.

Tản mạn trà quán

.
07:28, Chủ Nhật, 14/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là tên quán trà nhỏ ở số 31 đường Phan Bội Châu, TP. Đồng Hới. Giữa ồn áo phố xá, giữa tấp nập những quán cafe đông khách, “Tản mạn trà quán” lặng lẽ một góc riêng. Ở đó, những người già nhàn tản đàm đạo bên bình trà, những người trẻ tạm rời xa máy tính, điện thoại, an nhiên tự tại hướng đến những giá trị về mặt tinh thần mà trong sự gấp gáp của đời sống hiện đại, có lúc họ lãng quên.

Bình yên bên phố đông

Đồng Hới có nhiều quán cafe với kiến trúc và không gian đẹp, nhưng quán trà thì đây là nơi đầu tiên tôi biết. Vốn kính ngưỡng trà đạo nên tôi vừa tò mò vừa băn khoăn: thưởng trà phải "hòa-kính-thanh-tịnh" mà quán trà lại nằm bên đường, “hòa” và “tịnh” được chăng? Lâm Ngữ Đường, nhà văn Trung Quốc-xứ sở khởi nguồn của trà đạo mà sau này người Nhật kế thừa và nâng nó lên thành tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình- viết: "Tinh thần sảng khoái, tâm khí bình tĩnh, tri kỷ họp mặt, lúc đó là lúc nên uống trà".

Đến
Đến "Tản mạn trà quán", người trẻ sẽ được tĩnh tâm, hướng đến những giá trị tinh thần tưởng chừng đã bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại.

Ông cũng dẫn sách "Trà lục" khuyên rằng: uống trà đừng nên có nhiều bạn, vì khách nhiều quá thì ồn, mà ồn thì mất nhã thú. Lại nhớ "Chén trà sương" của Nguyễn Tuân: "Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm.

Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý". Có lẽ người ta sẽ hết thắc mắc, sao Trung Hoa, Nhật Bản có trà đạo mà Việt Nam mình không có, khi đọc Nguyễn Tuân chăng?!

Phạm Dũng Mạnh, ông chủ trẻ của Tản mạn trà quán cởi mở: “Em học Công nghệ thông tin và từng làm việc 7 năm cho một công ty đào tạo quản trị mạng ở TP. Hồ Chí Minh. Về quê, em mở bệnh viện laptop, nhưng sau đó nhận thấy Đồng Hới đang phát triển, những con phố quanh nhà mình đang đẹp dần lên và khách du lịch đến đây ngày một nhiều nên em nghĩ đến việc kinh doanh gắn với du lịch.

Quán cafe thì xung quanh nhiều rồi, nên em nghĩ đến quán trà. Uống trà đúng cách tốt cho sức khỏe. Quán trà cũng là nơi khách có thể thư giãn, gặp gỡ, đàm đạo. Em cũng muốn có một không gian để giới thiệu tranh của các họa sĩ bạn em và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ  thuần Việt”.

Tôi nhìn một lượt căn phòng có diện tích khoảng 100m2. "Tản mạn trà quán" không có gì đặc biệt, nhưng không gian ấm cúng, khoáng đạt với những gam màu sáng-tối, nóng-lạnh kết hợp hài hòa. Những bộ bàn trà bằng gỗ mộc và những chiếc đèn lục giác màu gỗ tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc.

Ấn tượng nhất có lẽ là những bức tranh bằng chất liệu gáo dừa treo trên tường. Nó hòa với các mảng bố cục khác làm nên sự đơn giản và nhẹ nhõm cho căn phòng nhiều bàn ghế và các vật trang trí khác. Mạnh nói đó là tranh của họa sĩ Võ Quý Quốc, một người Quảng Bình trẻ tuổi, sớm nổi tiếng với dòng tranh này.

Khi người trẻ đam mê và hướng “đạo”

Chúng tôi chăm chú nhìn chủ quán pha trà. “Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”, tôi nhẩm đếm các bước cầu kỳ trong cách pha trà và thưởng trà của các cụ ngày xưa.

Như hiểu cái nhìn “săm soi” của khách, Mạnh giải thích: “Quán em không có chuẩn mực trà đạo, không cầu kỳ trong cách pha trà, dùng trà như các cụ ngày xưa, nhưng có 2 điều mà em luôn tuân thủ, đó là bình (ấm), bôi (chén) phải sạch sẽ, trà phải ngon. Khách đến quán, em muốn họ thật tự nhiên, thoải mái như ở nhà nhưng cũng mong họ lịch sự, nhẹ nhàng vì biết thưởng trà cũng là biết lưu giữ văn hóa truyền thống”.

Một làn hơi nước thoảng bay lên, hương trà thơm dìu dịu, nước trà sánh vàng như mật ong. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ. Sau cái đắng chát nhè nhẹ nơi đầu môi là vị ngọt rất sâu. Mạnh đưa cho tôi gói “Ngọc Trà” có in hình cô gái nhỏ nhắn với những búp trà trên tay và những dòng chữ in nghiêng: “Gói trà bạn cầm trên tay thật đặc biệt. Từng búp trà được vô tư tự tại, thủ thỉ bảo nhau vươn lên giữa vườn trà thuận tự nhiên.

Vườn trà được xây bằng trọn trái tim tâm huyết, bằng tình yêu thuần khiết của cô kỹ sư môi trường nhỏ nhắn, bỏ việc nhẹ lương cao, tìm về với trà, niềm đam mê đích thực...” Tôi nhớ ra, một thời báo giới dành nhiều giấy mực kể chuyện cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Ngọc khởi nghiệp bằng việc trồng chè hữu cơ và tạo nên thương hiệu Ngọc Trà nổi tiếng.

Sau đó, biết bao người đã thương tiếc khi cô gái giỏi giang ấy đột ngột ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, khi ước mơ mang trà Việt ra thế giới còn dang dở.

Một góc nhỏ của
Một góc nhỏ của "Tản mạn trà quán".

Mạnh nói: “Em mở quán trà cũng là để ủng hộ các bạn trẻ sáng tạo, dám dấn thân và cống hiến như Ngọc. Em đã từng đi Thái Nguyên, lên mãi tận Hà Giang, xem người dân trồng chè ở độ cao gần 2 ngàn mét so với mặt nước biển. Trong sương sớm, được ngắm những cây chè cổ thụ, những đồi chè mênh mông, thấy đất nước mình đẹp quá. Chỉ tiếc là những đồi chè quý như thế, các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Nhật Bản họ đặt mua hơn 70 % sản phẩm rồi...”.

“Sáng sớm, đi bộ qua con phố này, ngắm bình minh trên sông Nhật Lệ, uống vài ly trà, ngắm những bức tranh mang hồn quê, thật thú vị để khởi đầu một ngày mới”. Bạn tôi là khách quen của quán trà nói. Mạnh phấn chấn: “Cái góc đẹp này, em đang định làm thành một phòng đọc. Khách đến đây sẽ có không gian riêng, yên tĩnh, vừa uống trà vừa đọc sách”.

Tôi hỏi Mạnh hiện quán có bao nhiêu loại trà, Mạnh nói: “Cũng khá nhiều, nhưng chủ yếu là trà Việt. Em cũng có nhập thêm trà Nhật Bản, Đài Loan. Khách đến đây sẽ thoải mái lựa chọn các loại trà có thương hiệu theo sở thích của mình. Nhiều khách thích mua trà và các bộ bình trà bằng gốm Bát Tràng nên đã gợi cho em ý tưởng mới.

Em mong sớm có một chuyến đi Nhật để tìm hiểu về trà đạo và hy vọng khi con phố Phan Bội Châu trở thành phố đi bộ, Tản mạn trà quán sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm văn hóa của Quảng Bình, của Việt Nam đến với du khách quốc tế”.

Vãn chuyện với ông chủ quán trà, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, trong hương trà vấn vít, tôi và bạn nói với nhau những chuyện đã lâu không nói. Cảm giác thời gian đang trôi như một dòng sông hiền hòa.

Hồng Hiếu

,