.

Nguyễn Khoa Văn-người thầy duyên nợ với văn chương

.
11:57, Thứ Năm, 18/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau hơn 40 năm đứng trên bục giảng và nửa thế kỷ “chạm ngõ” làng văn chương, “gia tài” của ông là hàng trăm bài thơ cùng các truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết được in trong 4 tập sách và rải rác ở các báo, tạp chí. Thơ văn ông bình dị như cuộc đời người thầy giáo yêu nghề mến trẻ và có chút duyên nợ với văn chương. Ông là Nguyễn Khoa Văn, giáo viên nghỉ hưu hiện sinh sống tại thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch). Bây giờ, ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn miệt mài sáng tác văn thơ.
 
Sinh năm 1947, khi vừa tròn 18 tuổi, tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm 7+1, ông được phân công về giảng dạy tại Trường phổ thông cấp 1 Đại Trạch (Bố Trạch). Đây cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt. Những ngày tháng ở nhờ nhà dân, vừa dạy học vừa tham gia đào hầm, đào hào giao thông in đậm trong ký ức ông.
 
Dù là thầy giáo đứng trên bục giảng, nhưng ông và đồng nghiệp đã trực tiếp tải thương, tham gia trực chiến cùng lực lượng dân quân địa phương. Suốt những năm tháng sau này, ông được phân công giảng dạy và là cán bộ quản lý tại nhiều trường khác nhau trên địa bàn huyện Bố Trạch.
 
Tất cả những năm tháng đáng nhớ ấy đã trở thành chất liệu cho thơ văn ông, những bài thơ, bút ký, tiểu thuyết đều chứa đựng tình yêu chân chất với quê hương.
Thầy giáo Nguyễn Khoa Văn.
Thầy giáo Nguyễn Khoa Văn.
Cuốn sách mới nhất của ông do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào cuối năm 2018 là tổng hợp những sáng tác của ông bao gồm 175 bài thơ, 4 truyện ngắn, 1 truyện ký và 1 tiểu thuyết. Tình yêu quê hương vẫn là chủ đề xuyên suốt trong thơ ông, nên trong bài thơ “Chiều Phong Nha”, ông viết “Gửi hồn về nơi ấy/Giữ mãi trái tim mình/Làm răng mà nói hết/Lòng mình với sông Son…”.
 
Trong thơ ông, con đường quen thuộc dẫn về ngôi trường trong buổi chiều cũng đẹp lạ lùng “Chiều nay xe ta qua đồi thông/Nắng đỏ ráng chiều lá thông xanh ngắt/Ruộng lúa lên xanh khép đôi bờ chật hẹp…” (Với trường).
 
Thủy chung với con đường mình lựa chọn, yêu quê hương, yêu nghề bằng một tình yêu bình dị, ông và đồng nghiệp cũng trải qua nhiều thăng trầm, gian khó của nghề giáo viên. Những năm 80 của thế kỷ trước, nghề giáo viên đứng trước nhiều ngã rẽ khi cuộc sống chồng chất khó khăn, thiếu thốn. Ngoài giảng dạy, ông và đồng nghiệp phải đi khai thác cây đót về để bán, cải thiện đời sống.
 
Và trong một lần đi chặt đót ở đường 20 Quyết Thắng, lúc cùng đồng nghiệp dừng chân tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh anh dũng tại hang Tám thanh niên xung phong, ông đã viết bài thơ “Tiếng vọng đường 20”. Ông bùi ngùi ngắm “màn rêu phong phủ dày lớp đá” rồi thốt lên: “Hỡi những người con hình hài đã in vào đá núi/Chiếc kẻng ngày nào nước mưa gõ vội/Như năm xưa phá đá mở đường/Như báo động khi có tàu bay Mỹ…”.
 
Ông kể, phút ấy, khi đứng giữa không gian tĩnh lặng của rừng già, chứng kiến sự hy sinh những anh hùng liệt sỹ, ông như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua quãng thời gian khó khăn của những người làm nghề giáo viên để có thể gắn bó trọn vẹn suốt cuộc đời.
 
Đồng hành cùng thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Khoa Văn trong suốt những năm tháng của cuộc đời là người vợ đảm đang, bà Dương Thị Gái. Khi lương giáo viên của chồng chỉ “ba cọc ba đồng”, cuộc sống gia đình vô cùng chật vật, bà vừa làm tốt công việc của một cán bộ huyện, vừa tranh thủ bán buôn, tăng gia sản xuất để nuôi năm người con ăn học.
 
Nên chẳng ngạc nhiên khi trong tập thơ, ông dành cho bà những câu chữ dịu dàng: “Trang thơ viết vẫn còn để ngỏ/Khoảng trống thời gian gửi nhớ cho nhau/Luôn có em trong từng chữ, từng câu…” (Giữ trọn mối tình).  Sau này, xen giữa những bài thơ ông viết cho quê hương, cho bạn bè và những ngày tháng cũ, là thơ ông viết tặng mẹ già, tặng các con với niềm tự hào đã sống xứng đáng với mong muốn của mẹ cha, nuôi dạy các con nên người.
 
Cùng với 175 bài thơ là 5 truyện ngắn, truyện ký và tiểu thuyết “Tình yêu và khát vọng”. Trong đó, tiểu thuyết “Tình yêu và khát vọng” dày gần 200 trang với bối cảnh cuộc sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn năm xưa, nay là đường Hồ Chí Minh.
 
Ông kể lại câu chuyện một cách bình dị nhưng vẫn toát lên sự ác liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bao chàng trai, cô gái sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường. Và cả những góc khuất trong tâm hồn, lối sống đua đòi, vị kỷ… dẫn đến những đổ vỡ. Nhưng vượt lên trên hết là sự chiến thắng của tình yêu chân chính, là khát vọng, hoài bão cống hiến cho quê hương, đất nước.  
 
Bây giờ, ông vẫn miệt mài làm thơ, viết văn. Hơn 40 năm đứng trên bục giảng và nửa thế kỷ gắn bó với thơ ca, có bao thế hệ học trò, phụ huynh gọi ông là thầy giáo và nhiều bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là nhà thơ. Ông bảo, dù là nhà giáo hay nhà thơ như bạn bè, đồng nghiệp vẫn ưu ái gọi, ông vẫn sẽ nỗ lực hết mình để sống có ích, để viết tiếp những dòng thơ văn cảm tạ, tri ân cuộc đời đã mang lại cho ông đủ những dư vị ngọt ngào, những nhọc nhằn, gian truân nhưng đầy ý nghĩa.
 
Diệp Đồng
,