.

Một hồn thơ dạt dào tình cảm

.
09:55, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Hành trình thơ của Mai Văn Hoan tính từ ngày ông biết làm thơ (tuổi học trò) đến nay quả là dài. Tuyển tập Thơ Mai Văn Hoan ra đời nhân dịp ông bước vào tuổi 70 dày gần 500 trang in khổ 16x24cm là thành quả lao động đáng trân trọng của một người cầm bút.
 
Nhà thơ Mai Văn Hoan quê xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thạc sỹ ngữ văn, từng là giáo viên cấp III dạy văn ở Quảng Bình, sau đó chuyển vào dạy chuyên văn tại Trường Quốc Học (Huế).
 
Hiện, ông là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế. Ông đã xuất bản 10 tập thơ, 8 tập tiểu luận, phê bình và tản văn. Tuyển tập Thơ Mai Văn Hoan có 284 bài thơ của ông, 27 bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình viết về thơ ông và cuộc đời ông.
 
Phần thơ chia thành 4 mảng: thơ tình, thơ thế sự, thơ về quê hương, gia đình và thơ về những nơi ông từng đến, có kỷ niệm đẹp. Trong các mảng thơ trên, ấn tượng nhất vẫn là thơ tình.
 
Ông tâm sự: Trong đời ông có 3 thứ mà ông đam mê là: thơ, tình yêu và nghề dạy văn. Đối tượng học sinh của ông thật lý tưởng, phần lớn là những em học sinh giỏi văn, đang tuổi trăng rằm. Bên cạnh những mối tình thực, ông sống với ảo ảnh, mơ mộng đuổi bắt bóng hình người đẹp qua thơ:
 
      Em là người tôi vẫn thầm ao ước
Tôi thầm mơ và vẫn thầm yêu
                                          (Nụ hôn liều)
 
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận thực tế tình yêu cuồng nhiệt của ông như ông đã thú nhận:
 
    Tôi đã hôn như một người đói khát
   Tôi đã hôn như một gã cuồng say
 
                                          (Nụ hôn liều)
 
Thi sỹ Mai Văn Hoan là một người hạnh phúc. Ông có những mối tình lãng mạn và được nhiều thế hệ học sinh yêu quý. Nhờ đó, ông có được tập thơ Hồi âm với những cảm xúc nồng nàn, tươi mới.
 
Là một đứa con quê biển, kỷ niệm về biển đã cho ông nhiều bài thơ hay viết về biển và người cha thân yêu của mình, về dòng Sông Gianh hùng vỹ, về người mẹ yêu quý. Ông có những bài thơ rất đời và gan ruột. Ấy là khi ông ý thức sâu sắc sự mất mát không dễ gì bù đắp được đối với số phận mỗi con người:
 
Thương một đời hoa ngắn ngủi
Nắng mưa tàn tạ sắc hương
 
…..
 
Một mình âm thầm nuối tiếc
Dẫu hoa không nở cho tôi.
 
                                      (Hoa không nở cho tôi)
 
Đứng trước những ngôi mộ liệt sỹ vô danh, lòng ông xót xa, quặn thắt:
 
Trăm nghìn ngôi mộ vô danh
Thịt xương hóa đất, tên thành gió sương
 
                                                           (Mong ước)
 
Nhiều vấn đề thế sự vẫn được ông quan tâm, trăn trở. Có khi, ông mượn các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để gửi gắm ý nghĩ, tình cảm của mình. Có khi ông nói cách điệu, gợi ý tưởng nhưng vẫn gần gũi với quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện tại:
 
Đất nước giờ đã xóa cách ngăn
Mà lòng người vẫn còn chia biên giới
 
                                               (Biên giới vô hình)  
 
Tôn thờ tình yêu, say mê với việc làm thơ tình, sống hết mình cho tình yêu nên thơ ông nói đúng tâm lý của những người con trai khi yêu, tác động hiệu quả đến tâm lý người đẹp:
 
Chẳng hiểu sao khi đến với em
Tôi trở thành con chiên ngoan đạo.
 
                                          (Tự thú)
 
Thơ ông được nhiều thế hệ học sinh yêu thích, chép vào sổ tay có lẽ một phần vì lý do ấy. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lý giải rằng: “Thơ Mai Văn Hoan đồng cảm với tâm lý trong sáng, tế nhị của những người mới bước vào ngưỡng cửa tình yêu… Thơ ông có lực đẩy của ngọn gió tàng hình, mở ra cánh cửa giấu kín bao bí mật của tình cảm”.
 
Các học sinh không chỉ yêu thơ thầy Hoan mà còn thích nghe giọng đọc thơ hào sảng, cuốn hút của thầy. Thầy đã chắp cánh ước mơ cho nhiều em bay cao, bay xa. Lấy yếu tố tình cảm làm chính, trong sáng tác thơ, nhà thơ Mai Văn Hoan quan niệm:
 
Hiện đại hay cổ điển
Siêu thực hay đa đa
Nếu trái tim lãnh cảm
Cũng vứt đi thôi mà
 
Và ông tự khuyên mình:
 
Cứ nói điều gan ruột
Hay dở có thời gian
 
                       (Uống với Lê Xuân Đố)
 
Với Mai Văn Hoan, thơ và người là một. Ông sống dung dị, chan hòa, hướng thiện, hướng mỹ. Nhận xét về thơ ông, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật viết: “Thơ Mai Văn Hoan thuộc dạng có nhiều ý kiến, nhận định không giống nhau… Thơ Mai Văn Hoan bình dị, không trau chuốt, tạo hình câu chữ, nhưng đọc toàn bài là một mạch dính kết vững chắc, tạo nên tứ thơ khỏe khoắn, năng động. Mai Văn Hoan không tàng hình bút pháp.
 
Quan niệm thẩm mỹ của ông không đơn điệu. Cái đẹp hòa nhập vào mọi trạng thái của tâm hồn". Tiến sỹ ngữ văn Mai Thị Liên Giang cho rằng: “Thơ Mai Văn Hoa như một diễn ngôn có khả năng thể hiện một cách phong phú, đa diện, cái tôi luôn bất an trước thế giới, trước chuyện đời:
 
Một đời không luồn cúi
Chẳng vướng bận chức quyền
Chỉ trầm ngâm như núi
Rượu, thơ với bạn hiền
 
                                        (Độc tọa với Ngự Bình)
 
Có lần Mai Văn Hoan đã tâm sự: "Tôi cũng trong cõi thế/Khác sư chốn Huyền Không/Tôi chỉ là hạt bụi/Giữa đất trời mênh mông…". Con người, tình yêu được thơ ông phản ánh trong sự mong manh của kiếp sống, trong sự bất hạnh tột cùng và niềm hạnh phúc tột đỉnh…Thơ Mai Văn Hoan vì thế là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện.
 
Cũng ở tuyển tập này, nhà thơ Mai Văn Hoan đã cung cấp cho bạn đọc những bức ảnh tư liệu quý về gia đình, người thân và bạn bè văn chương. Bên cạnh đó còn có những bài thơ của ông được các nhạc sỹ phổ nhạc.
 
Trong bối cảnh xã hội “cơm áo không đùa với khách thơ”, xuất bản được một tuyển tập thơ dày dặn, sang trọng là một sự cố gắng vượt bậc của nhà thơ Mai Văn Hoan. Các thế hệ học trò của ông đã may mắn khi có được tuyển tập này trong tay!
 
Lý Hoài Xuân
 
------------------------------------------------------------------------------------------------
(Đọc tuyển tập Thơ Mai Văn Hoan, NXB Thuận Hóa, 2019)
,