.
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019):

Nghề báo, vinh dự và trách nhiệm

.
07:45, Thứ Năm, 20/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Tháng sáu có lẽ là một dấu mốc tuyệt vời của những người làm báo bởi những bông hoa, lời chúc từ bạn bè, độc giả và những người yêu quý nghề báo, nhà báo. Những tình cảm yêu mến ấy là động lực mạnh mẽ để những người làm báo nỗ lực hơn trong công việc, song cũng là lời nhắc nhở để mỗi nhà báo thẳng thắn nhìn rõ những góc khuất của nghề mình, đấu tranh và vững lòng hơn trước những cám dỗ, hư vinh, sống xứng đáng với nghề mình đã chọn và niềm tin yêu của mọi người.
Phóng viên Báo Quảng Bình tác nghiệp.
Phóng viên Báo Quảng Bình tác nghiệp.
Nghề báo cũng như nhiều nghề nghiệp khác, là đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội và được trả công xứng đáng. Nhưng với đặc thù nghề nghiệp, nghề báo dường như được ưu ái hơn để đôi khi được vinh danh là “nghề cao quý”.
 
Và cũng bởi đặc thù nghề báo là phát hiện, thông tin sự kiện, phản biện, đấu tranh, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, nghề báo còn được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”. Thực tế cho thấy, báo chí đã góp phần mang lại nhiều đổi thay tích cực, đồng hành cùng xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
 
Nhưng cũng chính bởi đặc thù nghề nghiệp, bởi sự tôn vinh, trân trọng của xã hội đối với nghề báo và nhà báo, đã có không ít nhà báo chạy theo hư vinh, lạm quyền, lợi dụng nghề nghiệp để tư lợi cá nhân, vi phạm đạo đức nhà báo, thậm chí vi phạm pháp luật. Lướt qua các trang báo hay mạng xã hội mỗi ngày, không khó để bắt gặp những thông tin về các “nhà báo” tống tiền, viết bài “đánh hội đồng” doanh nghiệp, cá nhân, lợi dụng uy tín nhà báo để lừa gạt người dân đưa tiền “chạy việc”…
 
Lại có những nhà báo sử dụng mạng xã hội như một công cụ để quảng bá bản thân, mỗi ngày ỡm ờ đăng bài kiểu chuẩn bị “đánh” địa phương này, cá nhân nọ. Không khó để phán đoán rằng, phía sau những bài viết ỡm ờ đó, các “nhà báo” này đã có những cuộc “giao dịch ngầm” để rồi bạn đọc sẽ không bao giờ được đọc những bài viết về những vấn đề mà “nhà báo” nọ đã từng công bố trên mạng xã hội.
 
Thu nhập của nhà báo, ngoài tiền lương và các khoản phụ cấp, thì nhuận bút là nguồn thu nhập chính. Với sứ mệnh nghề nghiệp của mình, sự quan tâm của xã hội, của bạn đọc đối với thông tin báo chí, hầu hết những nhà báo chân chính đều có thể sống tốt từ nguồn thu nhập chính đáng của mình.
 
Nhưng bên cạnh đó, có không ít nhà báo đã và đang giàu lên bởi những bài báo không đăng. Mới nghe thì có vẻ như là nghịch lý bởi nếu không đăng báo thì sao có thể được trả nhuận bút để có thu nhập?
 
Nhưng trên thực tế, điều đó đã xảy ra. Đó chính là việc một số nhà báo sau khi viết bài, nhất là những bài viết chống tiêu cực, sẽ tìm cách thông tin cho những đối tượng bị nêu trong bài viết như một sự mặc cả tế nhị.
 
Để cuối cùng, những bài báo dù không đăng báo, không được cơ quan báo chí trả nhuận bút, nhưng sẽ được nhận những khoản “nhuận bút” khổng lồ từ phía những cá nhân, tổ chức bị đề cập đến trong bài báo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà báo đang tiếp tay, dung túng cho hành vi sai trái và bản thân nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
 
Những ví dụ nêu trên là sự thật đáng buồn về nghề báo, nhà báo, nhưng nó đã xảy ra và đang tồn tại. Và đáng buồn hơn, có lúc, có khi sự nhìn nhận của xã hội, thậm chí của cả cơ quan công quyền, về những sai phạm của nhà báo cũng chứa đựng những điều vô lý. Một ví dụ cụ thể xảy ra thời gian qua là việc một nhà báo bị tố cáo có hành vi lừa đảo người dân đưa tiền để “chạy việc”.
 
Sau một thời gian điều tra theo đơn thư tố giác của người dân, cơ quan chức năng đã kết luận hành vi của nhà báo này không cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì lý do khi không xin được việc cho người dân, nhà báo này đã trả lại đầy đủ số tiền đã nhận.
 
Đội ngũ những người báo đang ngày ngày nỗ lực
Đội ngũ những người báo đang ngày ngày nỗ lực "rèn tâm sáng, luyện bút sắc". Ảnh: Đ.V
Câu hỏi đặt ra là, liệu đã có bao nhiêu nhà báo dùng thủ đoạn này để chiếm đoạt những khoản tiền bất minh, để làm tha hóa cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với nghề báo, nhà báo, hiện chưa bị tố giác hoặc xử lý nghiêm minh?
 
Và ngay cả khi bị tố giác, bị cơ quan chức năng điều tra, bằng những mánh khoé của mình, họ cũng dễ dàng thoát khỏi tội danh lừa đảo, ung dung tiếp tục làm “nhà báo”, không ngừng rao giảng đạo đức và có các hành vi trục lợi từ nghề nghiệp của mình.
 
Bởi sự tôn vinh của xã hội và “quyền lực thứ tư”, bởi những cám dỗ, hư vinh của nghề báo, mỗi nhà báo trước hết phải là một người bình thường tử tế. Bởi hơn bất cứ nghề nào khác, phẩm chất đạo đức của một nhà báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tác phẩm báo chí của họ, tác phẩm báo chí sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến đời sống xã hội.
 
Không chỉ có tác phẩm báo chí, mỗi lời nói, việc làm hoặc cú click chuột của nhà báo cũng bao gồm trong đó trách nhiệm đối với báo chí, với cộng đồng xã hội. Nên trước khi trở thành một nhà báo, thì nhất thiết bạn phải là một người bình thường tử tế.
 
Ngày vui của nghề báo, kể những câu chuyện buồn trên chỉ để nhắc nhở bản thân và đồng nghiệp phải luôn vững lòng trước mọi cám dỗ, hư vinh, sống xứng đáng với nghề, với niềm tin yêu của mọi người dành cho nghề báo, nhà báo. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?”.
 
Tin rằng, những chuyện buồn trên chỉ là con số rất nhỏ, bởi xung quanh ta, có biết bao nhà báo đang ngày ngày nỗ lực để “cây táo nở hoa”, để “rãnh nước trong veo” bằng những tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội, mà ẩn chứa trong đó là mồ hôi, nước mắt và cả máu; bằng bài báo vinh danh những con người bình dị trên ruộng đồng, nhà máy, bục giảng; bằng nỗ lực của nhà báo để kết nối những tấm lòng từ thiện, đồng hành không mệt mỏi cùng những số phận, mảnh đời bất hạnh…, làm đẹp thêm hình ảnh nghề báo, nhà báo trong lòng bạn đọc, nhân dân.
 
Ngọc Mai
,