.

Quản lý an toàn thực phẩm: Cần sự nỗ lực của cả cộng đồng

.
11:33, Thứ Bảy, 19/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhất là việc tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra ATTP. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng và ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trong năm 2018, tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP giảm 4,6 % so với cùng kỳ năm 2017. Các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 8.164 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản.

Qua kiểm tra đã phát hiện 1.341 lượt cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, như: kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng; vi phạm các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy 1459 mẫu thực phẩm tại những chợ truyền thống để kiểm nghiệm chất lượng và đã phát hiện 35 mẫu không đạt yêu cầu vì có sử dụng hàn the, phẩm màu, thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP là một trong những hoạt động được chú trọng trong năm 2019.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP là một trong những hoạt động được chú trọng trong năm 2019.

Mặt khác, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào việc phổ biến kiến thức ATTP, như: hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm an toàn; vận động người dân thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…

Đáng ghi nhận là, hầu hết các trường học đều được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTP. Từ đó, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP ở các trường học trên địa bàn tỉnh được nâng cao. Đa số các trường tiểu học và mầm non tổ chức bán trú đều chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ để chế biến bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và ATTP cho học sinh.

100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh duy trì, phát triển mô hình “Xây dựng vườn rau của bé”. Mô hình này đã cung cấp tối thiểu 30- 40% nguồn rau sạch tại chỗ phục vụ trẻ bán trú.

Hoạt động hỗ trợ, xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và xây dựng các mô hình điểm về ATTP cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn tỉnh có 9 điểm bán nông, thủy sản được xác nhận là chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 4 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, thủy sản được hỗ trợ để áp dụng quy trình sản xuất VietGap và 4 điểm kinh doanh hải sản được xác nhận bảo đảm ATTP.

Hoạt động giới thiệu, quảng bá thực phẩm sạch cũng được các ngành chức năng chú trọng. Trong năm, toàn tỉnh đã có 15 sản phẩm được tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh, tham gia các hội chợ trong, ngoài nước và được giới thiệu trong chương trình “Nông sản sạch cho người Việt Nam và cho thế giới” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được các mô hình điểm về bảo đảm ATTP. Điển hình là các mô hình của lực lượng đoàn viên, thanh niên, như: mô hình nuôi vịt biển ở xã Hải Ninh, (Quảng Ninh), trồng nấm ở Thuận Đức, sản xuất nước sạch ở phường Bắc Lý (Đồng Hới), chăn nuôi lợn ở xã Văn Hóa, (Tuyên Hóa), chăn nuôi gà đồi, trồng cà chua bi thủy canh theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Phú Thủy, (Lệ Thủy), trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Đồng Trạch, (Bố Trạch), chăn nuôi tổng hợp ở xã Kim Hóa (Tuyên Hóa)...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Thực tế cho thấy, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản chủ yếu được thực hiện theo các công đoạn riêng lẻ, thực phẩm được quản lý theo chuỗi còn hạn chế. Nhân lực, trang thiết bị cũng như kinh phí phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP chưa đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Do các cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ phương tiện để kiểm tra, phân tích mẫu nên việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các mặt hàng thực phẩm nông sản (rau, củ, quả) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lúng túng, chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP vẫn còn nhiều bất cập. Việc xử lý vi phạm chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh; tuyến huyện, thành phố, thị xã và đặc biệt là tuyến xã, phường, thị trấn mới chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác bảo đảm VSATTP rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hướng đến một môi trường bảo đảm ATTP, thiết nghĩ, vẫn cần sự hợp tác từ mỗi người dân, trong đó, người sản xuất, người tiêu dùng phải đóng vai trò trung tâm. Và câu chuyện thực phẩm bẩn chỉ được giải quyết hiệu quả bắt đầu từ chính ý thức, trách nhiệm mỗi người dân.

Nhật Văn
 

,