.

Nơi bình yên ở lại

.
16:02, Chủ Nhật, 21/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ông bảo, dù có bất cứ chuyện gì, hễ ra đây lòng ông lại thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ cứ như thể đang được ở cạnh người thân, gần gũi, yêu thương, bao nhiêu muộn phiền được trút bỏ. Hơn 13 năm gắn bó, ông xem nơi ấy như ngôi nhà thứ hai của mình và hết thảy những vong linh liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây là “người một nhà”. Ông là cựu chiến binh Phan Văn Xuân (SN 1956), quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Trạch (Bố Trạch).
 
Không khó để chúng tôi tìm gặp được cựu chiến binh Phan Văn Xuân bởi cứ đến Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Trạch là thể nào cũng gặp ông. Phần lớn thời gian trong ngày ông đều ở đây. Hơn 13 năm “canh giấc” cho các liệt sỹ, trừ những lúc đau ốm, chưa ngày nào ông quên nhiệm vụ “làm đẹp” cho khuôn viên nghĩa trang cũng như những phần mộ tại đây.
 
Con đường từ nhà ra nghĩa trang như đã quen với bước chân của người quản trang tận tụy ấy. Ngày nào cũng thế, bất kể nắng mưa, ông cũng ra quyét dọn nghĩa trang, lau chùi cho các phần mộ. Với ông, đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là niềm tự hào bởi “ba đời làm nghề quản trang”.
 
Nằm trên đồi cát giữa thôn Đông Đức, Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Trạch có từ những năm 1966-1967. Ban đầu, chỉ có hai chiến sỹ quê ở Thanh Hóa và Nghệ An hy sinh trên trận địa pháo bờ biển, bộ đội và bà con mai táng các anh trên cồn cát, làm hàng rào tre và trồng cây xương rồng để bảo vệ. Chiến tranh ngày càng ác liệt, con em Đức Trạch đi chiến đấu, anh dũng hy sinh và hài cốt lần lượt được đưa về quê hương. Toàn xã có hơn 500 thanh niên lên đường đi đánh Mỹ thì có gần 100 người ngã xuống trên chiến trường, nên khuôn viên của nghĩa trang ngày càng được mở rộng. Trước đây, xã rất nghèo, nên việc nâng cấp nghĩa trang chỉ làm từng bước nhỏ.
 
“Hồi mới có nghĩa trang, tôi chỉ là đứa trẻ lên 10, lẽo đẽo trèo cồn cát nóng theo ông nội lên khu vực này. Hồi ấy, ở đây còn hoang vu lắm. Tôi thấy ông thường vun cát, nhổ cỏ, ngày rằm nào cũng thắp hương cho các ngôi mộ. Rồi liệt sỹ trong xã được quy tập về nhiều thêm, ông lại tiếp tục vun cát, làm lại hàng rào. Tôi cũng xăng xái giúp ông nhổ cỏ, tưới hoa. Năm 1982, ông nội mất, cha tôi lại tiếp tục nối gót ông chăm sóc nghĩa trang”, ông Xuân nhớ lại.
Vợ chồng CCB Phan Văn Xuân đang chăm sóc cho các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Trạch.
Vợ chồng CCB Phan Văn Xuân đang chăm sóc cho các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Trạch.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, tiếp nối truyền thống, năm 21 tuổi, ông Xuân tình nguyện nhập ngũ, đầu quân vào đơn vị Lữ đoàn 101, vùng 5 Hải quân, đóng ở Phú Quốc. Là một lính thủy đánh bộ tham gia chiến đấu ở đảo Hòn Nước (Campuchia), chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông càng thấm thía cái giá của hòa bình, nghĩa cử cao đẹp của những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Thế nên, khi xuất ngũ về địa phương, vài năm sau, ông nối gót cha mình (trước đó là ông nội) coi sóc nghĩa trang liệt sỹ xã. Từ đó đến nay, người cựu chiến binh ấy luôn xem nghĩa trang liệt sỹ là nhà và các liệt sỹ cũng như người thân của mình.
 
“Dường như đã thành thói quen, một ngày không lên nghĩa trang là tôi không chịu được. Những lúc đau ốm hay có việc đột xuất thì vợ con lên chăm nom hộ. Có khi, cả nhà đều tập trung chăm sóc nghĩa trang, người quét rác, người gánh nước lau chùi từng phần mộ. Mùa mưa bão, tôi túc trực cả ngày đêm trên nghĩa trang để chống xói lở cát, vất vả nhưng yên tâm hơn. Chỉ cần thấy nghĩa trang luôn sạch sẽ, thoáng đãng để thân nhân liệt sỹ được “mát lòng” khi đến viếng với tôi đã là niềm vui lớn lao”, ông Xuân chia sẻ.
 
“Đây là liệt sỹ Nguyễn Thạc Bằng, sinh năm 1953, hơn tôi 3 tuổi, quê ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trước khi hy sinh, anh Bằng là bộ đội pháo binh. Ngày đó, khẩu đội của anh Bằng đang chiến đấu bảo vệ bờ biển Đức Trạch thì bị pháo kích của địch từ biển bắn vào, 4 người hy sinh. Các anh ấy nằm lại đây từ đầu tháng 5-1972, đến nay đã 46 năm rồi đấy...”, vừa đưa tay lau bụi bám trên phần mộ có tên liệt sỹ Nguyễn Thạc Bằng, ông Xuân vừa kể.
 
Bao thời gian gắn bó với công việc lặng thầm đầy cao cả ấy, ông nhớ nằm lòng họ tên, địa chỉ của hết thảy gần 60 liệt sỹ có mộ phần tại nghĩa trang. Ông bảo, vui nhất là khi thân nhân của các liệt sỹ tìm được mộ người thân của họ sau bao nhiêu thời gian tìm kiếm trong vô vọng. Họ vui mười thì ông cũng vui tám, chín.
 
“Niềm vui của những người làm quản trang như chúng tôi chẳng phải là để được tuyên dương, để được hưởng tiền trợ cấp mà chính là giây phút được thấy nụ cười nở trên môi các thân nhân liệt sỹ khi đến viếng nghĩa trang và những giọt nước mắt mừng tủi của bao người khi nhận lại được người thân”, ông Xuân chia sẻ.
 
Với cựu chiến binh Phan Văn Xuân, việc “canh giấc” cho các liệt sỹ không chỉ là trách nhiệm mà là niềm vui, là một cách tri ân với những người đã hi sinh vì Tổ quốc. Chẳng thế mà, dù với số tiền trợ cấp hàng tháng (100.000 đồng) không đủ để mua nhang đèn, hoa quả thắp hương, dù nhiều khi sức khỏe yếu do vết thương cũ tái phát nhưng ông vẫn một lòng “thủy chung” với công việc mà mình đã chọn. Và chúng tôi hiểu, dù thêm 10 năm, 20 năm hay lâu hơn thế nữa, người quản trang ấy vẫn sẽ gắn nghiệp đời mình với công việc lặng thầm mà cao cả đó.
 
Tâm An
,