.

Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa cho người lao động

.
08:08, Thứ Bảy, 11/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tình trạng mất việc, thiếu việc làm hiện đang là áp lực nặng nề đối với nhiều người lao động (NLĐ). Vì vậy, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đây là kênh giúp đỡ hữu hiệu đối với NLĐ trong thời điểm khó khăn, giúp họ sớm ổn định cuộc sống để tiếp tục tham gia thị trường lao động.
 
. Chỗ dựa lúc khó khăn nhất của NLĐ
 
Sau khi mất việc làm, chị Nguyễn Thùy Dương (TT. Hoàn Lão, Bố Trạch) đã tiến hành làm thủ tục để được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian ở nhà, số tiền trợ cấp từ nguồn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), dù chỉ hơn 2 triệu đồng một tháng, nhưng cũng giúp chị trang trải phần nào cuộc sống gia đình trong thời gian tìm công việc mới.“Trong lúc mình không có việc làm, không có thu nhập, BHTN là chỗ dựa lúc khó khăn nhất”, chị Dương nói. Cũng giống như chị Dương, nhiều lao động ở Quảng Bình đã thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia BHTN. Vì vậy, số người tham gia BHTN tại tỉnh Quảng Bình cũng tăng lên mỗi năm, nhất là từ khi Luật Việc làm có hiệu lực vào năm 2015. Hiện toàn tỉnh có 57.199 người tham gia BHTN. 
 
Ông Lê Ngọc Toàn, Trưởng phòng Chế độ, BHXH tỉnh cho biết, BHTN là một chính sách an sinh xã hội thiết thực và hiện đang được sự quan tâm tham gia của doanh nghiệp và NLĐ ở trong tỉnh. Tham gia BHTN, NLĐ sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm. Đồng thời, họ cũng sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề trong thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) chia sẻ, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 3.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 200 người được hỗ trợ học nghề, trên 300 người được giới thiệu việc làm mới. Ngoài ra, mỗi năm, trung tâm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lao động, trong đó có 3.500 đến 4.000 lao động tìm được việc làm. “Thực hiện tốt việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ sẽ giảm thiểu rất lớn tình trạng thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Phương chia sẻ.
 
. Vẫn còn nhiều bất cập
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Sở LĐ-TB và XH, mỗi năm, có trên 3.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 200 người được hỗ trợ học nghề, đây là tỷ lệ rất thấp. Điều này cho thấy, lâu nay, NLĐ khi rơi vào thất nghiệp muốn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp là chính chứ không phải là tìm nghề học để kiếm việc làm mới ổn định hơn. Trong khi đó, Nghị quyết 28 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) mới đây đã đưa ra nhận định: Chính sách BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Do đó, làm sao BHTN phải đi đúng hướng là điều cần phải giải quyết. 
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Sở LĐ-TB và XH.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Sở LĐ-TB và XH.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, giải pháp phòng ngừa chính là việc tổ chức đào tạo ngay tại doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp đó có nguy cơ khó khăn cắt giảm lao động hoặc là đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho NLĐ có nghề nghiệp khi họ bị thất nghiệp để họ nhanh chóng trở lại với thị trường lao động.
 
Ông Lê Ngọc Toàn, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh cho biết, có một bất cập lớn nữa là làm sao kiểm soát được tình trạng có việc làm của NLĐ để chi trả BHTN cho đúng đối tượng. Bởi trên thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động và NLĐ lách luật, trốn đóng BHXH và BHTN. Theo ông Toàn, khi tăng đối tượng tham gia BHTN cũng đồng nghĩa với việc tăng các mức chi để hỗ trợ học nghề về chi trả trợ cấp, các chi phí phải cấp thẻ BHYT cho NLĐ trong thời gian hưởng thất nghiệp. Vì đây là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước nên đối tượng phải tăng để mở rộng diện bao phủ, đặc biệt là đối với NLĐ. Vấn đề còn lại là làm sao kiểm soát được việc trốn đóng và lách luật để hưởng trợ cấp về trốn đóng BHXH, trong đó có BHTN.
 
Theo các chuyên gia BHXH, để giải quyết tốt việc này có nhiều giải pháp, như: quy định cho cơ quan BHXH thêm chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, phối hợp kiểm tra cùng với thanh tra Sở LĐ-TB và XH và khi phát hiện hành vi sai phạm có các chế tài xử lý. Cần làm tốt các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa cơ quan BHXH với Sở LĐ-TB và XH, cơ quan quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn và với cơ quan Thuế.
 
Theo đánh giá, nếu 3 cơ quan: BHXH, Sở LĐ- TB và XH và cơ quan Thuế cùng phối hợp đồng bộ, làm tốt vai trò của mình thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng trốn đóng và nợ đóng BHXH, trong đó có nợ BHTN.
 
Bên cạnh đó phải tuyên truyền để NLĐ hiểu, nhận thức đầy đủ và tuân thủ theo quy định của pháp luật về BHTN. Đặc biệt, phải làm sao để người sử dụng lao động nhận thức rõ trách nhiệm của họ khi tham gia BHXH chính là để bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp được ổn định và phát triển. Vì chỉ khi nào NLĐ được bảo đảm an sinh xã hội thì mới có cơ sở để họ gắn bó và giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
 
Phan Phương
,