.

Nỗi niềm cán bộ thôn bản

.
09:33, Chủ Nhật, 23/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Được ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản đã góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Vượt qua bao khó khăn vất vả, những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vẫn lặng lẽ cống hiến, làm tròn trách nhiệm được giao, dẫu chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thực sự tương xứng.
 
Những vất vả khó gọi tên
 
Thực tế cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ thôn, bản có trình độ năng lực, trách nhiệm trong công việc, thì ở đó ý thức, trách nhiệm của người dân trong các hoạt động cộng đồng cũng được nâng cao.
 
Họ là đội ngũ trực tiếp gần dân, nắm rõ mọi tâm tư, nguyện vọng của người dân và là nhân tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội ở cơ sở.
 
Ông Phạm Văn Khiển, Trưởng thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) là một “tuýp” cán bộ cơ sở không nề hà bất cứ việc gì, bất kể ngày đêm ông luôn bám sát cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Ông Khiển cho biết, 13 năm làm trưởng thôn, chưa có việc gì mà ông chưa làm qua.Từ việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân như: góp tiền của, công sức để làm đường bê tông giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; tham gia các phong trào, các hoạt động văn hóa-văn nghệ do địa phương tổ chức, vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa... 
Hơn 13 năm giữ chúc vụ Trưởng thôn Nhân Quang, ông Phạm Văn Khiển (thứ hai từ trái qua) luôn được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Hơn 13 năm giữ chúc vụ Trưởng thôn Nhân Quang, ông Phạm Văn Khiển (thứ hai từ trái qua) luôn được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Ngoài ra, ông cũng là người trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, mạnh dạn vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế.
 
Việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng thuộc về trách nhiệm của những cán bộ thôn như ông. Chưa hết, ông còn phải trực tiếp tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và nhiều việc không tên khác…
 
Thôn Nhân Quang địa bàn rộng với gần 300 hộ dân, trình độ dân trí không đồng đều nên công việc của ông khá vất vả. Nhất là việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường.
 
Để có thể làm tốt vai trò của mình, ông Khiển phải thu xếp việc gia đình, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục.
 
“Bên cạnh việc thông báo người dân làm vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm qua loa truyền thanh như những nơi khác, tôi còn phải trực tiếp đến từng nhà vận động, nhiều lúc phải nói nhỏ, nói nhẹ người dân mới làm theo.”, ông Khiển chia sẻ.
 
Công việc “vác tù và hàng tổng” ở miền xuôi vất vả một thì đối với những bản, làng vùng sâu, vùng xa càng khó khăn gấp bội. Anh Đinh Bồng, Trưởng bản Ka-Định, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) cho hay: Đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng còn rất khó khăn.
 
Để người dân hiểu, trưởng bản phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dần thấm lâu”. Dân cư thưa thớt, lại nằm rải rác tại các triền núi, việc đến từng nhà vận động không hề dễ dàng. Nhiều lúc anh Bồng phải đi bộ gần 2 cây số, lội qua nhiều sông suối mới đến được nhà dân. Có những dịp anh mất gần cả tháng mới tuyên tuyền, vận động được bà con, vì nhiều lúc đến nhà dân nhưng đồng bào đi làm rẫy không có nhà, anh lại phải quay về vài ngày sau lại tới, có nhiều hộ phải đến 3-4 lần mới gặp được.
 
Với vai trò là trưởng bản, gác lại việc gia đình, anh dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt để có thêm kiến thức về phổ biến, truyền đạt lại cho người dân. “Nói vui nhưng mà thật, là trưởng bản thì mọi việc lớn nhỏ trong bản đều đều phải xắn tay vào. Từ chuyện dân bản nuôi còn gì, trồng cây gì, nhà ai hiếu hỷ, vợ chồng bất hòa, hàng xóm xích mích cũng gọi đến mình. Công việc thì nhiều nhưng kể rành rẽ ra thì thật khó vì toàn thứ không tên.
 
Việc gì cũng đến tay nhưng phụ cấp dành cho trưởng bản còn thấp. Mỗi tháng tôi chỉ được hỗ trợ gần 800.000 đồng, riêng tiền xăng xe đi lại đã gần hết rồi”, anh Bồng tâm sự. Vì cuộc sống còn khó khăn, tranh thủ thời gian ít ỏi, anh Bồng còn đi bốc vác thuê, chăn nuôi lợn, gà để kiếm thêm thu nhập.
 
Niềm vui từ Nghị định 34/2019/NĐ-CP
 
Khối lượng công việc và trách nhiệm không hề nhỏ, nhưng thời gian qua, đội ngũ cán bộ thôn, bản chưa thực sự được quan tâm đúng mức vì chế độ phụ cấp còn rất thấp.
 
Để động viên, chia sẻ khó khăn với đội ngũ “vác tù và hàng tổng” ở cơ sở, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP về việc điều chỉnh phụ cấp đối với cán bộ thôn, bản, có hiệu lực từ ngày 25-6-2019. Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định rõ: các chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
 
Người tham gia công việc ở thôn ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng.
 
Cụ thể, ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố.
 
Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5 lần mức lương cơ sở.
 
Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP, mức phụ cấp đối với một số chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn sẽ được nâng cao hơn hiện nay. Đây là tin vui đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách.
 
“Mức phụ cấp tôi hiện hưởng sau khi trừ tiền điện thoại và xăng xe không dư được bao nhiêu. Nếu được tăng thêm thì rất đáng mừng, chúng tôi sẽ có thêm động lực để cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Hữu Điền,Trưởng thôn Thượng Thủy, xã Quảng Thủy (huyện Quảng Trạch) bày tỏ.
 
Cùng chung suy nghĩ, bà Hoàng Thị Phượng, Bí thư Chi bộ thôn Nhân Đức, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, việc tăng phụ cấp đồng nghĩa với việc tăng thêm động lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
 
Theo bà Phượng, mức phụ cấp tăng thêm không phải là nhiều so với giá cả thị trường hiện nay nhưng cái được lớn hơn cả mà cán bộ cơ sở cảm nhận được chính là sự quan tâm, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác.
 
Lan Chi
,