.

Công viên Nhật Lệ: Thiếu ghế ngồi và bị biến thành nơi ăn uống

.
08:30, Thứ Tư, 10/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hàng ngàn người đến với công viên Nhật Lệ hằng đêm, nhưng phải ngồi nghỉ chân vạ vật khắp nơi vì thiếu ghế ngồi. Và công viên cũng trở thành nơi ăn uống của nhiều gia đình…

Theo ước tính, mỗi đêm có ít nhất cả ngàn người trong công viên dọc bờ sông Nhật Lệ, đoạn từ di tích nhà thờ Tam Tòa đến khu vực đài phun nước cá heo thuộc phường Đồng Mỹ. Số người này bao gồm người dân địa phương đi bộ rèn luyện sức khỏe, người dân đến nghỉ hóng mát và khách du lịch.

Dù lượng người có mặt ở công viên đông như vậy, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì hiện tại trên suốt dọc bờ sông trong công viên chỉ có hơn một chục ghế đá được lắp đặt. Do không có ghế ngồi nên hầu hết mọi người phải tìm chỗ ngồi ở khắp nơi và bất cứ chỗ nào có thể được. Người thì ngồi lên bờ đá viền vườn cây, người ngồi lên các bờ tường chắn cây cảnh.

Thậm chí có nhóm thanh niên còn ngồi vắt vẻo trên lan can bờ sông, trông rất nguy hiểm. Người lớn thì còn có thể đứng hoặc tìm chỗ ngồi nghỉ chân khả dĩ, nhưng trẻ em thì rất khó. Nhiều cháu đã ngồi bệt xuống sân gạch còn hấp hơi nắng nóng hầm hập.

Nhiều nhóm ngồi ăn uống trên bãi cỏ trong công viên Nhật Lệ. Ảnh chụp tối 30-6-2019.
Nhiều nhóm ngồi ăn uống trên bãi cỏ trong công viên Nhật Lệ. Ảnh chụp tối 30-6-2019.

Công viên bờ sông Nhật Lệ hiện nay không chỉ là nơi vui chơi, đi bộ hằng đêm của cư dân TP. Đồng Hới hay người dân trong tỉnh Quảng Bình, mà đã trở thành nơi đến của nhiều khách du lịch, trong đó có cả du khách người nước ngoài khi đến với Đồng Hới.

Vì vậy, chuyện thiếu ghế ngồi ở đây sẽ là câu chuyện không mấy thiện cảm trước suy nghĩ của du khách và người dân địa phương. Lắp đặt thêm ghế ximăng nhiều lên trong công viên Nhật Lệ là chuyện cần thiết cho bộ mặt của một thành phố du lịch năng động và đang muốn phát triển như Đồng Hới. Bởi 100, hay 200 chiếc ghế làm bằng ximăng cũng không phải quá đắt đỏ đối với ngân sách của một thành phố tỉnh lỵ như Đồng Hới của chúng ta.

Hoặc nếu khó khăn quá về ngân sách thì thành phố cũng có thể đề xuất với tỉnh hỗ trợ một phần. Hoặc cũng có thể vận động thực hiện xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đơn vị nhà nước và các địa phương trên địa bàn.

Ngoài chuyện ghế ngồi thì hiện nay còn có thêm một bất cập khác trong công viên Nhật Lệ. Đó là chuyện công viên đã bị biến thành nơi tổ chức ăn uống của các gia đình, hay nhóm người.

Chỉ riêng trong đêm 30-6-2019, theo quan sát của chúng tôi ở khu vực quanh đài phun nước cá heo, đã có bốn nhóm người ngồi ăn uống như đang mở hội. Họ trải bạt hay chiếu lên thảm cỏ rồi bày biện mọi thứ như bia, cá, thịt và nhiều loại thức ăn đồ uống khác nữa, cứ như đang ở nhà mình vậy.

Sau mỗi cuộc ăn nhậu như thế trong công viên, có nhóm có ý thức cao thì tự dọn dẹp hết rác thải để trả lại vẻ đẹp cho công viên. Có nhóm thiếu ý thức thì vứt lại bừa bãi rác thải như lon bia, lon nước ngọt, vỏ bao, lá gói bánh… thậm chí bạt trải cũng bị vứt lại luôn…

Ngoài chuyện vứt lại rác thải, thì kiểu tụ họp ăn uống trong công viên Nhật Lệ như vậy cũng góp phần tàn phá thảm cây xanh rất nghiêm trọng. Về văn hóa công cộng và mỹ quan đô thị, chuyện ngồi ăn uống trong công viên ngay giữa chốn đông người qua lại như vậy cũng không mấy văn minh. Bởi thế nên nhiều người có mặt trong công viên, khi chứng kiến cảnh các nhóm người ngồi ăn uống ấy, đã tỏ vẻ khó chịu.

Những thực trạng trên, nên chăng cần có sự quản lý từ phía chính quyền TP. Đồng Hới, mà cụ thể hơn và có trách nhiệm hơn chính là Đội quy tắc đô thị thành phố.

Thiên Hà

,