.
Chuyện quản lý:

Bàn chuyện đi, dừng, đỗ xe ô tô...

.
07:51, Thứ Hai, 10/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện, trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đang quản lý hơn 500.000 phương tiện các loại, bao gồm trên 33.500 ô tô, 450 nghìn xe máy, mô tô và gần 20.000 xe máy điện.

Với loại hình giao thông hỗn hợp nên ở các tuyến đường có rất nhiều phương tiện cùng lúc lưu thông, kèm theo đó là muôn hình vạn trạng cách thức đi, dừng, đỗ…

Ở bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói đến ý thức của người điều khiển ô tô, phương tiện ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội. Chưa bao giờ thị trường ô tô “bùng nổ”như hiện nay, chỉ tính trên địa bàn tỉnh, trong một thời gian ngắn, số lượng ô tô đăng ký mới tăng một cách chóng mặt, trở thành “mốt” thể hiện “đẳng cấp” của một bộ phận cư dân.

Ngoài những trường hợp có điều kiện mua sắm phương tiện này để phục vụ công việc, đi lại, sinh hoạt gia đình… thì cũng có không ít người sắm xe chỉ để cà phê, ăn sáng(?!).

Do vậy, cũng có “một nghìn lẻ một” cách điều khiển ô tô tham gia giao thông, chỉ cần để ý, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh phản cảm, không có trong giáo trình dạy lái xe và góp phần làm mất an toàn giao thông.

Lái xe thản nhiên dừng ô tô và xuống xe ngay giữa làn đường (Ảnh chụp trên đường Lê Thành Đồng, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới).
Lái xe thản nhiên dừng ô tô và xuống xe ngay giữa làn đường (Ảnh chụp trên đường Lê Thành Đồng, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới).

Đó là, cách đi xe bất chấp luồng tuyến, đèn giao thông…; dừng xe tùy ý, tùy thích, tiện cho bản thân mình mà quên đi những người xung quanh; đỗ xe vào những đoạn đường cấm, đường cua, vỉa hè, đường ngược chiều…

Sự vô ý thức của người điều khiển ô tô khi tham gia giao thông trên các địa bàn tỉnh nói chung và ở TP. Đồng Hới nói riêng đã được phản ánh rất nhiều trên các diễn đàn và mạng xã hội. Đến mức các thành viên trong diễn đàn nhiều khi xem lại các hình ảnh, video đều không thể tưởng tượng được văn hóa giao thông ngày càng bất thường của nhiều người khi ngồi sau tay lái.

Đơn cử như hình ảnh phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, bóp còi inh ỏi… Cá biệt có trường hợp còn dừng xe giữa đường chỉ để mua hộp cơm gà, ngay vạch dành cho người đi bộ, đỗ xe song song trên đường hẹp…

Gặp những trường hợp này, khiến nhiều người bực mình, đồng thời cảnh báo, TP. Đồng Hới vốn nhiều đường nhỏ nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thì có lẽ sẽ xảy ra nhiều vụ ẩu đả liên quan đến chuyện… đậu xe.

Minh chứng rõ ràng nhất của câu chuyện này là chỉ trong thời gian ngắn của đợt “cao điểm”, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản hơn 400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phương tiện hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người điều khiển không có giấy phép lái xe…; tạm giữ 410 phương tiện cả ô tô lẫn mô tô; thu phạt hơn 2 tỷ đồng.

Người viết bài này đã có dịp qua Lào và vùng đông bắc Thái Lan, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng ấn tượng nhất vẫn là văn hóa tham gia giao thông của người dân.

Người Lào thường nói, trong cuộc sống dù bất cứ hoàn cảnh nào “muốn nhanh thì phải từ từ”, mới nghe qua thì thấy mâu thuẫn vì “nhanh” thì không thể “từ từ”. Nhưng càng suy ngẫm, càng thấy sự thâm thúy trong câu nói này, đó là sự nhường nhịn, suy xét, cân nhắc trước khi quyết định việc gì, kể cả khi tham gia giao thông, khác với người Việt ra đường là muốn phóng nhanh, vượt nhanh, chen lấn, bóp còi tùy thích…

Ở Thái Lan, hình ảnh người điều khiển ô tô rất kiên nhẫn đợi đến khi nào trên đường ưu tiên không còn xe lưu thông hay khi có khoảng cách an toàn họ mới nhập làn hoặc rẽ sang hướng khác. Chính vì ý thức thượng tôn pháp luật của người điều khiển phương tiện cùng với văn hóa khi tham gia giao thông đã làm cho mọi người cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi ra đường.

Có lẽ, chỉ khi nào xây dựng và gìn giữ được văn hóa của người và phương tiện khi tham gia giao thông, cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ kết hợp chế tài đủ mạnh thì lúc đó mới hy vọng không còn hình ảnh xấu xí của chuyện đi, dừng, đỗ xe ô tô…

Trần Minh Văn

,