.

Văn nghệ Bình-Trị-Thiên, một thời để nhớ

.
07:36, Thứ Tư, 10/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhập tỉnh rồi tách tỉnh, mỗi lần tách nhập như thế đều có lý do, căn nguyên của nó. Tách hay nhập có cái hay, cái dở, cái buồn, cái vui, cái được, cái mất… Riêng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật thời kỳ tỉnh Bình-Trị-Thiên, theo tôi có nhiều điều hay, điều được...
 
* Đội ngũ
 
Chưa bao giờ trên mảnh đất Bình-Trị-Thiên quy tụ một đội ngũ văn nghệ sỹ vừa đông đảo vừa chất lượng như thời 3 tỉnh sát nhập. Số lượng hội viên các chuyên ngành tăng đột biến là chuyện đương nhiên. Cái đáng nói là chất lượng để làm nên thương hiệu văn nghệ Bình-Trị-Thiên danh tiếng một thời.
 
Chỉ nói riêng chuyên ngành văn học, thành phố Huế là điểm hội tụ của một loạt nhà văn, nhà thơ tên tuổi được cả nước biết đến và rất kính nể, như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Hà Khánh Linh, Xuân Đức, Nguyễn Quang Hà, Mai Văn Tấn, Trần Công Tấn, nhà văn-nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Võ Quê, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Ngọc San, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Văn Dinh…
 
Đây là lực lượng vô cùng quan trọng góp phần tạo nên bầu không khí văn chương tuyệt vời, có sức hấp dẫn lớn để lôi kéo một số nhà văn tên tuổi khác đến “lang thang” với Huế, với Bình-Trị-Thiên, góp phần làm cho bầu không khí văn nghệ Bình-Trị-Thiên càng thêm sôi nổi, vui vẻ, hào hứng. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Thu Bồn, Trinh Đường, Tạ Vũ, Nguyễn Duy, Thạch Quỳ, Tôn Phong…
Các nhà thơ, nhà văn thời kỳ Bình Trị Thiên
Các nhà thơ, nhà văn thời kỳ Bình Trị Thiên
Cũng chính những nhà văn, nhà thơ nòng cốt này đã kích thích, nâng đỡ, tạo điều kiện cho một số cây bút tiềm năng trở thành những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi thời Bình-Trị-Thiên được cả nước biết đến như: Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Phạm Tấn Hầu, Thái Ngọc San, Hải Kỳ, Hữu Phương, Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Đỗ Hoàng, Trần Xuân An, Nguyễn Hữu Quý, Trần Phá Nhạc, Văn Cầm Hải, Văn Lợi, nhà văn Thanh Ba, Nhất Lâm, Hồng Thế, Hoàng Thái Sơn, Mai Văn Hoan, Phương Xích Lô, nhà nghiên cứu phê bình Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Lê Xuân Việt…
 
Các cây bút như: Vương Hồng Hoan, Mai Nam Thắng, Phạm Nguyên Tường, Đông Hà, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hải Trung, Đỗ Văn Khoái, Lê Viết Xuân, Phạm Xuân Phụng, Dương Thành Vũ, Nguyễn Hới Thọ, Văn Sĩ Tương, Kim Cương, Lê Ngã Lễ, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Thiền Nghi, Lưu Li, nhà nghiên cứu phê bình Trần Huyền Sâm… đều ít nhiều thừa hưởng cái bầu không khí văn chương thời này.
 
* Một số hoạt động nổi bật, ghi dấu ấn của văn nghệ Bình-Trị-Thiên
 
Ở đây cũng chỉ xin đề cập đến một số hoạt động chủ yếu ở chuyên ngành văn học. Uy tín và sức hấp dẫn của Tạp chí Văn nghệ Bình-Trị-Thiên, sau đó là Tạp chí Sông Hương, công đầu phải kể đến là những vị Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập và các biên tập viên thời đó, như: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Thái Ngọc San…
 
Thời đó, Tập san Văn hóa Bình-Trị-Thiên do nhà thơ Văn Lợi phụ trách cũng thu hút được nhiều cây bút chủ lực tham gia và góp một phần cải thiện đời sống của các cây bút tỉnh nhà, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn thời bao cấp.
 
Ngoài ra, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Bình-Trị-Thiên và Sở VHTT còn tập hợp bài vở và cho ra mắt những ấn phẩm có tính thời sự, tuyên truyền vừa ấn hành những tác phẩm văn chương đích thực, nhằm nâng cao tầm hiểu biết những thành tựu của văn học trong và ngoài nước.
 
Hội VHNT Bình Trị Thiên kết hợp với Tạp chí Sông Hương đã mạnh dạn chọn thơ của các tác giả thuộc dòng văn học lãng mạn (một thời bị phê bình là tiêu cực), như thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Đoàn Phú Tứ… Tập sách mang tên Bài thơ thôn Vĩ được phát hành rộng rãi và được đọc giả đón nhận một cách hết sức hào hứng. Tập thơ tình Đi bên mùa thu do nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tuyển chọn (thời công tác tại NXB Thuận Hóa) cũng ghi được dấu ấn khó quên.
 
Những bài lý luận phê bình theo xu hướng đổi mới cũng được Tạp chí Sông Hương đón nhận và quảng bá. Bình Trị Thiên cũng là địa phương đi đầu trong việc khuyến khích các tác giả tự bỏ tiền in thơ và tự phát hành. Đây là thời kỳ các ki ốt dọc đường Lê Lợi trưng bày rất nhiều sách của các cây bút Bình Trị Thiên, đặc biệt là quầy sách Dương Thành Vũ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời tựa rất hay cho các tập thơ của các tác giả Ngô Minh, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan, Lý Hoài Xuân… Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn tham gia trình bày bìa một số tập thơ của bạn bè.
 
Trong những năm đầu của thời kỳ “cởi trói”, Hội VHNT Bình Trị Thiên đã mạnh dạn tổ chức cuộc hội thảo bàn về văn học trong thời kỳ đổi mới. Không khí hội nghi khá sôi nổi. Có một số bản tham luận rất có giá trị, như tham luận của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Bằng…
 
Bởi từng gắn bó với nhau trong hơn 10 năm, từng đồng cam cộng khổ bên nhau với bao kỷ niệm vui buồn nên buổi chia tay tại trụ sở 26 Lê Lợi diễn ra hết sức bịn rịn, quyến luyến. Đã 30 năm trôi qua kể từ hôm ấy, bây giờ nhớ lại, cứ tưởng như vừa hôm qua.
  
                                                     Mai Văn Hoan
,