.

Giảm sử dụng bao nilon và đồ nhựa: Bắt đầu từ ý thức

.
07:27, Thứ Tư, 24/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi người chỉ bớt sử dụng một bao nilon hay một thứ đồ nhựa khi đến chợ hay vào quán ăn uống thôi, môi trường đã giảm được một số lượng lớn bao nilon và đồ nhựa.

1.Tôi mua hai vỉ thuốc bé tí ở một quầy dược trước chợ Đồng Hới. Cô bé bán hàng bỏ ba vỉ thuốc ấy vào một nilon cỡ vừa rồi dưa cho tôi. Tôi trả lại túi nilon và đút gọn gàng hai vỉ thuốc vào túi áo ngực. Cô bé thấy tôi làm vậy thì nhìn với vẻ rất ngạc nhiên, nói: “Ai mua thuốc cũng bảo cháu cho vô túi nilon để xách đi cho tiện, vì vậy cháu quen thói, cứ lấy thuốc là kèm theo lấy túi nilon”.

Tôi bảo: “Nếu mua nhiều loại mà cầm không hết được thì chú mới xin bao nilon để đựng, còn ít thì thôi. Không lấy bao nilon của cháu, chú làm lợi hai điều: cháu khỏi tốn bao và ngày mai ngoài môi trường đỡ một bao nilon bị vứt ra. Từ hôm nay cháu thử nói với mọi người như vậy xem thế nào”. Cô bé cười, đồng ý.

Mấy ngày sau tôi lại đến quầy thuốc này mua. Cô bé bữa ấy liền mách: “Có người nghe cháu nói rứa thì họ cũng không lấy bao nilon nữa chú ạ”.

Bao nilon mắc lại trên cây ở sông Mỹ Cương, phường Bắc Nghĩa, T.P Đồng Hới sau một trận lũ lụt.
Bao nilon mắc lại trên cây ở sông Mỹ Cương, phường Bắc Nghĩa, T.P Đồng Hới sau một trận lũ lụt.

2. Tôi mua ba lạng thịt heo ở chợ. Chị bán hàng cho miếng thịt heo ấy vào một bao nilon nhỏ, xong lại cho bao nilon nhỏ ấy vào một bao nilon khác lớn hơn để tôi xách. Tôi trả lại bao nion ngoài, xăm xoi kỹ xem bao đựng thịt có bị thủng chỗ nào không, rồi lấy tờ báo cũ mang theo trước khi đi chợ gói bao thịt lại, và đút gói thịt vào… túi quần.

Chị hàng thịt nhìn tôi cười như nắc nẻ, nói: “Tiết kiệm chi cái bao chú ơi! Bầy tui bán thịt ở đây quanh năm, ai mua cũng muốn xin thêm một cái để đựng cho chắc chắn, kể cả khi họ đã mang theo túi xách hay làn nhựa cũng vậy”.

Thấy chị vui tính, tôi nán lại trò chuyện. Tôi bảo là một người bớt một bao, mười người sẽ bớt được mười bao, nếu một ngàn người bớt mỗi người một bao thì sẽ không có một ngàn bao nilon vứt ra môi trường. Chị ngẫm nghĩ rồi chỉ tay ra bờ sông Nhật Lệ, bảo: “Có ngày gió to, bao nilon và hộp xốp tấp vô nơi chân kè sông đầy ra chú ạ, nhìn nó trôi nổi lều bều kinh lắm”.

Hi vọng hình ảnh bao nilon và hộp xốp lều bều trên sông khiến chị hàng thịt nhìn mà “kinh lắm” sẽ khiến chị bớt đi từng bao nilon ở mỗi khách mua thịt nơi chị.

3. Không dùng, hay bớt dùng rác thải nhựa và bao nilon để bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống… là cần thiết và cấp bách như thế nào, có lẽ mọi người đều đã biết. Nhưng để tất cả mọi người đều đồng lòng tham gia giảm bớt và ít sử dụng đồ nhựa, bao nilon một cách hiệu quả, thực chất lại là vấn đề cần có biện pháp, giải pháp bền lâu và phù hợp nhất.

Hiện nay ở nhiều địa phương đang hướng đến việc vận động người đi mua hàng hạn chế dùng bao nilon và đồ nhựa. Tôi thấy việc làm này rất cần thiết, nhưng chỉ mới đi “một chân”.

Vì nếu chỉ vận động người đi mua hàng hạn chế dùng, mà người bán hàng vẫn “ưu ái” cho không người mua nhiều bao nilon hay đồ nhựa, cho dù nhiều khi không cần thiết phải như vậy, thì cũng không mấy hiệu quả. Mà nên chăng cần vận động song song cả người mua hàng lẫn người bán hàng cùng tham gia, cùng chung tay hạn chế dùng. Đơn giản nhất là như cách mà cô bé bán thuốc ở quầy dược phẩm trước chợ Đồng Hới đã làm.

Thuận lợi nhất là hiện nay là ở các địa phương đều có hàng chục tổ chức hội và đoàn thể, câu lạc bộ… Nếu mỗi tổ chức, mỗi hội vận động được, dù chỉ 30 hay 50% số thành viên của mình hạn chế sử dụng bao nilon hay đồ nhựa thôi, thì số lượng rác thải loại này từ mỗi gia đình đổ ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều trên cả nước.

Từ hiệu quả của vận động, sẽ nâng dần lên mức cao là trở thành quy ước, nội quy, quy chế hoạt động của mỗi hội, đoàn thể, câu lạc bộ… Và chắc chắn sẽ tạo ra được ý thức sâu rộng trong việc giảm dùng bao nilon, đồ nhựa để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất và cuộc sống của chúng ta.

Thiên Hà

,