.

Làng nón Thổ Ngọa, gian nan giữ nghề

.
18:16, Chủ Nhật, 28/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ra đời từ thuở khai sinh lập làng, nghề làm nón lá làng Thổ Ngọa không chỉ là phương tiện kiếm cơm mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Trải qua thời gian cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử, người làng Thổ Ngọa vẫn gắn bó với nghề truyền thống, song chuyện giữ nghề cũng gặp không ít gian nan…
 
Một thời hưng thịnh
 
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề nón của làng ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX và ông tổ của làng nghề là một người họ Trần. Vì cảm thương dân làng không có nghề nghiệp, đời sống phụ thuộc vào mảnh ruộng chật hẹp, ông đã rời làng vào Huế quyết tâm học nghề làm nón lá rồi truyền lại cho dân làng. Với lợi thế nguồn nguyên liệu như lá, tre, nứa… đều có ở các địa phương lân cận, người làm nghề không phải dầm mưa, dãi nắng nên nghề nón thu hút hầu hết người dân trong làng tham gia, không ít người có “của ăn của để” nhờ thu nhập từ nghề nón.
 
Nhiều năm trước đây, nghề nón được xem là một trong những nghề chính của người dân trong làng. Hầu hết các gia đình đều có người làm nón, có hộ 100% thành viên tham gia làm nghề. Người làng nón thường phân chia công việc rõ ràng như: đàn ông đảm nhận việc vót vành (chẻ tre hoặc nứa để tạo nên 16 vành tròn theo thứ tự của khuôn nón); phụ nữ, trẻ em (chỉ chừng 7 tuổi trở lên) xây nón, may nón (lắp ráp nguyên liệu lên khuôn và dùng kim luồn cước để khâu các nguyên liệu với nhau tạo thành chiếc nón). Nghề nón được lưu truyền từ đời này qua đời khác nên nhiều người nói rằng: “không biết làm nón không phải người làng Ngọa”. 
Nghề nón thường gắn với hình thức sinh hoạt cộng đồng và điệu hát phường nón cũng ra đời từ đó.
Nghề nón thường gắn với hình thức sinh hoạt cộng đồng và điệu hát phường nón cũng ra đời từ đó.
Bà Trương Thị Anh, một trong những người gắn bó với nghề nón của làng kể: Nhờ nghề làm nón mà gia đình bà có cuộc sống ổn định. Toàn bộ các khoản chi tiêu  thường ngày đều dựa vào nguồn thu nhập từ nón. Các con của bà thời còn đi học đã tham gia làm nghề. Ngoài các buổi học, các cô bé, cậu bé trong làng tụ tập lại để làm nón, vừa làm vừa trao đổi với nhau chuyện học hành. Từ nghề nón mà không ít người dân trong làng được ăn học thành tài. Bà Thanh Thủy ở phường Bắc Lý (Đồng Hới), một người con của làng Thổ Ngọa cho hay: Hơn 10 năm trước, mặc dù sống ở Đồng Hới nhưng hàng tuần bà vẫn về quê mua nguyên liệu để làm nón. Mặc dù đã có công ăn việc làm ổn định nhưng bà vẫn bám nghề vừa có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống vừa để giữ nghề. Vì vậy, các con của bà dù sinh ra, lớn lên ở thành phố nhưng đều biết làm nón lá ngay từ khi còn nhỏ.
 
Nghề nón xưa gắn với hình thức sinh hoạt phường hội của người dân và ít nhiều vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Chính đặc trưng sinh hoạt vốn có đó đã góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư.
 
Làng nghề mai một, làng hát hồi sinh
 
Những năm gần đây, nghề làm nón đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, do sản phẩm nón lá không còn được ưa chuộng trên các thị trường trong, ngoài tỉnh. Ông Trần Đình Lập, Trưởng làng Thổ Ngọa cho biết: Hiện tại chỉ có chừng 30-40% hộ dân làm nghề nón, chủ yếu là phụ nữ trung tuổi, cao tuổi trong các gia đình. Và tỷ lệ này chắc chắn sẽ giảm xuống vì nghề nón hiện tại đang đối diện với rất nhiều khó khăn.
 
Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do cuộc sống hiện đại, người dân có nhiều điều kiện để tiếp cận với những cách làm kinh tế khác mang lại hiệu quả cao như thương mại, dịch vụ… nên họ không còn mặn mà với nghề truyền thống. Mặt khác, những gia đình còn bám nghề cũng gặp không ít khó khăn vì nguồn nguyên liệu khá đắt đỏ. Sản phẩm nón lá chỉ có giá chừng 30-40 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí người dân chỉ còn được 10-20 nghìn đồng/chiếc, trong khi để sản xuất được 1 chiếc nón phải mất tầm 3 giờ đồng hồ trở lên. Ngày xưa, chợ Họa được xem là chợ nón vì nơi đây bày bán rất nhiều sản phẩm nón lá và các nguyên liệu phục vụ cho nghề nón. Thế nhưng ngày nay, chợ nón chỉ còn vài phiên và không còn cảnh tấp nập người mua, kẻ bán như trước đây.
 
Nghề làm nón còn gắn liền điệu hát phường nón có nét tương đồng với điệu hát phường vải Nghệ Tĩnh, chủ yếu là lối hát giao duyên nam nữ. Điệu hát này được sử dụng trong những đêm làm nón chùm, trai gái thường tổ chức hò đối đáp. Cuộc hát có khi kéo dài tới khuya và những mối lương duyên cũng đơm nụ, nở hoa từ đó. Có một thời gian dài, điệu hát phường nón gần như bị lãng quên, chỉ có những người cao tuổi trong làng sử dụng để ru con, ru cháu.
 
Nhằm bảo tồn điệu hát, gắn với nghề truyền thống của quê hương, những người tâm huyết với văn hóa làng đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để rồi khôi phục lại những câu hò, điệu hát một thời rất phổ biến ở làng quê. Làng đã thành lập được câu lạc bộ hát phường nón và khôi phục được nhiều câu hò, điệu hát cổ. Và trên cơ sở của điệu hát xưa, các thành viên trong câu lạc bộ đã chủ động dàn dựng thành chương trình biểu diễn nhằm tái hiện lại không gian lao động của người dân làm nón với những người đàn ông vót vành, phụ nữ may nón… Họ vừa làm vừa cất cao giọng hò dưới bóng cây xanh hay trong mái nhà lá đơn sơ với những ngọn đèn dầu lung linh mờ ảo.
 
Người Thổ Ngọa luôn tự hào với nghề truyền thống cùng những giá trị văn hóa dân gian của làng. Những chủ nhân của làng nghề còn tham gia dạy nghề nón cho các làng lân cận. Vậy nhưng, nghề nón của họ đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền khi thế hệ trẻ không muốn học nghề và khi sản phẩm nón lá mất dần chỗ đứng trên các thị trường.
 
Dẫu biết rằng, phải chấp nhận thực tại là tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh ở các làng quê và người dân có thể “quên nghề truyền thống” để tiếp cận với ngành, nghề mới nhưng những người yêu nghề, yêu văn hóa làng quê vẫn luôn trăn trở. Họ lo lắng một ngày nào đó, nghề nón sẽ thất truyền và quang cảnh làng nghề chỉ còn trên sân khấu qua điệu hát phường nón. Và họ ao ước rằng, nghề truyền thống của làng sẽ được khai thác phục vụ du lịch như nghề dệt lụa ở Quảng Nam, làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang), làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Đà Nẵng…
 
                                                                             Nhật Văn
,