.

Bộ ba hồi ức lính - Những mảnh ghép ám ảnh

.
08:59, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong những năm gần đây, trên văn đàn Quảng Bình, liên tục xuất hiện các tập truyện ký, ký sự, hồi ức viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà tác giả là những người lính đã từng sống và chiến đấu trong những tháng năm khốc liệt đó. Nguyễn Xuân Sùng với “Chắp nối Trường Sơn”, Hoàng Đình Bường với “Yên ngựa sau cuộc chiến”, Trần Khởi với “Cha và con lính trận”. Tôi gọi đó là những mảnh ghép ám ảnh.
 
Ba tác giả từng chiến đấu ở ba mặt trận, ba vị trí khác nhau (Nguyễn Xuân Sùng-chiến sỹ báo vụ cơ yếu chiến đấu trên Mặt trận B3 Tây nguyên, Hoàng Đình Bường-thượng sỹ, Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên-Huế, Trần Khởi-trinh sát kỹ thuật, Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến trường Bắc Bình Định), nhưng đọc tác phẩm của họ, tôi lại nghĩ rằng đây là ba tập trong một cuốn sách duy nhất-cuốn sách mang tựa đề “Hồi ức lính”.
Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân được mô phỏng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân được mô phỏng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Năm 1971, tác giả Nguyễn Xuân Sùng-một trong những sinh viên đầu tiên của Trường đại học Vinh bước thẳng từ giảng đường ra chiến trường và đi hết những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ 5 năm nhưng đã để lại trong cuộc đời ông “dấu ấn sâu sắc, kỳ lạ…” và  bởi “…con người ta không dễ gì bàng quan với quá khứ, quá khứ đó được xây nên, được đổi bằng tuổi trẻ, bằng máu, mồ hôi và nước mắt” nên “Chắp nối Trường Sơn” ra đời.
 
15 tháng vượt Trường Sơn và 5 năm trời chiến đấu trên Mặt trận B3 Tây Nguyên, tác giả Nguyễn Xuân Sùng đã đi qua bao làng, bản, bao con đường, trạm giao liên, bãi khách, gặp gỡ bao con người…Tất cả được ông thu nạp, gói ghém vào bộ nhớ và khi mọi ẩn ức về cuộc chiến được giải tỏa thì…bung xỏa bằng ngòi bút.
 
Chiến tranh hiện lên trên trang viết Nguyễn Xuân Sùng không ở trạng thái lên gân đối phó mà mọi sự đều bình thản diễn ra trong chiều hướng điều gì đến sẽ đến. Phong cách thể hiện ấy có lẽ bắt đầu từ bản tính trầm tĩnh, hiền lành của tác giả. Đọc “Chắp nối Trường Sơn” của Nguyễn Xuân Sùng, chúng ta sẽ nhận diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta trên bình diện mới, khốc liệt hơn ta tưởng.
 
Những dòng trong “Muôn nẻo Trường Sơn” đã làm thảng thốt trái tim tôi: “Những cô gái Trường Sơn mảnh dẻ, da mai mái, đã qua nhiều trận sốt rừng, quần xắn cao... vừa dẫn đường vừa làm nhiệm vụ cáng thương... Các cô gắng gượng cho võng các anh thương binh không bị chà xuống đất... Để ý dưới lớp áo mỏng kia, da vai như xoắn lại, nhói đau.
 
Các cô nén nỗi đau vào trong, nén tiếng thở dài vào trong, để cho các anh nằm được chút thanh thản nhẹ nhàng. Trên chiếc võng cáng thương ấy là những thân hình heo hót, xanh xao...”.  Cũng như biết bao người lính trong chiến tranh, Nguyễn Xuân Sùng thấu hiểu giá trị của tình đồng đội giữa những lúc dầu sôi lửa bỏng. Trong tác phẩm của ông, tình đồng đội lấp lánh trên từng trang viết. Từ tình đồng đội, những người lính Trường Sơn đã truyền sức mạnh cho nhau để họ đủ bản lĩnh, đủ khí chất mà bình tĩnh đi hết Trường Sơn, đi hết những ngày đánh Mỹ.
 
Cũng như Nguyễn Xuân Sùng, tác giả Hoàng Đình Bường tham chiến trên Mặt trận Trị Thiên-Huế khi đang là sinh viên. Tay cầm súng chiến đấu nhưng bản thể là một chàng trai giàu lãng mạn, nên ông đã tốc ký đời lính vào thẳng từng trang ký ức để rồi gần 45 năm sau, tất cả tuôn trào ra mặt giấy dưới hình hài của tập bút ký, ký sự chiến trường “Yên ngựa sau cuộc chiến”.
 
Không tái hiện cuộc chiến với tinh thần lên gân, lạc quan, đánh lừa cảm xúc, Hoàng Đình Bường trung thực hoàn toàn với mỗi diễn biến của những trận chiến đấu mà ông là người trong cuộc.
 
Tác phẩm dày đặc các sự kiện khốc liệt làm người đọc tức ngực. Chúng ta sẽ không khỏi sửng sốt khi biết tiểu đội sinh viên Văn - Sử của tác giả với 15 chiến sỹ cùng nhập ngũ sau 4 năm tham chiến, 8 người đã nằm lại với mảnh đất Trị Thiên, 4 người trong đó có tác giả hơn 1 lần phải vào quân y viện. Phiên hiệu Trung đoàn 6-Quân khu Trị Thiên của ông sau 10 năm tham chiến (1965- 1975), con số liệt sỹ lên đến 12.000, gấp 10 lần con số phiên chế cố định.
 
Đối diện với thực tế khốc liệt của chiến tranh để viết nên những dòng hồi ức bi tráng, tác giả CCB Hoàng Đình Bường không né tránh những cảm xúc cá nhân của một con người bình thường vẫn thường âm thầm diễn ra trong mỗi người lính, đó là sự giằng co giữa lợi-hại, giữa riêng-chung, giữa cao cả-thấp hèn...
 
Tuy nhiên, cuối cùng họ đều là những người tiến lên phía trước. Đọc “Yên ngựa sau cuộc chiến”, chúng ta sẽ được tác giả cho nhập cuộc vào hành trình chiến đấu và chiến thắng của đơn vị ông với thời gian, nhân vật, địa danh hết sức chính xác như “Chia lửa với thành cổ Quảng Trị”, “Đánh xe tăng đường 12”, “Cuộc chiến trên cao điểm 303”, “Về với Huế... Kết nối tất cả thì rõ ràng đây là một biên niên sử viết bằng văn của Trung đoàn 6-Quân khu Trị Thiên.
 
Gần như bị "tiếng nổ ký ức" của những người đồng đội cùng thời kích hoạt, Trần Khởi-CCB Quân báo Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng đã gom góp kỷ niệm đời lính chiến của mình để kết nối thành công tập tự truyện “Cha và con lính trận".
 
Trần Khởi là người có tính cách quyết liệt, quyết liệt từ chối ra nước ngoài học tập để nhập ngũ, quyết liệt rời bỏ đơn vị bảo vệ cao điểm Văng Mu, thuộc Binh trạm 32-Binh đoàn 59, nơi có người cha là Phó Chủ nhiệm Chính trị để tìm đường vào Nam đánh Mỹ, nên trong tác phẩm của ông không có sự nhập nhằng trí trá giữa hiện thực và trang viết, giữa lý tưởng và hành động.
 
Tập truyện ký “Cha và con lính trận” là một bản giao hưởng ký ức, kể về cuộc sống, chiến đấu của Trần Khởi và đồng đội trên chiến trường Bắc Bình Định. Không bôi đen hay tô hồng, không né tránh, không hư cấu, chiến tranh hiện ra trong tác phẩm của Trần Khởi với rất nhiều cung bậc cảm xúc hết sức dữ dội.
 
Nếu không phải là người đã ngụp lặn rất lâu và rất sâu trong hiện thực thì không thể viết được những dòng hồi ký ấn tượng đến thế. Chiến tranh hiện ra khốc liệt, thậm chí ghê rợn và ám ảnh người đọc. Làm sao quên hình ảnh những người lính ốm đau nằm dọc đường hành quân được ví như “những chiến lá vàng nằm sấp xuống mặt đất”, hình ảnh bộ xương khô nằm trên võng, theo thời gian cây càng cao chiếc võng càng cao...
 
Hãy nghe ông khóc bạn: “Chúng mày ơi!...Mấy đứa bay ơi!...Bay đi mô hết rồi? Chúng bay để tao ngồi một mình ri hả? Mấy trăm thằng mà chừ chỉ còn mấy đứa thôi. Ăn sao nổi, bay ơi!”Một nỗi mất mát không có giới hạn cho thấy chiến tranh ở góc nhìn trần trụi nhất.
 
Tuy nhiên, trong tác phẩm “Cha và con lính trận”, Trần Khởi cũng đã khôn khéo giúp người đọc “điều hòa huyết áp” sau những căng thẳng về tâm lý bằng những câu chuyện tưởng là bông phèng của lính nhưng lại mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Bởi Trần Khởi là con người hào hoa, lãng tử và có phần tư chất của một bậc đại trượng phu nên nhân vật trong tác phẩm của ông được mở rộng biên độ tối đa.
 
Ông không dè dặt khi nói về những nhân vật ở phía đối phương như “Người thầy thuốc ở bên kia chiến tuyến” hay “Người con gái ở ngã ba Xuân Lộc”. Vậy nên, chiến tranh đi vào hồi ức của Trần Khởi là một tráng ca rất đời, rất người và không kém phần hào sảng.
 
“Chắp nối Trường Sơn”, “Yên Ngựa sau cuộc chiến”, “Cha và con lính trận”, ba tập hồi ức ghi lại những trang đời thanh xuân tươi đẹp của Nguyễn Xuân Sùng, Hoàng Đình Bường và Trần Khởi, cũng là ghi lại những tháng năm chiến tranh máu và hoa của dân tộc Việt Nam. Lắp ghép ba tập hồi ức chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh khác ghi lại diễn biến nóng bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong những năm cuối, từ chiến trường Trị Thiên-Huế đến Mặt trận Bắc Bình Định, lên chiến trường B3 Tây Nguyên.
 
Bức tranh đó sẽ làm cho lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của nhân dân ta thêm phần sinh động và chân thực. Đồng thời, cho chúng ta nhận chân rõ nét hơn giá trị đích thực của hòa bình và thống nhất.
 
Trương Thu Hiền
 
,