.
Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019):

Những hồi ức "kể chuyện"

.
08:34, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - 30 năm-quãng thời gian đủ dài để nhiều điều có thể bị lãng quên. Nhưng niềm vui được chắt chiu từ trong gian khó luôn được gìn giữ qua năm tháng. Với những người làm báo ở Quảng Bình, câu chuyện về lao động báo chí đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh là ký ức đẹp đẽ lấp lánh niềm vui, những giọt nước mắt và sẽ mãi tươi xanh như ngày hôm qua.
 
Làm Báo Quảng Bình giữa lòng cố đô
 
Tròn 30 năm, tờ Báo Quảng Bình đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh đã cũ mòn, đôi chỗ cũng sờn rách nhưng câu chuyện kể của ngày hôm qua ấy vẫn vẹn nguyện trong dòng ký ức của nhiều người. Họ nâng niu ký ức, rưng rưng kể lại và trân trọng lật giở từng trang báo cũ.
Số báo Quảng Bình đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh.
Số báo Quảng Bình đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh.

Sau khi có quyết định chia tách tỉnh Bình-Trị-Thiên, ngày 14-6-1989, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ra nghị quyết về việc xuất bản tờ báo Quảng Bình. 13 cán bộ, phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) quê Quảng Bình đang làm việc tại Báo Dân Bình-Trị-Thiên là những người đặt những viên gạch đầu tiên làm nên hình dáng của tờ báo Quảng Bình sau ngày tái lập tỉnh. Mọi sự khởi đầu đều gian nan. cái thời khắc nhiều biến động ấy, trong họ, sự háo hức được trở về trên chính mảnh đất quê hương lẫn giữa bao bộn bề nỗi lo. 

Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Bình sau ngày chia tách tỉnh nhớ lại: “Những ngày cuối tháng 6-1989, có quyết định trở về quê, anh em ai cũng háo hức, dù biết rằng phía trước là muôn vàn khó khăn. Vậy là vừa thu xếp chuyện gia đình, chuyển chỗ ở, vừa bắt tay ngay vào thực hiện số báo đầu tiên để kịp ngày xuất bản.
 
Trong khi tôi ra Hà Nội xin giấy phép, thì anh em ở Huế phân công nhau thực hiện công việc, người viết bài, người biên tập, người hình thành măng-set của tờ báo. Thật khó để quên được cảm xúc của những ngày giữa đất Huế mà háo hức, vun vén cho "đứa con tinh thần" sẽ được hồi sinh trên chính quê hương mình, sau hơn 13 năm ngắt quãng. Chúng tôi gọi đó là những ngày làm Báo Quảng Bình trên đất cố đô”.
 
Và họ đã “vun vén cho đứa con tinh thần” ấy bằng tất cả tình yêu quê hương, yêu nghề, bằng tài năng, nhiệt huyết của những người làm báo. Vậy là vừa di chuyển, họ vừa làm việc.
 
Những ngày đầu trở về, cả Đồng Hới khi ấy chẳng khác gì một bình địa, nhà cửa hoang vắng, ngổn ngang đất sỏi, trụ sở Báo Quảng Bình được phân công đặt tại Chi cục Muối cũ. Nhân lực, máy móc và cơ sở vật chất, tất cả đều thiếu thốn nhưng trong cái khó khăn riêng-chung ấy, họ đều làm việc hết mình để mang đến một ấn phẩm trọn vẹn nhất.
 
“Chúng tôi xác định, số báo Quảng Bình đầu tiên phải vừa chuyển tải được những thành tựu nổi bật của 13 năm sáp nhập Bình-Trị-Thiên, vừa khái quát được tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình và niềm tin, kỳ vọng vào một ngày mai Quảng Bình phát triển.
 
Sau bao mong ngóng, ngày 13-7-1989, số báo Quảng Bình đầu tiên được phát hành, khổ 25,5 cm x 38 cm, in hai màu. 5.000 tờ cho số báo đầu tiên đều được phát đi các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Cái cảm giác lần đầu được cầm trên tay tờ báo Quảng Bình nó rưng rưng lắm. Mình làm thì mình xúc động đã đành, độc giả cũng cảm xúc không kém, bởi lâu lắm rồi mới lại có một tờ báo mang cái tên thân thương: Quảng Bình”, ông Doãn bồi hồi nhớ lại.
 
Tỉnh mới thành lập còn nhiều khó khăn, Xí nghiệp in thuộc Sở Văn hóa-Thông tin chưa ổn định, bộ phận in thuộc Báo Quảng Bình tách từ Xí nghiệp in Bình-Trị-Thiên ra chưa thể tổ chức sản xuất vì thiếu cả con người lẫn máy móc. 10 số báo đầu tiên phải mang vào in tại Xí nghiệp in Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng.
 
Chính trong những gian khó của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã đào tạo nên một thế hệ PV, BTV Báo Quảng Bình bản lĩnh, nhiệt huyết. Họ đồng sức, đồng lòng với một quyết tâm: phát huy truyền thống của Báo Quảng Bình trong chống Mỹ và xây dựng CNXH, xây dựng tờ báo mới của quê hương Quảng Bình.
 
Vượt lũ vì chương trình phát thanh đầu tiên
 
Một chương trình phát thanh được sản xuất và phát sóng trên mảnh đất Quảng Bình-điều tưởng chừng chỉ là ước vọng trong những năm sau chiến tranh-bỗng một ngày thành hiện thực. Chương trình ấy được phát sóng vào đúng ngày 1-7-1989. Lần đầu tiên, nhạc hiệu từ bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sỹ Hoàng Vân cùng lời giới thiệu “Đây là Đài Phát thanh Quảng Bình được truyền đi từ Đồng Hới” lại khiến nhiều trái tim thổn thức đến vậy.
 
Ông Nguyễn Thế Tường, từng là BTV của Đài Phát thanh Quảng Bình sau ngày tái lập tỉnh rưng rưng kể lại: “Để làm được một chuyên mục phát thanh đầu tiên phát đúng ngày 1-7, chúng tôi đã vượt qua muôn vàn khó khăn.
 
Nhưng đó là chương trình phát thanh tâm huyết nhất, được vun vén bởi bao tình cảm, sự nhớ thương và niềm tin vào một ngày mai của quê hương. Đêm 30-6, khi đang thu âm chương trình, cả phòng thu đột ngột bị mất điện, vậy là để kịp giờ phát sóng vào ngày mai, một bạn phát thanh viên khác phải bật diêm cho tôi đọc hết chương trình”.
 
Phải làm chương trình trong quãng thời gian ngắn ngủi, điều đó đặt lên vai những cán bộ lãnh đạo, BTV, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Quảng Bình những áp lực nặng nề, nhất là khi thiếu thốn, vất vả đủ bề. Ông Phạm Xuân Lục, nguyên là Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Bình thời kỳ sau ngày tái lập tỉnh kể lại rằng cùng một lúc, đội ngũ nhà đài vừa lo việc tuyển phát thanh viên, kỹ thuật phát sóng và xây dựng chương trình phát thanh kịp phát sóng vào ngày 1-7.
 
“Tôi nhớ khi chở chiếc máy phát từ Huế ra đến Đồng Hới, ngay phà Quán Hàu phải dừng lại vì thời điểm đó đang có lũ tiểu mãn, nước sông Nhật Lệ dâng lên rất cao. Anh em ở phà ngại qua sông.
 
Tôi cố gắng thuyết phục họ. Khi nghe nói đây là xe chở máy phát phục vụ cho chương trình phát thanh đầu tiên vào ngày 1-7, họ đồng ý chở qua sông, bất chấp nguy hiểm. Khi chiếc xe cập bờ Bắc, mọi người ở hai bên bờ sông vỗ tay reo hò và đồng thanh hát vang bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”. Xúc động đến nghẹn ngào.”, ông Lục nhớ lại.
 
Chương trình phát thanh đầu tiên kéo dài 30 phút và được người nghe đài đón nhận càng có thêm động lực để đội ngũ cán bộ, BTV Đài Phát thanh Quảng Bình xây dựng các chương trình tiếp theo. Mỗi ngày 2 chương trình, mỗi chương trình 15 phút là khối lượng công việc khá lớn, nhất là trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, từ nơi chốn làm việc đến nơi ăn, chốn ở của cán bộ.
 
Nhưng trong gian khó đã rèn đúc lên ý chí, quyết tâm và vun bồi nhiệt huyết cho những người làm báo ngày ấy. Và ngày 1-7 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Quảng Bình, nay là Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình.
 
30 năm, thế hệ làm báo ngày ấy nay tóc đã ngả màu. Nhưng ký ức xưa cũ của họ sẽ kể mãi những câu chuyện đẹp đẽ để những thế hệ người làm báo trẻ hôm nay soi chiếu và tự ngẫm mình. Đó là bài học của tình yêu nghề, lòng nhiệt thành và trọn vẹn niềm tin cùng nghề dẫu nhiều gian khổ, hy sinh.
 
Diệu Hương
,