.

Mự tôi

.
08:24, Thứ Hai, 06/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Khi tôi viết những dòng này, mự tôi đã ra đi mãi mãi. Một ngày chủ nhật đầu tháng tư hanh hao nắng, mự đã rời xa những người thân yêu để mãi nằm lại nơi mà gần cả cuộc đời, cậu mự đã từng gắn bó, trồng trọt, làm lụng để nuôi con khôn lớn. Mộ mự nằm đó trên ngọn đồi cao trong tiếng lá bạch đàn, phi lao xào xạc, trong những thanh âm vi vút muôn thuở của núi đồi.
 
Mự là chị dâu cả của mẹ tôi. Mự về làm dâu nhà ngoại khi mẹ tôi còn rất nhỏ. Theo lời mẹ kể, ngày ấy, mự xinh gái lắm. Mự là con cả trong gia đình. Do hoàn cảnh chiến tranh li tán, do những khó khăn của cuộc sống mà tôi không hiểu rõ, ba mẹ mự phải ly hương sang Thái, gửi mự lại cho một gia đình ở Quảng Thanh có nghề làm bánh tráng, bánh ướt.
 
Thế là dù đang tuổi ăn tuổi lớn, mự phải ngày đêm phụ xay bột, làm bánh và biết bao công việc vất vả khác để cùng cha mẹ nuôi có cái ăn, cái mặc. Những ngày tháng chiến tranh, nhiều gia đình ở Quảng Thanh phải sơ tán lên các xã miền núi Quảng Lưu, Quảng Thạch. Gia đình mự chuyển đến gần nhà ngoại tôi. Cậu tôi và mự đã gặp nhau trong những lần tham gia sinh hoạt ở Đoàn Thanh niên thôn xóm, rồi yêu nhau và nên duyên chồng vợ.
 
Mẹ tôi lấy chồng cách xa nhà ngoại hơn 10 cây số. Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện duy nhất chỉ có chiếc xe đạp, ba mẹ lại bộn bề công việc mưu sinh nên cũng thỉnh thoảng chị em tôi mới được lên quê ngoại; thường là dịp Tết, hè, khi có đám kỵ, đám giỗ hay khi các anh chị con cậu, con dì tôi cưới vợ, cưới chồng. Đường về quê ngoại với tôi hồi ấy sao mà xa lắm!
 
Ký ức về quê ngoại trong tôi là chặng đường đạp xe hơn 10 cây số, là những con dốc vừa leo vừa thở để đến được nhà các cậu, các dì. Quê ngoại trong tôi còn là những vườn sắn trải dài trên sườn đồi, những vườn chè, vườn tiêu xanh mướt, là tiếng chim ríu ríu mỗi sớm mai khi núi đồi thức giấc, là hương thơm của mít chín quyện vào trong gió...
 
Tôi không tiếp xúc với mự thường xuyên, dẫu vậy, tôi vẫn cảm nhận được mự rất hiền. Suốt mấy chục năm mự về làm dâu, gia đình cậu mự sống rất thuận hòa êm ấm, chị dâu - em chồng, em dâu - chị chồng chưa bao giờ một tiếng bấc chì nặng nhẹ. Khi tôi 5 tuổi và em gái tôi 2 tuổi,  mẹ tôi ốm thập tử nhất sinh phải điều trị cả tháng trời trong Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
 
Ba đi theo nuôi mẹ, hai chị em chúng tôi được gửi lên ngoại, ở nhà cậu mự. Buổi chiều hôm ấy, tôi đã vô cùng giận mự khi mự nói với tôi rằng: "Ba cháu đi đào sắn sau đôộng (rừng), chiều tối sẽ về". Mự đã nói dối tôi. Tôi đợi mãi, đợi mãi đến tối mịt vẫn không thấy ba và bật khóc. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ rằng chính mự đã làm cho chị em tôi phải xa ba, xa mẹ. Nhưng nỗi buồn của trẻ con như tia nắng sau mưa, khóc đó rồi lại vui ngay đó.
 
Cậu tôi, khi ấy là một thợ mộc có tiếng trong làng. Làng trên xóm dưới hễ có ai làm nhà, dựng vợ gả chồng và cho con ra ở riêng là họ lại tìm đến cậu, không chỉ vì tay nghề của cậu mà còn bởi gia đình cậu mự sum vầy, con cháu nếp tẻ đầy đủ. Cậu mự có 6 người con, 3 trai, 3 gái. Lúc ấy, mấy anh chị lớn đã có chồng, có vợ. Chị em tôi thường chơi cùng anh Tráng, chị Vinh (anh chị là con thứ 5, thứ 6 của cậu mự).
 
Ngày ngày, anh chị thường đi chăn trâu ở trên đồi và chiều tối lại mang theo về những túi muồng, túi sim chín mọng. Thích nhất là có hôm, anh Tráng nhặt được ổ trứng chim, tối về mự đem hấp cơm, thế nào tôi cũng giành để được phần nhiều. Rồi tôi nằng nặc xin đi theo anh chị. Tất nhiên, mự không cho, bởi làm sao có thể yên tâm khi một đứa trẻ 5 tuổi đi theo cả ngày rong ruổi trên đồi. Tôi lại giận...
 
Chị em tôi được ba mẹ đón về sau khi mẹ đã khỏi bệnh. Cuộc sống lại tháng ngày nối tiếp tháng ngày trôi đi hối hả. Tuổi thơ qua mau, tôi đi học xa nhà, dần rời xa vòng tay ba mẹ. Tôi đi lấy chồng xa, để giờ đây, đường về quê ngoại lại càng thêm tít tắp. Lần cuối cùng tôi gặp mự là vào cuối mùa đông năm ngoái, khi tôi về đám giỗ bà ngoại. Đã hai năm nay, mự yếu đi nhiều, mắt không còn nhìn thấy và không thể tự túc trong sinh hoạt.
 
Cậu mự cũng đã không còn ở ngôi nhà cũ trên dốc cao mà chuyển sang ở cùng anh con trai cả nhà sát ngay cánh đồng trước mặt. Nhìn cậu tôi ân cần bón cho mự từng thìa cháo, thìa sữa, nhìn cái cách cậu giặt khăn lau mặt cho mự, không chỉ riêng tôi mà những ai nhìn thấy đều ao ước sau này mình có được một tình yêu tuổi già như thế!
 
Tôi ra thăm ba mẹ vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Hai mẹ con đang lúi húi nấu cơm trong bếp thì mẹ nhận được tin từ nhà ngoại, mự tôi mất. Cả nhà tôi vội vã lên quê. Nhìn cậu tôi thất thần đứng bên quan tài của mự, thật gần, nhưng giờ đây mự đã là người của thế giới khác, tôi chan hòa nước mắt, nghe tim mình đau nhói. Hôm đưa tang mự cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên ngọn đồi trước mặt nhà ngoại, nơi mà cả thời ấu thơ tôi chỉ đứng từ sân nhà cậu mự mà phóng tầm mắt nhìn sang.
 
Ngày ấy, vì lo lắng cho tôi, mự đã không cho tôi lên đồi cùng các anh chị. Không thể ngờ rằng, hôm nay, mự lại đồng ý “cho” tôi đi trong một ngày buồn đến thế. Giữa bạt ngàn đồi núi, gió nhẹ khẽ lay những cánh hoa sim nở trong chiều tím ngắt. Thay cho một nén tâm nhang, cầu mong mự mãi bình yên nơi chín suối!
 
Nguyễn Thị Hiểu
,