã có những chuyển biến tích cực, từng bước góp phần trẻ hóa đội ngũ CBCC xã. Theo thống kê của Sở Nội vụ, hiện tại, 100% số đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các hoạt động của đại biểu HĐND, 100% công chức xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định, 98% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kỹ năng quản lý, 100% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng hàng năm; 60% những người hoạt động không chuyên trách được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc trực tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCCVC, tỉnh ta cũng chú trọng đến công tác cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo tại nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trong năm 2017, UBND tỉnh đã cử 23 CBCC lãnh đạo, quản lý tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, đề án do Bộ Nội vụ và các bộ, ngành tổ chức và cử 4 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo phương pháp giảng dạy tích cực.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, ngoài việc chỉ đạo chặt chẽ việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến xã theo hướng tập trung, thời gian qua, tỉnh cũng đã dành kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác dạy và học.

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp. Công tác đào tạo đã được đổi mới và áp dụng tốt các phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng. Giảng viên được mời tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức là những người có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế.

Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ CBCCVC, từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, bảo đảm cho công tác quy hoạch và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Thực tế cho thấy, qua đào tạo, bồi dưỡng, khả năng ứng xử, kỹ năng thực thi công vụ theo vị trí việc làm của CBCCVC được nâng lên rõ rệt, nhất là khả năng tham mưu, đề xuất ý kiến đóng góp cùng cấp ủy xây dựng các chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC còn thấp nên chỉ mới tổ chức được các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp đào tạo chuyên sâu vẫn còn hạn chế.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương được UBND tỉnh giao kế hoạch và kinh phí mở các lớp bồi dưỡng nhưng triển khai còn chậm, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn thấp. Giảng viên kiêm chức một số lớp bồi dưỡng, tập huấn còn thiếu kỹ năng và phương pháp nên hiệu quả giảng dạy không cao. Nhiều CBCCVC chủ yếu tham gia học để đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ chưa thực sự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thời gian tới, Sở Nội Vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để CBCCVC tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Đồng thời đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, phù hợp với vị trí việc làm, chức danh công chức, góp phần xây dựng đội ngũ CBVCVC chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại.

L.Chi
 

,