.

"Rằng qua cơn hoạn nạn..."

.
09:35, Thứ Bảy, 21/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - “Cơn lốc” của nền công nghiệp hóa đã cuốn họ vào thành phố, tìm đến nhà máy, xí nghiệp để mưu sinh. Mỗi con người một số phận. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, không ai giống ai. Nhưng giờ đây, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy họ trở lại quê hương. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, qua gian khó, nghĩa đồng bào đã sáng lên với nhiều việc làm dù nhỏ nhưng đầy ấm áp và yêu thương.
 
Về quê để “chạy dịch”
 
Trở về quê đã 11 ngày nay, cũng chừng ấy thời gian cả gia đình anh Nguyễn Văn Thương (SN 1984) ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) phải ở trong khu cách ly tập trung ở trụ sở BCH Quân sự huyện Tuyên Hóa (cũ). Anh Thương bảo, về đến quê an toàn là tốt rồi, còn mọi chuyện sẽ tính sau.
 
Anh Thương thuộc một thế hệ thanh niên mà chốn đồng quê không "níu" được chân người. Níu giữ làm sao được, khi cả nhà anh Thương lúc đó có 4 người nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Bố mẹ anh đã già yếu, lại thêm người em mắc căn bệnh suy thận đã trở nặng 5 năm nay, cứ phải 3 lần chạy thận/tuần.
 Gia đình anh Nguyễn Văn Thương trong khu cách ly tập trung.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thương trong khu cách ly tập trung.
Năm 2012, Thương rời quê vào Bình Dương kiếm việc làm. Sau khi Thương cưới vợ sinh con, năm 2015, cả gia đình tiếp tục dắt díu nhau Nam tiến. Anh Thương cho biết, nói là về nhưng đó là cuộc “chạy trốn”, vì dịch cũng không hẳn, mà vì hết tiền. 5, 6 năm nay, một mình anh nơi đất khách quê người phải làm việc để nuôi sống cả gia đình 4 người. Hai đứa con đứa lên 6, đứa lên 3 tuổi.
 
Mỗi tháng, Thương phải làm cật lực lắm mới được hơn chục triệu. Vợ chồng phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ sống. Anh tính, đến cuối năm nay, bé sau của anh được 3 tuổi, vợ sẽ kiếm việc làm.
 
Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhà máy đóng cửa. Số tiền tiết kiệm được chỉ đủ cho cả gia đình cầm cự gần 1 tháng. Nhưng dịch bệnh cứ lan rộng mãi, khiến họ không kịp tính toán đến cuộc mưu sinh, mà chỉ nghĩ đến sức khỏe 2 đứa con nhỏ. Vậy là họ quyết định vay mượn tiền thuê xe về quê. "Nếu không mượn được tiền, chắc cả nhà cũng phải chạy xe máy ra chứ không còn cách nào khác", anh Thương cho biết. 
Các tiểu thương Chợ Đồng Lê (Tuyên Hóa) nấu cơm cho các công dân cách ly tập trung tại Trụ sở Ban chỉ huy Quân sự Tuyên Hóa (cũ).
Các tiểu thương Chợ Đồng Lê (Tuyên Hóa) nấu cơm cho các công dân cách ly tập trung tại trụ sở Ban chỉ huy Quân sự Tuyên Hóa (cũ).
Không riêng gì gia đình anh Thương, dịch bệnh đã chặn đứng, cản trở đường mưu sinh của không ít người. Hai mẹ con bà H. T. B., ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa) cũng phải rời bỏ TP. Đà Nẵng về quê. Lý do cũng là vì không có việc làm, hết tiền và để tránh dịch.
 
Bà B. kể, cuối năm 2020, vợ chồng người con gái đang làm công nhân ở TP. Đà Nẵng gọi điện ra bảo bà vào làm giúp việc gia đình. Mỗi tháng 5 triệu, bằng cả mấy tháng làm nông ở nhà. Vừa lúc dịch bệnh tả lợn châu Phi đang hoành hành, công việc nhà nông cũng chẳng có gì ngoài vài sào ruộng sắn, ngô. Ngót nghét 60 tuổi nhưng nghe nói thế bà cũng gói ghém áo quần vào Đà Nẵng.
 
Bà đi được mấy tháng thì cô con gái út cũng vừa tốt nghiệp THPT cũng muốn vào đây vừa học nghề, vừa kiếm việc. Nhưng mấy tháng vừa qua, dịch bệnh quay lại Đà Nẵng. Thành phố phải giãn cách xã hội. Chủ nhà nơi bà làm việc cũng cho bà nghỉ... dịch. Cơ sở học nghề của người con gái cũng đóng cửa. Vợ chồng người con gái làm công nhân, cũng tạm thời nghỉ việc. Hết chỗ để bám vào thành phố, cuối cùng, 2 mẹ con phải trở về quê.   
 
“Một miếng khi đói...”
 
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là sự sẻ chia, đùm bọc, là nghĩa đồng bào trong hoạn nạn”, bà Đào Thị Mai Hồng, tiểu thương chợ Đồng Lê (TT. Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) đã chia sẻ như vậy.
 
“Cuộc sống, kinh tế của chị em tiểu thương không phải ai cũng khá giả. Có nhiều người cũng rất khó khăn. Còn những người lao động nghèo phải ly hương vào Nam lao động, làm thuê kiếm sống, dịch dã đã thực sự đẩy họ vào cảnh quá khó khăn. Vì vậy nên có trường hợp cả gia đình phải về quê “chạy dịch", bởi mất việc làm có nghĩa là mất cơ hội kiếm sống. Nghĩ vậy nên chị em tiểu thương chúng tôi đã cùng nhau chung tay góp sức chia sẻ khó khăn cùng họ, dù chỉ là 1 bữa ăn. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Đôi khi chỉ là đôi trái bí, trái bầu, bó rau. Sau khi phát động, ngày 4-8, vừa qua, các chị em không ai bảo ai, đều cùng nhau nghỉ chợ, để nấu một bữa cơm ủng hộ cho những người dân đang bị cách ly tập trung”, bà Hồng kể.
Những món quà đồ chơi do Trường Mầm non Đồng Lê tặng các em nhỏ trong khu cách ly, giúp các em được vui vẻ, thoải mái hơn.
Những món đồ chơi do Trường mầm non Đồng Lê tặng các em nhỏ trong khu cách ly, giúp các em được vui vẻ, thoải mái hơn.
Hơn 200 suất ăn miễn phí (trị giá hơn 10 triệu đồng) đã được các tiểu thương trực tiếp nấu nướng và mang đến nhờ các cán bộ trong khu cách ly tập trung ở trụ sở BCH Quân sự Tuyên Hóa (cũ) trao cho những người dân ở đây.
 
Dù chỉ là một bữa ăn nhưng đó là tấm lòng sẻ chia, đồng cảm của những tiểu thương với những “nạn nhân”của dịch bệnh trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Trước đó, thông qua Hội Phụ nữ huyện Tuyên Hóa, nhóm tiểu thương Chợ Đồng Lê cũng đã quyên góp, ủng hộ người dân TP. Hồ Chí Minh 6 triệu đồng.   
 
Từ khi dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh thành ở phía Nam, suốt hơn 1 tháng qua Câu lạc bộ Bạn của người nghèo (huyện Tuyên Hóa) đã kết nối, giúp đỡ “tiếp sức” cho dòng người lao động trở về quê. Những bếp ăn dọc đường được tổ chức tại các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình đã góp phần chia khó khăn với những người lao động nghèo.
 
Tháng 7 vừa qua, CLB thông qua Hội Phụ nữ huyện Tuyên Hóa đã kêu gọi, vận động người dân Tuyên Hóa quyên góp hơn 60 tấn lượng thực, thực phẩm vận chuyển vào ủng hộ đồng bào miền Nam. Riêng tại khu cách ly tập trung huyện Tuyên Hóa, CLB này cũng đã hỗ trợ giúp đỡ đợt, gồm các suất quà như: bánh, sữa, hoa quả.
 
Hà Trọng Sáu, thành viên câu lạc bộ cho biết: “So với những khó khăn mà những người lao động nghèo đang gặp phải thì sự giúp đỡ của chúng tôi chỉ là “giọt nước nhỏ”. Nhưng nếu kết nối giúp đỡ được gì cho bà con, chúng tôi sẽ cố gắng để làm hết sức mình có thể”.
 
Theo Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa, từ ngày 10-6-2021 đến ngày 12-8-2021, Ủy ban MTTQVN huyện đã vận động 116 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện ủng hộ 890 triệu đồng Quỹ phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ vật tư y tế phòng, chống dịch cho các chốt, khu cách ly tập trung trên địa bàn hơn 23 triệu đồng. 

Anh Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa, Phó Chỉ huy trưởng Khu cách ly tập trung Tuyên Hóa cho biết: “Phần lớn người dân lao động ở miền Nam về đều rất khó khăn vất vả. Mỗi bữa ăn, phần quà của người dân ủng hộ, hỗ trợ cho khu cách ly đều rất quý giá. Hơn thế nữa, sự giúp đỡ đó cũng góp phần chia sẻ những khó khăn cho cán bộ của khu cách ly trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Ví như, tối 30-7-2021, khu cách phải tiếp nhận cùng lúc hơn 100 người về cách ly tập trung. Vì người đông và đêm đã khuya, nên cửa hàng - nơi chúng tôi đặt cơm không thể chuẩn bị kịp. May sao nhóm thiện nguyện “CLB Bạn của người nghèo” của Hà Trọng Sáu đã kịp thời hỗ trợ mỗi người một suất ăn tối bằng bánh sữa, chứ chúng tôi cũng khó có thể xoay xở kịp”.


Dương Công Hợp
,