.

Đậm đà cháo canh Mệ Luốc

.
08:50, Thứ Sáu, 09/02/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Từ lâu cháo canh đã trở thành món ăn quen thuộc của người Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng. Đi qua bao thập kỷ, món ăn dân dã ấy vẫn gắn bó với người dân nơi đây, trở thành một nét ẩm thực không thể thiếu của những công dân thành phố hoa hồng vốn trọng nét xưa.
 
Góp phần làm nên nét ẩm thực ấy là quán cháo canh truyền thống hay như cách gọi quen thuộc của người Đồng Hới là cháo canh Mệ Luốc (tổ dân phố 3, phường Đồng Sơn). Hương vị được giữ vẹn trong hơn 6 thập kỷ đã góp phần làm nên một “thương hiệu” cháo canh nức tiếng gần xa.
 
Bất luận mùa mưa hay mùa nắng, quán nhỏ ấy lúc nào cùng nườm nượp khách vào ra. Khách của quán không chỉ có những người ở các vùng lân cận mà hầu khắp ở các xã, phường của thành phố. Không phải một vài năm hay mươi, mười lăm năm mà là hơn 6 thập kỷ, người dân Đồng Hới đã biết tiếng cháo canh Mệ Luốc.
 
Trước những năm 1960, nhiều người dân thị xã đã quá quen với gánh cháo canh của mệ Hoàng Thị Luốc, một người dân gốc Đồng Hới. Thời đó, cháo của mệ được nhiều người biết đến nhờ hương vị đậm đà, thanh đạm rất riêng. Nằm nép mình trong một góc chợ, nhưng hàng cháo của mệ bao giờ cũng đông khách. 
Trải qua hơn 6 thập kỷ, hương vị đậm đà, thanh tao của bát cháo canh Mệ Luốc vẫn được giữ vẹn.
Trải qua hơn 6 thập kỷ, hương vị đậm đà, thanh tao của bát cháo canh Mệ Luốc vẫn được giữ vẹn.
Năm 1967, khi mệ 36 tuổi, ông nhà qua đời ở tuổi 39, để lại cho mệ gánh nặng gia đình với sáu người con và một bà mẹ già... Một mình mệ lại gồng gánh, bươn chải vì bát cơm, manh áo bằng gánh cháo canh truyền thống của gia đình. Gánh cháo canh nhà mệ vẫn đều đặn từng buổi chợ, đều đặn từng lối phố thân thuộc cho đến khi Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nổ ra, nhà mệ sơ tán lên Đồng Sơn. Hành lý mang theo, đương nhiên là có cả gánh cháo canh truyền thống đã nuôi sống cả gia đình mệ. Suốt thời kỳ bom đạn Mỹ dội xuống, mệ vẫn miệt mài mưu sinh với quán cháo canh nhỏ. Lúc này, mệ không gánh hàng đi bán nữa mà mở một quán nhỏ cách chợ Cộn vài trăm mét. Cho đến ngày Bắc Nam thống nhất 1975, khách sành ăn ở Đồng Hới vẫn còn được thưởng thức hương vị cháo canh mệ Luốc. 
 
Đến năm 2004, khi mệ qua đời, hương vị bát cháo truyền thống, dân dã được truyền lại cho ông Phan Hới, người con trai độc nhất của mệ. Và cho đến tận bây giờ, trải qua hơn 60 năm, người dân Đồng Hới vẫn may mắn được thưởng thức hương vị đậm đà, thơm ngon của bát cháo canh mang tên mệ. “Hết đời vợ chồng tôi, tôi sẽ lại truyền nghề cho đứa con trai của mình. Dù thế nào, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của gia đình”, ông Hới bộc bạch. 
 
Chúng tôi ghé quán nhỏ của gia đình ông Phan Hới vào một sáng cuối đông. Trong tiết trời lạnh căm, mùi thơm của hành, chả tôm cùng hương vị riêng có của bát cháo canh nóng hổi như làm ấm lòng thực khách đến quán. “Mặc dù trái đường nhưng hễ có việc gì đi lên mạn này là tôi phải ghé quán cháo canh Mệ Luốc. Cháo ở đây không giống ở các hàng quán khác. Nó có một vị rất riêng không thể trộn lẫn, ăn một lần là nhớ mãi”, ông Thanh, một thực khách ở phường Nam Lý bày tỏ. Đối với nhiều người, nhất là những người gốc Đồng Hới, mỗi sáng sớm dù tất bật, vội vã hay thong thả, thư nhàn thì việc thưởng thức bát cháo canh nóng hổi, thơm nức mũi nơi quán nhỏ ấy đã trở thành một thói quen khó bỏ. “Nhiều người còn đùa rằng, tiền xăng vượt đường đến ăn cháo còn nhiều gấp mấy lần giá một tô cháo”, ông Hới chia sẻ. 

 

Những thực khách lớn tuổi này đã lặn lội một quãng đường khá xa từ Hải Thành lên Đồng Sơn để được thưởng thức bát cháo canh mà họ yêu thích.
Những thực khách lớn tuổi này đã lặn lội một quãng đường khá xa từ Hải Thành lên Đồng Sơn để được thưởng thức bát cháo canh mà họ yêu thích.
Cái làm nên hương vị đặc sắc của cháo canh Mệ Luốc chính là tất cả các nguyên liệu từ bột, chả, nước dùng đều được tự sản xuất, chế biến theo phương thức thủ công truyền thống chứ không nhập từ bên ngoài.
 
Để có bột cháo canh, trước đó, gạo ngon đã được ngâm nước bở ra, bỏ vào cối xay mịn, nước bột chảy vào thau chậu hứng sẵn. Khi bột lóng xuống, chắt nước trong ra, múc bột bỏ vào khăn gạn bằng vải tàu trắng cho thật ráo nước, rồi xắn từng miếng bỏ vào nước sôi, trụng chín vừa phải, vớt bột ra cối, dùng chày gỗ giã nhuyễn, sau đó nhồi thật kỹ. Trước đây, tất cả các công đoạn đều phải làm bằng tay, nhưng hiện nay, công đoạn nhồi và cắt bột đã được thay thế bằng máy nên cũng đỡ vất vả mà lại hiệu quả hơn. Tất cả các thao tác đều phải “căn ke” vừa phải, bột không quá sống quá bở, cũng không quá chín quá dai. Nếu giã bột không nhuyễn, khi sát bột (thái bột) sẽ không thành sợi vừa ý. Chả được làm từ hai nguyên liệu chính là tôm, thịt và cũng được làm một cách công phu, tỉ mẩn, không hề trộn lẫn thêm bất cứ chất gì khác. Nước cháo trên nồi là nước luộc cả vỏ, cả thịt tôm, cua, nước xào gạch cua, thêm thìa ruốc quết, được nêm nếm bằng các loại gia vị quen thuộc.
 
Đi qua hơn 6 thập kỷ, cách thức chế biến, nêm nếm của cháo canh Mệ Luốc vẫn được giữ vẹn, hương vị của bát cháo vì thế cũng không hề thay đổi theo thời gian. Điều này cũng lý giải vì sao sau ngần thời gian, khi hàng quán mọc lên khắp nơi ở Đồng Hới, nhưng quán cháo canh truyền thống của gia đình ông Phan Hới vẫn chưa một ngày thưa vắng khách.
 
Từ gánh cháo canh của người phụ nữ tần tảo bất kể nắng mưa trên những con đường quen thuộc của thị xã xưa cho đến quán cháo canh nằm khiêm nhường bên góc đường xóm Cộn nay, biết bao thế hệ con cháu trong gia đình mệ Luốc đã khôn lớn, trưởng thành, được ăn học đến nơi đến chốn. Với mệ Luốc khi xưa và với vợ chồng ông Phan Hới bây giờ, quán cháo canh ấy không chỉ là phương tiện mưu sinh để chăm lo cho gia đình, con cái mà còn là kỷ niệm, là tình yêu, là những gắn bó không thể tách rời. Nó không chỉ đơn thuần là một món ăn mà là cả biết bao tâm tình họ đã và đang gửi gắm cho các thế hệ người dân Đồng Hới xưa và nay để cùng nhau lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa của một Đồng Hới hiện đại nhưng luôn trân quý những nét xưa.
 
Tâm An
,