.

Hiểm họa từ việc nuôi chó thả rông

.
08:54, Thứ Năm, 16/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ việc thương tâm liên quan đến chó dữ tấn công người. Tuy vậy, tại tỉnh ta, tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến, còn việc tiêm phòng cho chó vẫn chưa được người dân quan tâm.
 
Cũng giống như các địa phương trong cả nước, ở Quảng Bình, tình trạng chó thả rông ngoài đường vẫn diễn ra phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, không khó để bắt gặp những con chó không rọ mõm "vô tư" chạy ngoài đường, trên vỉa hè, ngõ ngách, công viên.
 
Tình trạng này rất nguy hiểm vì ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, chó còn gây tai nạn, cắn, gây thương tích cho người đi đường, thậm chí là cho chính chủ nhân của chúng. Đặc biệt, chó thả rông còn gây mất vệ sinh môi trường do phóng uế bừa bãi, không chỉ trên lề đường, vỉa hè, vệ cỏ mà cả ở những nơi công cộng.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới đã không khỏi lo lắng khi con trai của mình là cháu Trần Chung Hiếu bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân gây trầy xước khá sâu vào giữa tháng 4 vừa qua. Mặc dù chị đã đưa con đến bác sỹ rửa và băng bó vết thương nhưng do vết cắn ở vị trí nguy hiểm, chị phải đưa cháu đi tiêm huyết thanh để ngăn chặn sớm nguy cơ virus bệnh dại tấn công lên não.
 
Cũng lo sợ bị truyền bệnh dại nên chị Nguyễn Thị Hiền, ở phường Đồng Sơn cũng vội đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng sau khi bị chó cắn ở bắp chân trái khi đang đi bộ trên đường.
Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời gian gần đây, số người đến trung tâm tiêm phòng ngày một tăng. Năm 2018, hơn 2.089 người đến tiêm phòng bệnh dại, trong đó có 525 người vừa phải tiêm vắc xin, vừa phải tiêm huyết thanh kháng dại.
 
Riêng 3 tháng đầu năm 2019, có hơn 728 người, trong đó có 300 người phải tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trường hợp vết cắn nặng thì phải tiêm vắc xin dại và huyết thanh khẩn cấp. Bởi những vết cắn nằm ở vị trí nguy hiểm, nơi tập trung nhiều dây thần kinh, như: đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… có thời gian virus dại tấn công lên não nhanh hơn ở những vị trí khác, dễ dẫn đến tử vong.
 
Số lượng người bị chó cắn hàng năm không giảm, diễn biến bệnh dại hết sức phức tạp nhưng những người nuôi chó, mèo vẫn rất chủ quan, thờ ơ với việc tiêm phòng cho vật nuôi theo đúng quy định. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn chó nuôi trong toàn tỉnh khoảng 124.000 con, nhưng tính đến hết ngày 8-4-2019, mới có trên 19.000 con được tiêm phòng bệnh dại.
 
Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” nêu rõ: Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Điều 2 Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng quy định: Nếu chủ vật nuôi không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
 
Cùng mức phạt trên nếu chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Điều 603 Luật Dân sự cũng nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác…
 
Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khắp nơi. Bên cạnh đó, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn vì các xã không có lực lượng đi kiểm tra hay bắt chó thả rông. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu chi phí, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: Để phòng ngừa chó mắc bệnh dại cắn người, chi cục đã đẩy mạnh phối hợp với ngành chức năng tập huấn, tuyên truyền phòng ngừa bệnh dại cho người dân.
 
Tuy nhiên, nhiều gia đình nuôi chó, khi nhân viên thú y đến tiêm phòng, chủ nhà không có mặt hoặc không bắt giữ được chó để tiêm nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó không cao. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ chó phát bệnh dại là rất cao.
 
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khuyến cáo người nuôi cần có biện pháp bảo đảm an toàn, như: nuôi chó phải xích, ra đường phải có rọ mõm, người dắt đủ tuổi thành niên… để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
 
Mặt khác, để bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, xử lý, xử phạt các hành vi nuôi, thả rông chó trái quy định. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc nuôi thả súc vật, phải bảo đảm sự an toàn của mọi người.
 
Phạm Hà
,