.

Giữ lại "hồn quê"

.
14:41, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Tròn 3 thập kỷ kể từ ngày Quảng Bình trở về địa giới cũ, nhìn vào bức tranh kinh tế-xã hội của quê hương, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả to lớn đã đạt được. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo các làng quê. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh mục tiêu xây dựng NTM hiện đại thì việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, bản sắc lâu đời cũng đang được nhiều địa phương rất quan tâm.
 
Rộn ràng nông thôn mới
 
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối (VPĐP) chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình đã có 2.083 tiêu chí NTM đạt chuẩn, tăng 1.587 tiêu chí so với trước khi triển khai. Bình quân mỗi xã đạt 15,3 tiêu chí, tăng 11,7 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đây là con số phản ánh rõ nét nhất sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM.
 
Bởi so với cả nước, số tiêu chí bình quân mà Quảng Bình đạt được cao hơn 0,7 tiêu chí/xã (toàn quốc 14,6 tiêu chí/xã); trong đó, số xã dưới 10 tiêu chí chỉ còn 10,3% (toàn quốc 15%). Toàn tỉnh hiện đã có 62 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 45,6%.
Việc lưu giữ những hàng rào chè tàu được cắt tỉa tỉ mỉ như thế này sẽ góp phần lưu giữ dáng vẻ làng quê Việt.
Việc lưu giữ những hàng rào chè tàu được cắt tỉa tỉ mỉ như thế này sẽ góp phần lưu giữ dáng vẻ làng quê Việt.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng, chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo được sự chuyển biến cơ bản trong tư duy, nhận thức của đại đa số người dân. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ; người dân từng bước xác định vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và tham gia hưởng ứng với sự đồng thuận cao.
 
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng đã được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2018, thu nhập của người dân nông thôn đạt 30,4 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Hệ thống cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa không ngừng được đầu tư, nâng cấp; cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
 
Một điều đáng mừng nữa là mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng các cấp chính quyền đã cố gắng bố trí đủ nhu cầu kinh phí cho các xã điểm xây dựng NTM, nhiều địa phương huy động nguồn đóng góp của người dân đạt kết quả khá. Thống kê tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM toàn tỉnh giai đoạn 2011-2018 là hơn 54 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách gần 3.400 tỷ đồng, vay tín dụng gần 50 nghìn tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 715 tỷ đồng…
 
Để việc xây dựng NTM đi vào thực chất và hiệu quả hơn, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, qua đó, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong xây dựng NTM.
 
Nguyên vẹn "hồn quê"
 
Lệ Thủy là huyện thuần nông và đang phấn đấu trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020. Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, công tác bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa làng quê cũng đang được địa phương đặc biệt chú trọng.
 
Phan Xá là một trong 6 thôn được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu của xã Xuân Thủy, hiện đã có 8/10 tiêu chí hoàn thành. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống đường nội thôn, nâng cấp nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp, người dân nơi đây còn tổ chức trồng hoa dọc theo các trục đường giao thông.
 
Thôn có công viên nằm cạnh bờ sông với ghế đá và gần 100 cây bóng mát được trồng mới dọc theo sông Kiến Giang. Nhiều tuyến đường đã được lắp biển báo, hệ thống camera an ninh và cổng chào... Nhờ đó, Phan Xá mang một diện mạo mới mẻ, tiêu biểu.
 
Có một điều đáng mừng là nhờ chủ trương xây dựng NTM mà nhiều làng quê trong tỉnh đã mang dáng dấp hiện đại với nhà cao tầng, đường bê-tông, hàng rào kiên cố, giúp cải thiện điều kiện sống cho nhân dân cả về tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, với kiến trúc lộn xộn, nhiều dáng vẻ khác nhau, không cho thấy đặc trưng của làng quê khiến cảnh quan bị xáo trộn, không còn những lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình...
 
Trên thực tế, không ít hộ gia đình đồng tình, hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM, đồng thời, vẫn “linh động” giữ lại những hàng rào chè tàu xanh ngắt, được cắt tỉa tỉ mỉ, góp phần lưu giữ những nét đẹp riêng có vùng thôn quê.
 
Huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa vốn nổi tiếng với những điệu hò, những món ngon ẩm thực riêng có của người Nguồn. Trong xây dựng NTM theo chủ trương chung, chính quyền và người dân nơi đây đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí.
 
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, địa phương cũng đã chú trọng lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng thôn, làng, bản mang đậm dấu ấn của vùng sơn cước. Vẫn còn đó hình ảnh những gốc cây đào phai cổ thụ hàng chục năm tuổi, những hàng rào chè xanh thấp thoáng sau lùm cọ hay vẳng đâu đó làn điệu hát ví, hát ru...
 
Những năm trở lại đây, người dân một số địa phương trong tỉnh đã rất sáng tạo trong việc xây dựng NTM bằng cách đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù vẫn xây dựng nhà cửa, hưởng ứng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa…nhưng vẫn không quên lưu giữ những nét đẹp truyền thống. Hình ảnh những mô hình lưu trú mang đậm dáng vẻ làng quê Việt, những con đường nhỏ rực rỡ sắc hoa, giếng nước bên lũy tre làng… đã thu hút rất đông du khách dừng chân.
 
Không chỉ là kiến trúc, cảnh quan, xây dựng NTM phải chú trọng đến những giá trị văn hóa nổi bật của làng quê Việt Nam, đó là tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng mật thiết thể hiện sự tương thân tương ái, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau khi tắt lửa tối đèn. Bởi vậy, khi xây dựng NTM, cũng cần quan tâm đến việc xây dựng con người nông dân với lối sống đạo đức bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa lâu đời của làng quê Việt Nam thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, thực hiện nghiêm túc hương ước văn hóa của làng, xã.
 
Nguyễn Hoàng
,