.

Xương rồng nở hoa

.
08:59, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là cách gọi trân trọng mà bài viết này muốn dành cho người khuyết tật, những người giàu tinh thần và nghị lực. Dù số phận không trao cho họ cơ thể lành lặn, khỏe mạnh như mọi người, nhưng với ý chí của mình, không ít người người khuyết tật đã vượt qua mặc cảm, vươn lên làm kinh tế giỏi, tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều người khác, để không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.
 
Vượt qua số phận
 
Trên con đường làng dẫn vào thôn Tây, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), một cửa hàng nhỏ chuyên bán và sửa chữa đồ điện tử dân dụng tấp nập người vào ra mua hàng. Chủ nhân cửa hàng này là anh Trương Hồng Hoàn, (SN 1982), một người khuyết tật chân từ khi còn trẻ. Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tốt nghiệp lớp 12, anh Hoàn một mình khăn gói ra Nghệ An học và làm nghề điện tử. 
Với nghị lực của bản thân, anh Trương Hồng Hoàn, (SN 1982), Hiền Ninh, Quảng Ninh đã gây dựng sự nghiệp dù bị mất một chân.
Với nghị lực của bản thân, anh Trương Hồng Hoàn (SN 1982), Hiền Ninh, Quảng Ninh đã gây dựng sự nghiệp dù bị mất một chân.
Số phận không may khi tai nạn ập đến buộc anh phải cưa mất chân bên trái vì bị hoại tử. Dù phải lắp chân giả mới đi lại được nhưng anh không từ bỏ khao khát được làm việc. Chỉ mấy tháng ở nhà nghỉ ngơi, anh Hoàn lại một mình ra Nghệ An tiếp tục với nghề điện tử đang dở dang.
 
Làm được một thời gian, anh Hoàn trở về quê mang theo quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên. Với một người bình thường, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng là việc đã khó, đối với người khuyết tật như anh Hoàn lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, quyết tâm và khao khát được lao động đã giúp anh khởi dựng được công việc.
 
Ban đầu chỉ là quán nhỏ sửa chữa điện dân dụng các loại, dần dần, nhờ sự cần cù, chăm chỉ và tay nghề của mình, anh Hoàn mở quán lớn hơn và kinh doanh thêm các mặt hàng điện máy, phụ tùng điện cơ dân dụng.
 
“Hiện tại, cửa hàng của tôi đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 người với mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng, trong đó, có 2 nhân viên bán hàng và 3 nhân viên vừa học vừa làm nghề sửa chữa điện cơ dân dụng”, anh Hoàn vui mừng chia sẻ với chúng tôi.
 
Sau hơn 10 năm mở quán, anh đã dạy nghề cho một số lao động trong xã và một số xã lân cận. Tất cả những trường hợp được anh dạy nghề, có cả người khuyết tật, đều đã có việc làm ổn định, có người còn tự mở được quán để làm ăn.
 
Chia sẻ về cảm xúc hiện tại, anh Hoàn cho biết, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất với anh không chỉ là việc bản thân tự gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng mà còn là việc được giúp đỡ và nhìn thấy những nhân viên do chính anh dạy nghề có thể tự lập mưu sinh.
 
Theo đuổi đam mê
 
Bị khuyết tật ở chân do tai nạn khi còn 3 tuổi, anh Hoàng Công Huân (SN 1978), Liên Thủy, Lệ Thủy cũng là một minh chứng cho sự vươn lên bền bỉ của người khuyết tật. Sau một tai nạn, chân phải của anh Huân ngày càng teo dần và đi lại trở nên khó khăn. Vậy nhưng, đôi chân không lành lặn, khỏe mạnh không thể cản được niềm đam mê làm thợ mộc từ khi còn nhỏ của anh. 
Anh Hoàng Công Huân, (1978), Liên Thủy, Lệ Thủy với xưởng mộc 20 năm của mình.
Anh Hoàng Công Huân (SN 1978), Liên Thủy, Lệ Thủy với xưởng mộc 20 năm của mình.
Để thực hiện niềm đam mê ấy, năm 17 tuổi, anh Huân quyết tâm đi học lớp dạy nghề mộc trong xã. 3 năm sau, anh tự mình mở xưởng làm mộc ở nhà. Sau 20 năm, trải qua nhiều khó khăn, hiện tại anh đã sở hữu trong tay 1 xưởng mộc với 5 lao động thường xuyên.
 
Điều đặc biệt, trong số 5 lao động đang làm việc tại xưởng, có 2 người cũng là người khuyết tật. Anh Huân chia sẻ, hàng tháng xưởng mộc đã mang lại cho anh nguồn thu nhập 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi nhân viên nếu làm việc thường xuyên đều được trả số tiền 5,4 triệu đồng/tháng.
 
Chưa hài lòng với những gì đang có, anh Huân dự định vay mượn thêm tiền của bà con, bạn bè để mở rộng xưởng mộc của mình và thuê thêm một số lao động đến làm việc.
 
Không chỉ là một người làm kinh tế giỏi, anh Huân còn là thủ lĩnh của CLB người khuyết tật huyện Lệ Thủy. Dù chỉ mới thành lập giữa năm 2017, thế nhưng, hiện tại, CLB của anh đã vận động và tập hợp được 28 thành viên.
 
Mong muốn CLB hoạt động hiệu quả, trở thành nơi giao lưu của người khuyết tật Lệ Thủy, anh cùng các thành viên trong CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động với nhiều chương trình, như thăm hỏi các thành viên và người thân khi bị ốm đau, hỗ trợ, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm phát triển kinh tế... Ấp ủ của anh trong thời gian tới là làm sao có thể kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ vốn để CLB có thể cho các thành viên vay phát triển kinh tế.
 
... và yêu cuộc sống
 
Với nhiều người, một chút khó khăn, trở ngại trong cuộc sống cũng khiến họ bi quan, chùn bước. Vậy nhưng, với những người khuyết tật, khó khăn, bệnh tật lại trở thành động lực để họ vươn lên. Đang say sưa đúc chậu hoa với bộ áo quần lấm lem xi măng, anh Lê Xuân Thức (SN 1971), Liên Thủy, Lệ Thủy vui mừng khi thấy chúng tôi đến chơi.
 
Một chân bị teo bẩm sinh sau cơn sốt lúc còn nhỏ khiến việc đi lại của anh trở nên khó khăn. Dù đi không vững nhưng nhiều năm qua, anh Thức đã phải làm nhiều nghề để mưu sinh. “Tôi gắn bó với nghề đúc chậu hoa và bàn ghế cũng 10 năm rồi. Trước, tôi có mở một tiệm may, nhưng khó khăn quá lại chuyển qua nghề đi sơn vẽ cho các công trình xây dựng, rồi lại chuyển qua nghề hiện tại”, anh Thức cười tươi chia sẻ.
Nụ cười, sự lạc quan luôn hiện hữu trên khuôn mặt người đàn ông khuyết tật Lê Xuân Thức (SN 1971), Liên Thủy, Lệ Thủy.
Nụ cười, sự lạc quan luôn hiện hữu trên khuôn mặt người đàn ông khuyết tật Lê Xuân Thức (SN 1971), Liên Thủy, Lệ Thủy.
Dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng chính niềm đam mê vẽ vời từ nhỏ khiến anh luôn hăng say với công việc. Anh cho biết, thị trường giờ đang cần chậu hoa nhiều nên mỗi tháng, anh làm ra hàng chục sản phẩm, thu nhập cũng hơn 6 triệu đồng. Ngoài đúc chậu hoa và bàn ghế, anh cũng tự mày mò, sáng chế ra máy đúc chậu hoa để bán ra thị trường.
 
Công việc nặng nhọc so với thân hình nhỏ bé, gầy gò nhưng nụ cười luôn hiện hữu trên khuôn mặt anh Lê Xuân Thức. Anh cười đùa: “Nhìn tôi thế này chứ đàn hát hay làm gì tôi cũng làm được”. Nói xong, anh lấy cây đàn ghi ta và 2 chiếc sáo ra biểu diễn cho chúng tôi xem. “Làm việc mà thiếu tí nhạc, câu hát là thấy không vui rồi”, anh Thức bộc bạch.   
 
Nụ cười tươi rói trên gương mặt anh Thức khiến chúng tôi tin rằng, với người khuyết tật, dù cơ thể không lành lặn, nhưng trong trái lại họ là sự lạc quan và nghị lực phi thường. Chính nghị lực đó đã giúp họ tự tin vượt qua khiếm khuyết của bản thân để trở thành những người có ích, được xã hội ghi nhận. Họ giống như những cây xương rồng, dù hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn nở hoa, khoe sắc.
 
Đoàn Nguyệt
,