.

Tập trung phát triển ngành nghề nông thôn

.
10:21, Thứ Tư, 17/04/2019 (GMT+7)

(QBDDT) - Ngày 17-4, tin từ Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT), đến năm 2023 giá trị sản xuất NNNT trên địa bàn tỉnh đạt 4.564.527 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 đạt 2,5-3%.

Hàng năm, NNNT sẽ góp phần giải quyết việc làm khoảng 1.400 lao động, đến năm 2023 đưa số lao động sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn đạt 50.219 người; phấn đấu đến năm 2023 mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 5 sản phẩm NNNT tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP) và được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng, công nhận từ 1-2 làng nghề theo tiêu chí quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 35-40 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

Sơ chế lạc thương phẩm tại Công ty TNHH Diến Hồng, góp phần phát triển NNNT trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Sơ chế lạc thương phẩm tại Công ty TNHH Diến Hồng, góp phần phát triển NNNT trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Được biết, tổng giá trị sản xuất NNNT đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh (phân theo 7 nhóm ngành của Nghị định 52/2018/NĐ-CP) đạt 3.999.300 triệu đồng, tăng 913.750 triệu đồng so với năm 2014; so với mục tiêu quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đạt 88,4%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 đến 2018 đạt 6,69%. Tổng lao động thường xuyên và thời vụ hoạt động trong NNNT là 37.957 lao động, so với mục tiêu quy hoạch phát triển NNNT đến năm 2020 đạt 56,5%.

Hiện, toàn tỉnh có 22.625 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực NNNT, so với mục tiêu quy hoạch phát triển NNNT đến năm 2020 đạt 67,2%, trong đó: 154 doanh nghiệp, 41 hợp tác xã, tổ hợp tác và 22.430 hộ kinh doanh cá thể.

Đến nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Nhìn chung các làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nhàn rỗi ở địa phương, nổi bật có các làng nghề: nón lá truyền thống Hạ Thôn, xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) thu hút 850 hộ với 2.100 lao động, tạo thu nhập ổn định bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề nón lá truyền thống Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) thu hút 1.600 hộ với hơn 1.600 lao động; làng nghề chế biến bún bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) thu hút 232 hộ với 460 lao động.

M.Văn

 

,