.

Chàng kỹ sư xây dựng bỏ nghề về quê làm… thợ mộc

.
08:22, Thứ Năm, 11/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tốt nghiệp ngành xây dựng dân dụng tại Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, đang có việc làm ổn định tại một công ty lớn ở Đà Nẵng, nhưng anh Lê Văn Thăng (28 tuổi) đột ngột rẽ ngang về quê khởi nghiệp với nghề thợ mộc, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình…

Chuyên điêu khắc gỗ, thiết kế thi công tủ bếp vách ngăn hiện đại và các sản phẩm mộc theo yêu cầu, xưởng mộc Ngọc Thăng của anh (thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng tìm đến bởi chất lượng của sản phẩm luôn được bảo đảm.

Chúng tôi đến thăm xưởng mộc của anh Thăng khi anh và những người thợ của mình đang tất bật làm việc. Vừa hướng dẫn cho thợ hoàn thành một số công đoạn khó cho các sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng, anh Thăng vừa kể về cơ duyên đến với nghề mộc của mình.

Tốt nghiệp ngành xây dựng dân dụng tại Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, anh Thăng được nhận vào làm việc ở một công ty xây dựng lớn ở Đà Nẵng với mức lương khá. Công việc đó có lẽ cũng chẳng có gì thay đổi nếu như trong lòng anh không ấp ủ mong muốn về quê lập nghiệp.

Anh Lê Văn Thăng chọn nghề mộc để khởi nghiệp ngay tại quê hương.
Anh Lê Văn Thăng chọn nghề mộc để khởi nghiệp ngay tại quê hương.

Gia đình làm nông nghiệp nhưng từ nhỏ anh Thăng lại có niềm đam mê với nghề mộc. Người bà con của anh Thăng có một xưởng mộc nhỏ, hàng ngày đi học về, anh thường đến xưởng để phụ giúp các công việc đơn giản và thích thú với nghệ thuật đẽo gọt từng khối gỗ, rễ cây thành những hình dáng độc, lạ, bắt mắt . Thế nên khi trở về quê hương, anh Thăng quyết định lựa chọn nghề mộc để khởi nghiệp.

Năm 2016, với số vốn dành dụm được, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh Thăng đã quyết định mở xưởng mộc rộng 300m2 ngay trên mảnh đất của gia đình. Xưởng mộc đi vào hoạt động, tuy nhiên, với thiết bị máy móc thô sơ, tay nghề thợ không cao nên xưởng chủ yếu sản xuất mặt hàng đồ gỗ dân dụng thủ công, các đơn hàng phần lớn là của anh em họ hàng và bà con trong xã.

Nhận thấy vai trò quan trọng của công nghệ, anh Thăng mạnh dạn vay vốn ngân hàng với số tiền 300 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, hướng tới sản xuất mộc nội thất, mỹ nghệ cao cấp cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, anh Thăng còn dành thời gian tìm đến các trung tâm mộc mỹ nghệ nổi tiếng ở miền Bắc để học thêm nghề và công nghệ, đồng thời, chủ động tìm và mời thợ giỏi nghề về làm việc để có những sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ nhất.

Với tính cẩn thận, tỉ mỉ từ nhỏ, anh Thăng đề cao sự hoàn mỹ, chất lượng trong từng sản phẩm mỗi khi xuất xưởng, từng bước gây dựng uy tín với khách hàng. Cùng với đó, anh đặc biệt chú trọng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nên sản phẩm của anh không chỉ khách hàng trong huyện, trong tỉnh biết đến mà còn vươn ra các tỉnh lân cận.

“Làm nghề này không những đòi hỏi đam mê nghệ thuật, thẩm mỹ mà phải có hiểu biết về kiến trúc, đồng thời đặt chữ tín lên hàng đầu. Sau vài năm sản xuất, tiếng lành đồn xa, nhờ sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên khách hàng tìm đến ngày một đông, tôi không phải đi quảng bá nhiều nữa. Mỗi ngày số lượng đơn hàng càng tăng, có khi chúng tôi còn làm đến đêm khuya để kịp giao hàng cho khách”, anh Thăng cho biết thêm.

Hiện mỗi năm, doanh thu từ xưởng mộc của anh đã đạt doanh số trên 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh thu lãi gần 200 triệu đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Không những làm giàu cho gia đình, khi trở về quê hương, anh Thăng còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương, đặc biệt các hoạt động thiện nguyện của thanh niên, chia sẻ khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ thanh niên trong xã lập thân, lập nghiệp.

Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy cho biết: “Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, anh Lê Văn Thăng đã có những thành công bước đầu đáng khích lệ, xứng đáng là tấm gương thanh niên trong xã học tập, vượt khó đi lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Tuyết Trinh

,