.

Đường làng đầu tiên ở Lệ Thủy có số nhà

.
09:26, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đúng vào ngày 30-4-2019, một đường làng ở thôn Lộc An, xã An Thủy (Lệ Thủy) đã được đánh số nhà. Ở đầu đường có cổng chào cách tân thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại.
 
Trôổng của làng
 
Xã An Thủy của huyện Lệ Thủy nằm bên sông Kiến Giang. Nếu tính từ thượng nguồn trở xuống có các thôn: Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ, Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ và thôn Tân Lệ ở cuối con hói Phú Thọ. Các cụ khai khẩn ngày xưa “quy hoạch” con đường chính gọi là đường Bến, chạy dọc theo sông, từ đó có các đường vuông góc chạy ra cánh đồng.
 
Sau đó, phía cánh đồng có con đường bám rìa làng, gọi là đường Quan. Các cụ cao niên kể rằng, đường này do những người lên làm “quan”, từ lý trưởng trở lên, làm như làm nghĩa vụ công ích.
 
Thôn Lộc An cũng như thế. Các đường nối từ bến ra đồng gọi là trôổng. Trôổng là một từ Việt cổ vừa chỉ một con đường vừa chỉ một khu vực dân cư như tổ dân phố ở thành phố. Lộc An có nhiều trôổng, các trôổng đều đặt theo từ Việt cổ, như: trôổng Giáo, trôổng Nẹo, trôổng Eo, trôổng Dỏ…
 
Sau này, dân cư phát triển, có thêm nhiều trôổng mới do người dân tự đặt, ví dụ trôổng Hồ là trôổng có cái hồ. Ngày nay, mỗi trôổng đều có trưởng trôổng.
Đường làng đầu tiên ở Lệ Thủy có số nhà.
Đường làng đầu tiên ở Lệ Thủy có số nhà.
Trôổng nào cũng có bến nước, hiện được bà con đóng góp xây rất đẹp, quanh trồng câu, trồng hoa, đặt ghế đá… như một công viên nhỏ.
 
Chiều đến, mọi người tụ tập hóng mát, tắm sông. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các trôổng ngày xưa giờ được bê tông hóa, các gia đình đều xây tường bao quanh nên rất giống nhau, đến mức con cháu về quê tìm không ra, người ở quê thỉnh thoảng vẫn đi lạc.
 
Trôổng Dỏ có số nhà                
 
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã An Thủy đưa ra nhiều tiêu chí, trong đó, mỗi trôổng có hai cổng chào phía đường Bến và đường Quan. Nhiều trôổng của xã đã làm cổng chào bằng khung thép khá giống nhau.
 
Gia đình ông Nguyễn Thế Đô và bà Lê Thị Vy ở trôổng Dỏ (ông bà đã mất) có 8 đứa con công tác xa đã đưa ra ý tưởng thiết kế và nhận làm một cái cổng chào phía đường Quan. Cổng chào không làm theo các mô hình thường có mà được cách tân thành biểu tượng từ lịch sử của trôổng Dỏ.
 
Dỏ, từ lâu có người quan niệm là Giỏ (cái hom giỏ), có người lại cho rằng đó là nhỏ đọc theo tiếng địa phương, nghĩa là nhỏ (trong nhỏ-lớn).
 
Nhưng trong gia phả của phái 6 họ Nguyễn Thế lý giải: Dỏ là dòm dỏ, tức là nhìn, ngó. Nơi này ngày trước có tháp canh làm bằng tre, làng cử người trực đứng trên đó để canh đồng ruộng xem có ai trộm lúa, trâu ăn lúa, cháy rơm, cháy nhà hoặc có việc làng sẽ dùng loa sắt tây thông báo cho bà con.
 
Từ lý giải này,  ông Nguyễn Thế Thịnh, đại diện cho gia đình đưa ra mẫu thiết kế cách điệu để nhìn giống cái tháp canh, trên đề chữ “Trôổng Dỏ-Làng Lộc An”.
 
Phía đối diện là cột có bảng đề “Gia đình hòa thuận - Xóm làng yên vui”. Sau khi xây cổng, ông Thịnh bàn với lãnh đạo thôn Lộc An, quản lý trôổng Dỏ đặt số nhà. Vậy là Trôổng Dỏ có 50 nhà được được đánh số theo nguyên tắc quy định thống nhất từ bắc vào nam, từ đông sang tây, chẵn phải, lẻ trái.
 
Tiện ích
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết: “Không phải đánh số nhà cho giống thành phố mà mục đích chính là tiện ích. Ngày nay, khi mua sắm các vật dụng như như tivi, tủ lạnh, giường tủ…, đều được nơi bán chở về tận nhà.
 
Đường trôổng hẹp, hai ô tô không tránh được nhau nên hỏi nhà này nhà khác tiến lùi rất mất công.
 
Ngoài ra, phải ra tận đường Bến hoặc đường Quan để đón xe rất phiền toái. Làm nhà, muốn chở vật liệu xây dựng hay gọi taxi thay vì phải hỏi nhà ông này bà khác vất vả, sau khi đánh số, giờ chỉ cần đọc số nhà là được!”.    
Nhà trong trôổng Dỏ được đánh số.
Nhà trong trôổng Dỏ được đánh số.
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh là con trai đầu của ông Nguyễn Thế Đô và bà Lê Thị Vy, từng làm Thư ký tòa soạn Báo Quảng Bình lúc mới tách tỉnh, sau làm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung.
 
Hiện ông là giảng viên Dự án nâng cao năng lực báo chí Việt Nam, thỉnh giảng về báo chí - truyền thông của nhiều trường đại học và tham gia nói chuyện với thanh niên, sinh viên về sử dụng mạng xã hội, giảng dạy cho các đơn vị kinh tế và các địa phương về ứng xử, xử lý khủng hoảng truyền thông, truyền thông nội bộ…
 
Là người tâm huyết với quê hương, 15 năm qua, năm nào có bão lũ ông đều đại diện cho Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh làm từ thiện ở các huyện trong tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên làm từ thiện với số tiền lên đến 20 tỷ đồng.
 
Chị Võ Thị Loan, thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy chia sẻ: Lần đầu được ngắm cổng trôổng Dỏ của làng Lộc An, tôi rất ngạc nhiên và thú vị. Tôi nghĩ với những tiện ích của nó mang lại, việc đánh số nhà ở trôổng Dỏ đáng được nghiên cứu, nhân rộng vì lợi ích cộng đồng mà chi phí không tốn kém.
 
Hiền Mai
,