.

Hiểu về ngân hàng để tránh nợ từ… trên trời rơi xuống

.
15:26, Thứ Tư, 31/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Vay tiền không trả được, khi ngân hàng bán phát mại tài sản thế chấp, người vay tưởng vậy là… xoa tay hết nợ. Đến khi bị ngân hàng tiếp tục đòi thêm cả nợ gốc lẫn lãi của chính khoản vay đó, mới tá hoả không hiểu mô tê vì sao…

Sau 20 năm tưởng hết nợ lại bị đòi

Số người vay vốn ở ngân hàng đã vấp phải tình huống này không phải là ít, do không tìm hiểu sâu và chưa được cán bộ tín dụng ngân hàng giải thích cặn kẽ. Hệ luỵ là có người vì vậy đã để cho số tiền lãi lên đến cả tỷ đồng mà không hề hay biết.

Điển hình như trường hợp gia đình bà D., ngụ ở xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới mà Báo Quảng Bình đã có bài đề cập. Bà D. bị ngân hàng đòi tiếp khoản nợ vay sau gần… 20 năm ngân hàng đã bán phát mãi tài sản thế chấp.

Kể từ tháng 8-2000, là thời điểm ngân hàng bán tài sản thế chấp của gia đình bà (được định giá 100 triệu đồng cho khoản vay là 49 triệu đồng), bà và gia đình cứ đinh ninh là sau khi ngân hàng đã bán tài sản thế chấp rồi thì coi như đã xóa hết khoản nợ vay.

Nhưng đến, tháng 8-2018 ngân hàng lại gửi thông báo đến gia đình bà để đòi tiếp khoản nợ lên đến 163 triệu đồng. Theo ngân hàng, sau khi bán tài sản thế chấp, ngân hàng đã cùng đại diện hộ vay lập biên bản đối chiếu nợ, với số nợ gốc còn lại là 14,9 triệu đồng.

Những đồng vốn vay từ ngân hàng giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Những đồng vốn vay từ ngân hàng giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Từ đó đến nay số tiền nợ gốc còn lại này đã lên đến 163,2 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Ngân hàng khẳng định các hồ sơ liên quan đến việc thế chấp, vay vốn, xử lý tài sản thế chấp, trả nợ vay của gia đình bà D. được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Nếu khách hàng không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng sẽ buộc phải khởi kiện ra tòa án để có biện pháp thu hồi. Bà D. cho rằng đã bán tài sản thế chấp của gia đình bà để thanh toán nợ rồi, sao vẫn mang nợ?

Cùng cảnh ngộ như gia đình bà D. là gia đình ông T. ở phường Hải Đình. TP. Đồng Hới. Năm 2011 gia đình ông T. thế chấp tài sản tại một ngân hàng, và được ngân hàng này định giá tài sản là 5,6 tỷ đồng. Gia đình ông T. đã vay số tiền 3,5 tỷ đồng. Một năm sau thời hạn vay, do mất khả năng trả nợ nên ngân hàng bán phát mãi tài sản thế chấp được 1,9 tỷ đồng để thu hồi nợ.

Ông T. cho biết khi ngân hàng  đưa ra vấn đề bán tài sản để thu nợ, ông có nói là tài sản được định giá 5,6 tỷ đồng, lớn hơn số tiền vay, nên khi đã bán xong thì coi như gia đình không còn nợ vay nữa.

Từ đó gia đình ông T. không để ý đến nữa. Nhưng đến năm 2018 gia đình ông  lại bị ngân hàng tiếp tục đòi số nợ gốc lên tới 1,6 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi cũng lên đến tiền tỷ do phát sinh từ số tiền gốc này. Ông T. cũng thắc mắc như bà D. là tại sao đã bán tài sản thế chấp của gia đình ông rồi mà nay lại đòi tiếp?

Thắc mắc của ông T. được ngân hàng nơi ông vay tiền giải thích: sau khi bán tài sản thế chấp của ông bà T., chúng tôi xét thấy hoàn cảnh cùa gia đình thực tế vẫn rất khó khăn nên chưa thực hiện đòi tiếp nợ. Nay gia đình ông T. đã làm ăn khấm khá hơn nên ngân hàng mới thực hiện tiếp chuyện thu nợ.

Trước thắc mắc của gia đình ông T., lãnh đạo ngân hàng này cho biết đang xem xét để có văn bản đề nghị cấp trên giảm 75% số tiền lãi phải trả của khoản nợ gốc 1,6 tỷ đồng của gia đình ông T., nhằm tạo điều kiện cho gia đình giải quyết dứt điểm món nợ.

Khách hàng chưa hiểu hết ngân hàng

Những thắc mắc của bà D. và ông T. được ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình, giải thích: Hiện nay vẫn còn không ít khách hàng của các ngân hàng hiểu rằng, khi ngân hàng bán xong tài sản mà họ thế chấp thì ngân hàng phải lời ăn lỗ chịu. Còn người vay coi như đã hết nợ.

Thực ra không phải như vậy, mà theo luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người vay phải có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi vay theo cam kết. Trường hợp không trả được thì ngân hàng có quyền giải quyết tài sản thế chấp thông qua bán đấu giá do ngân hàng đứng ra, hoặc để người thế chấp tài sản tự bán.

Nếu số tiền bán được không đủ để trả nợ vay, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí liên quan, ngân hàng sẽ thực hiện thu nợ theo quy định của trật tự ưu tiên, nhằm hợp lý và có lợi cho người vay. Số nợ còn thiếu người vay sẽ phải tiếp tục nhận nợ với ngân hàng và có nghĩa vụ trả tiếp cho đến hết.

Ông Đinh Quang Hiếu khuyến cáo: “Từ những vụ việc trên, người vay nên tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng và quy định của ngân hàng trước khi thực hiện việc vay vốn hay thỏa thuận bán tài sản thế chấp. Như vậy mới tránh được sự  hiểu nhầm như các trường hợp trên đây, dẫn đến phải chịu nhiều thiệt thòi không đáng có”.

Thiên Hà

,