.

Những "bông hoa" vượt khó để thành công

.
08:10, Thứ Năm, 14/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Họ là những người phụ nữ đi lên từ nghèo khó bằng sự cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhưng cũng giàu tình yêu thương, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn.
 
Chị Phan Thị Nhâm cũng như nhiều chị em khác ở xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vật lộn với mấy sào ruộng nhưng cái khổ, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Dù hai vợ chồng làm việc vất vả đến mấy cũng không đủ để nuôi các con ăn học.
 
Đang loay hoay không biết tìm việc gì làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình thì chị được các cấp Hội Phụ nữ tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm và “bén duyên” với nghề trồng nấm sạch.
 
Ban đầu, kinh tế còn khó khăn, chị sử dụng 1.000m2 đất vườn để trồng nấm, đồng thời, vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội để mua các nguyên vật liệu cần thiết. Để tiết kiệm kinh phí, vợ chồng chị sử dụng 15 tấn rơm của bà con thu hoạch trên đồng ruộng đem phơi khô rồi xử lý để trồng nấm.
 
Sau gần nửa tháng chăm sóc, nấm bắt đầu cho thu hoạch với năng suất đạt từ 750-800 kg. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng. Hiện tại, xưởng nấm của gia đình chị Nhâm tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương, đi đầu trong các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hiến đất, hiến tài sản để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, mỗi năm chị tiết kiệm và hùn vốn từ 100-150 triệu đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong tổ vay để phát triển sản xuất.

Nhiều hội viên phụ nữ điển hình đã được biểu dương, khen thưởng vì có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong năm 2018.
Nhiều hội viên phụ nữ điển hình đã được biểu dương, khen thưởng vì có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong năm 2018.

Nhìn vào mô hình trang trại tổng hợp của chị Đinh Thị Hà bây giờ, ít ai biết được rằng, những năm trước, vợ chồng chị Hà là một trong số những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa).

Chị Hà tâm sự: “Xưa nay, chẳng ai giàu lên từ cây lúa, củ khoai. Vì vậy, muốn làm giàu trên chính đồng đất quê hương thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhưng thay đổi cách làm như thế nào là câu hỏi khó làm tôi trăn trở mãi”. 

Và rồi chị đã bàn với chồng mạnh dạn vay vốn để khởi nghiệp. Những ngày đầu bắt tay vào làm trang trại, cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng chị Hà cứ loay hoay với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” để có “của ăn của để”.
 
Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tìm hiểu thêm các mô hình chăn nuôi tổng hợp tại địa phương, chị bắt tay vào nuôi gà đồi. Nắm bắt được nhu cầu của bà con trên địa bàn, chị nuôi thêm lợn và cá các loại. Nhờ bản tính cần cù, chịu thương chịu khó nên mô hình chăn nuôi của gia đình chị ngày càng phát triển và cho thu nhập cao. Mỗi năm, từ bán lợn, gà, cá, gia đình chị thu về 250 triệu đồng.
 
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu chị Hà chỉ trồng vài trăm cây keo, ít giống ổi để tận dụng đất trống. Thời gian sau đó, chị thấy được hiệu quả từ mô hình này nên đã quyết định mở rộng quy mô trồng trọt.

Vừa trồng trọt, chị vừa dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo, ổi, cóc Thái của gia đình chị phát triển rất nhanh. Lúc đầu chỉ với vài trăm cây keo nhưng đến nay, gia đình chị Hà đã trồng được 1,5 ha keo tràm và hàng trăm gốc ổi, cóc Thái.

Ngày càng xuất hiện nhiều hội viên phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi.
Ngày càng xuất hiện nhiều hội viên phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi.
Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến nay gia đình chị Hà đã trở thành hộ khá giả trên địa bàn, với thu nhập từ 400-450 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị còn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ, của thôn tổ chức.
 
Thấu hiểu cái nghèo đói nên chị luôn quan tâm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các chị em trong thôn bằng hình thức hỗ trợ 100 con gà giống cho 5 hộ phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chị cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho chị em thiếu vốn có công ăn việc làm ổn định.
 
Chị Đinh Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản xuất khẩu Phương Bắc là một điển hình điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tuyên Hóa.
 
Từ một cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nhỏ, sau nhiều năm vượt khó, công ty của gia đình chị đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, phạm vi kinh doanh mở rộng ra cả nước và xuất khẩu sang các nước lân cận. Tổng doanh thu hàng năm đạt trên 18 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động thường xuyên và hơn 150 lao động thời vụ.
 
Ngoài công việc kinh doanh, chị luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình, các con của chị đều có công ăn việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bận bịu công việc, không có nhiều thời gian, nhưng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi của mình, chị Phương rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chị thường xuyên hỗ trợ vốn, giống cây trồng cho các hội viên phụ nữ nghèo, tạo công ăn việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
 
Với những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, các chị đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
 
L.C
,