(QBĐT) - Thời gian qua, tình trạng cán bộ, đảng viên (CBĐV) sinh con thứ 3 ở tỉnh ta đang có xu hướng tăng đột biến. Điều đó đang tạo tiền lệ xấu, gây mất cân bằng giới tính khi sinh, tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành động của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) hiện nay.
Theo phản ánh, những người làm công tác DS-KHHGĐ hiện đang đau đầu với bài toán khó: giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Bài toán ấy ngày càng khó hơn do số CBĐV sinh con thứ 3 ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2016 toàn tỉnh có 202 trường hợp CBĐV vi phạm chính sách dân số, năm 2017 con số này tăng lên 216 trường hợp và đang có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018.
Lệ Thủy là địa phương đang báo động tình trạng CBĐV sinh con thứ 3. Năm 2016, toàn huyện có 16 trường hợp CBĐV sinh con thứ 3, năm 2017 có 17 trường hợp, nhưng tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, con số này tăng đột biến lên 23 trường hợp.
Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Lệ Thủy, đây là tình trạng chung của toàn tỉnh chứ không riêng huyện Lệ Thủy. Không chỉ CBĐV bình thường mà ngay cả cán bộ phụ trách phong trào phụ nữ, trưởng công an xã, trưởng phòng cấp huyện cũng cố tình sinh con thứ 3...
Việc CBĐV thiếu gương mẫu trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nêu gương, tuyên truyền vận động người dân thực hiện. Khi được tư vấn, tuyên truyền về chính sách sinh đẻ có kế hoạch, không ít bà con đã viện cớ cho rằng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cán bộ đẻ được thì dân cũng đẻ được.
Đáng chú ý, CBĐV thuộc cấp lãnh đạo cũng cố tình vi phạm chính sách dân số. Đơn cử như ông Lê Quang Tuyến, nguyên là Phó phòng Văn hóa - Xã hội huyện Bố Trạch, dù đã có trai, gái đầy đủ nhưng vẫn đẻ con thứ 4.
Hoặc như cô Nguyễn Thị Gái, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) mặc dù đã có 1 trai, một gái nhưng vẫn sinh thêm con thứ ba. Điều đáng nói là khi lãnh đạo vi phạm thì việc cán bộ, công nhân, viên chức trong nhà trường, trong cơ quan cũng sẽ bất chấp để “vượt rào”, vi phạm chính sách DS-KHHGĐ là điều dễ hiểu.
Minh Hóa là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 ở mức cao (19,30% năm 2017). Và những người làm công tác dân số nơi đây cũng đang đau đầu về việc CBĐV sinh con thứ 3. Năm 2017, toàn huyện có 31 trường hợp CBĐV sinh con thứ 3, mới 5 tháng đầu năm 2018, huyện đã có 13 trường hợp.
Huyện Bố Trạch cũng không ngoại lệ, năm 2017, huyện có 38 trường hợp CBĐV sinh con thứ 3, 5 tháng đầu năm 2018 đã có 8 trường hợp. Trong số các trường hợp vi phạm thì 35 trường hợp bị khiển trách, 2 trường hợp cảnh cáo và 1 trường hợp bị cách chức.
Nguyên nhân dẫn đến CBĐV cố tình sinh con thứ 3 là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn, các chế tài xử lý về vi phạm chính sách dân số chưa đủ mạnh, chỉ mang tính chất nhắc nhở. Hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ bị khiển trách nên nhiều CBĐV chịu bị kỷ luật để sinh con thứ 3.
Năm 2017, trong số các CBĐV sinh con thứ 3 thì chỉ cách chức 5 trường hợp, cảnh cáo 9 trường hợp, còn lại là khiển trách 202 trường hợp. Do đời sống được nâng lên, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều gia đình muốn có thêm con cho “vui cửa, vui nhà”…
Mặt khác, hiện nay, nhiều CBĐV đã hiểu sai về Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỉnh ta đang có mức sinh cao nên cần tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý.
Tuyên Hóa là địa phương đã có nhiều cách làm hay nhằm giảm thiểu tình trạng CBĐV sinh con thứ 3, như: thường xuyên giáo dục, phổ biến đến CBĐV về trách nhiệm thực hiện chính sách dân số; ký cam kết không sinh con thứ 3 về tận cơ sở; nếu vi phạm chính sách dân số, CBĐV có chức vụ sẽ không được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại, cán bộ phụ trách phong trào phụ nữ, dân số mà vi phạm thì có thể cách chức…
Đơn cử như chị Hoàng Thị Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Hóa, là cán bộ phong trào của xã mà không gương mẫu, vẫn cố tình sinh con thứ 3 nên không được đề bạt vào nhiệm kỳ tiếp theo và buộc phải thôi việc. Với những cách làm đó, nên từ chỗ có đến 32 trường hợp CBĐV sinh con thứ 3 (năm 2015) thì đã giảm chỉ còn 14 trường hợp trong năm 2017.
Sinh con thứ 3 trong đội ngũ CBĐV không chỉ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới phong trào vận động người dân thực hiện chính sách dân số mà còn gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo ra nhiều hệ lụy trong tương lai.
Trong thời gian tới, các địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm CBĐV, đồng thời tăng cường kiểm tra,giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động DS-KHHGĐ; xử lý nghiêm túc việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các đơn vị trên địa bàn khi vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, cần tổ chức khen thưởng, biểu dương những gia đình sinh con một bề nhưng bố mẹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nuôi con ăn học thành tài.
Thanh Hoa