.

Tính chân thực qua một tập truyện ký

.
07:56, Thứ Hai, 04/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cảm nhận khi đọc tập truyện ký “Cha và con lính trận” của Trần Khởi-Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1-2019.

 

Tác giả Trần Khởi.
Tác giả Trần Khởi.

Tôi gấp quyển sách lại sau khi đọc hết những trang cuối của tập truyện ký, lòng thầm cảm ơn tác giả Trần Khởi đã tặng cho tôi một quyển sách hay và giá trị như vậy.

Tôi không nghĩ mình đủ trình độ viết bài đánh giá, bình luận toàn bộ tập truyện ký này của Trần Khởi.

Nhưng chỉ xin mạo muộn bàn luận, trao đổi về một khía cạnh của tập sách này thôi, đó là tính chân thực của một tập sách do một người lính chiến thực thụ viết về những kỷ niệm của một cuộc chiến tranh mà tác giả chính là người trong cuộc.

Với 26 bài viết, tác giả đã kể lại những câu chuyện có thật của cuộc đời mình từng trải qua, từng gặp, từng biết. Ở trong đó đầy ắp những sự kiện, rõ ràng những địa danh, tỉ mỉ từng tính cách con người, thậm chí là cả những con số… Điều này làm nên giá trị cốt lõi của tập truyện ký của Trần Khởi.

Tôi đọc trên báo chí, đã gặp và đã nghe khá nhiều lời đòi hỏi chính đáng của bạn đọc, nhất là những cựu chiến binh, những thương binh, những du kích, những thanh niên xung phong, những bà má trong vùng địch tạm chiếm… "mong được đọc những quyển sách, những câu chuyện viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của dân tộc ta thật chân thực”. Và nếu vậy thì xin thưa, tập truyện ký “Cha và con lính trận” của Trần Khởi thực sự đã đáp ứng được đòi hỏi chính đáng đó của bạn đọc.

Tính chân thực của tập truyện ký này còn là sự mô tả hết sức đáng yêu những chàng lính trẻ, mà điển hình chính là tác giả: một chàng học sinh “mặt bấm ra sữa”, có quá khứ nghịch ngợm (trộm trứng, lội sông…), có chút máu anh hùng rơm của tuổi trẻ, liều lĩnh, có khi còn không chấp hành mệnh lệnh, nhưng xông xáo, coi cái chết nhẹ như lông hồng và đánh giặc thì hết sức anh dũng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.

Cuộc chiến khốc liệt đã trút xuống đầu anh lính trẻ đó vô vàn ác liệt, nhưng hầu như càng quăng quật thì anh lính trẻ đó càng khôn lớn, chiến tranh càng ác liệt thì anh lính trẻ đó càng tỏ rõ một sự kiên cường, một tinh thần không thể nào khuất phục.

Tính chân thực thể hiện trong vô vàn những chi tiết, những trường đoạn, nói về tình cảm của đồng đội, của nhân dân đối với bộ đội giải phóng, của cô giao liên đối với anh chiến sỹ, của những người lính bên kia chiến tuyến… Tất cả đều được Trần Khởi kể lại rất rõ nét, rất chân thực, rất sống động.

Có những chuyện Trần Khởi viết, khi đọc xong gai cả người, chảy cả nước mắt; thấy đau, thấy thương, thấy cảm động đến lạ lùng. Kể về một người lính khi gặp thủ trưởng Trần Khôi (là bố của Trần Khởi) đã “đứng bật dậy, xin được bắt tay thủ trưởng vì ngày mai không còn gặp lại được nữa đâu”, và ngày hôm sau người lính trẻ đó đã hy sinh!

Hoặc kể về câu chuyện cô sinh viên trường Dược là Nguyễn Thị Bảy viết thư cho người yêu là Trần Khởi, thư đi đến 4 năm mới đến tay; mấy anh lính trẻ trên chốt Đá Giang tranh nhau thư để đọc, vô tình ánh đèn pin dọi lên trời, địch phát hiện và bắn chết 3 người trong chớp mắt!

Rồi chuyện Trần Khởi vác trên vai cô Quế - giao liên ở Trà Bồng bị thương rất nặng, phút lâm chung người nữ giao liên anh dũng đó chỉ xin được “hôn anh một cái”, để rồi tắt thở ngay trên lưng anh lính trẻ.…

Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động có thật như vậy! Tập sách thật sự là những kỷ niệm vô giá của những người lính chiến!

Tính chân thực đến vô cùng đó là tác giả đã viết về 2 người cha của mình, và cả 2 đều là lính trận. Một là ông Trần Khôi, cha đẻ Trần Khởi (lúc đó ông là Phó chủ nhiệm chính trị Binh trạm 32 thuộc binh đoàn 559) và ông Huỳnh Hữu Anh, cha nuôi của Trần Khởi (lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng).

Ở họ có đầy đủ đức tính của những người cha: thương yêu và lo lắng cho con hết mực. Nhưng điều đặc biệt ở đây là họ cũng là những người lính chiến, nên họ có cách yêu con, chăm sóc con, đùm bọc con theo cách riêng của những người lính chiến. Cha đẻ của Trần Khởi là cán bộ cao cấp của quân đội, ông đã dùng “quyền lực” của mình về tận nhà lôi con vào quân đội, không tuyển, không có giấy gọi, mặc dù con đã có 3 giấy gọi đi học cả trong nước cả nước ngoài.

Và để rồi “tống” đứa con mà ông rất đỗi yêu thương đó lên cao điểm Văng Mu đánh mìn, gác đường, phơi lưng giữa những làn bom đạn Mỹ. Cha nuôi của Trần Khởi thì là một sư đoàn trưởng nhưng khi biết Trần Khởi từ miền Bắc đi vào Nam để được thỏa khát vọng “trực tiếp đánh Mỹ” thì ông đã ôm ấp, che chở, nhận Khởi làm con nuôi, rồi tạo điều kiện cho Trần Khởi thực hiện được ước mơ ấy. Được biết ông cũng có 4 người con trai, thì cả 4 người ông đều cho vào lính đi đánh giặc.

Những người cha là lính trận thời chiến quả thật là có những cách hành xử đặc biệt. Họ là những người cha vĩ đại của một dân tộc vĩ đại! Những thái độ đó, cách sống đó, phẩm chất đó là nguồn sức mạnh nội lực vô tận để góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam ta.

Tính chân thực nữa của tập truyện ký này đó là một vài phác họa về hình ảnh người lính trận sau khi rời quân ngũ. Qua tập truyện ký, chúng ta gặp một người lính đã hơn 10 năm trực tiếp tham gia chiến trận ở một chiến trường rất ác liệt, đã từng là “Kiện tướng đánh mìn cấp 1”, đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 3”, rồi “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2”, đã từng bị thương hàng chục lần.

Bìa cuốn truyện ký
Bìa cuốn truyện ký "Cha và con lính trận".

Thế nhưng khi rời quân ngũ thì bước vào trường đại học, về làm thầy giáo dạy văn ở trường cấp III huyện nhà; rồi lấy vợ sinh con trong một thời kỳ gian khổ nhất của đất nước hậu chiến tranh. Đặc biệt sau đó đã cùng với vợ bươn chãi mọi nghề để nuôi con (như: nấu bia khổ, sản xuất nước ngọt có ga, rượu B1, cao hổ cốt, làm pháo, kẻ bảng biển hiệu,…).

Người lính đó không kêu ca, không đòi hỏi, không công thần… Tôi được biết Trần Khởi còn trồng hoa, viết thư pháp, tham gia để phục hưng hò khoan Lệ Thủy, làm thơ... Phẩm chất người lính trận kiên cường hầu như vẫn còn sôi sùng sục, còn cháy bỏng trong Trần Khởi. Tôi biết đặc tính đó gần như là đặc trưng, là phẩm chất cao quý của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” sau khi rời trận mạc. Thật đáng yêu và thật trân trọng!

Chính Trần Khởi nói điều chân thực này, mà tập truyện ký “Cha và con lính trận” càng đậm thêm giá trị.

Hình ảnh Trần Khởi chính là hình ảnh của tuyệt đại đa số những người lính chiến thời đó và bây giờ vẫn vậy. Tôi đã gặp họ, đã sống với họ, đã chứng kiến những hành động anh dũng và kiên cường của họ, nên giờ đọc tập sách này của Trần Khởi, tôi rất cảm động...

Cảm ơn tác giả Trần Khởi đã viết được một tập truyện hay và hết sức chân thực.

GS.TS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí


 

,