.

Thơ phái đẹp Quảng Bình-những tiếng thầm thì của trái tim

.
08:28, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhà thơ Huy Cận trong bài Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam đã viết: "Chèo mẹ Suốt vang sông, chị Khíu giành lại biển/ Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” để ca ngợi những tấm gương lao động và chiến đấu quên mình của phụ nữ Quảng Bình trong những năm tháng kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược.

Đó là những câu thơ làm náo nức trái tim nhiều thế hệ. Nhưng “gái Quảng Bình” không chỉ tay cày, tay súng, mà còn là những con người có tâm hồn rộng mở. Nhiều thế hệ phụ nữ Quảng Bình đã làm thơ. Với họ, đó là những tiếng thầm thì của trái tim mình.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ-nữ thi sỹ quê Quảng Bình trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bằng tất cả sự đằm thắm, dịu nhẹ và sâu sắc của mình đã sáng tác nhiều bài thơ đi cùng năm tháng.

Dù thời gian mải miết trôi, người Quảng Bình vẫn không quên hình ảnh những cô gái mở đường trong bài thơ Khoảng trời hố bom của bà: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”. Để rồi: "Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh...”. 

Nhà thơ TRẦN THỊ THU HUỀ tại Ngày thơ Việt Nam “Hướng về biên cương Tổ quốc” năm 2019.
Nhà thơ Trần Thị Thu Huề tại Ngày thơ Việt Nam “Hướng về biên cương Tổ quốc” năm 2019. Ảnh: Tiến Hành

Em-khoảng trời con gái-khoảng trời nằm yên trong lòng đất, không thấy khói lửa chiến tranh, không thấy mịt mù tang tóc, chỉ thấy sự hóa thân tuổi thanh xuân vào Tổ quốc vĩnh hằng.  

Một nữ sỹ người Quảng Bình không thể không nhắc đến là nhà thơ Lê Thị Mây, tác giả của nhiều bài thơ viết về người phụ nữ. Trong bài thơ Đôi chim trong lồng ngực có đoạn: “Sâu thẳm tự nơi anh tiếng hát rót vào em/ Tháng ba xinh tươi tháng ba nồng thắm/ Tuổi trẻ anh trên chiến trường thầm lặng/ Cũng rót vào em tiếng hát yêu thương...

Rót vào em mãi mãi bài ca/ Có mùi cỏ cây cháy nồng ngoài trận địa/ Có mùi bùn non giữa đầm lầy truy kích/ Có mùi gỗ dầm lát bánh xe đêm...”. Chỉ một khổ ngắn, nhà thơ đã khắc họa rõ nét chân dung tình yêu đôi lứa thời kỳ cả nước xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ.  “Sâu thẳm tự nơi anh tiếng hát rót vào em” là tiếng hát về tình yêu đất nước. Người con gái hạnh phúc với tình yêu ấy.  

Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quảng Bình cũng là những người vợ không hề tiếc nuối hạnh phúc riêng tư, lặng lẽ tiễn biệt người chồng ra trận: "Lặng lẽ tiễn chồng về nơi tiếng súng/ Lặng lẽ nhìn bóng núi khuất hoàng hôn/ Lặng lẽ sinh con đớn đau ruột thắt/ Lặng lẽ mẹ già ốm buốt mùa đông/ Lặng lẽ chờ chồng mỏi mòn con mắt/ Lặng lẽ bên con mười tám tuổi lại lên đường...".

Đó là những dòng thơ được trích từ bài Lặng lẽ của nhà thơ Đặng Thị Kim Liên. Bài thơ là lời tự sự lắng sâu nhưng không hề ẩn chứa chút gì của thở than hay tiếc nuối. Tâm trạng của người vợ, người mẹ trước chia xa, trước thiệt thòi diễn ra trong sự bình thản đến không ngờ.

Nhưng những cụm từ “bóng núi khuất hoàng hôn”, “đớn đau ruột thắt”,  “ốm buốt mùa đông”, “mỏi mòn con mắt”... đủ cho ta thấu hiểu được những gì đang cồn cào trong nội tâm người phụ nữ. Có điều tất cả đều diễn ra trong lặng lẽ. Điều gì để những con người yếu đuối ấy vượt qua tất cả nỗi cô đơn, niềm thương nhớ và cả dằng dặc đợi mong kia nếu không phải là sự hy sinh vô điều kiện cho hòa bình của đất nước?  

Nếu thế hệ các nhà thơ trưởng thành từ chiến tranh luôn sáng tác trong tâm thế thượng tôn Tổ quốc, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ, thì lớp tác giả nữ xuất hiện trong giai đoạn từ sau tái lập tỉnh lại hướng đến cái tôi cá nhân với những cung bậc tình cảm riêng tư đa chiều.

Vẫn là những “người mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”, nhưng người phụ nữ hôm nay đã dám bứt ra khỏi mọi ràng buộc nặng nề của ý thức hệ. Họ để cho trái tim mình lên tiếng. Hãy xem một người đàn bà có thân phận đa đoan làm thơ: “Bóng Thần Đinh ngã vào thung lũng/ Em quảy vừa một gánh đong đưa...” .

Tác giả Trương Thị Cúc với những câu thơ không ngờ ấy đã nói hộ tiếng lòng nhiều người đàn bà khao khát yêu và được yêu. Hình ảnh quê hương và tâm trạng tác giả tưởng chẳng hề ăn nhập lại được kết nối tinh tế đến bất ngờ. Tác giả Trần Thị Thu Huề cũng đã có những câu thơ viết bằng hết thảy cảm nhận sâu sắc của mình “Gốc bần neo đậu con đò/ Bóng trăng rớt xuống, giọng hò bay lên”.

Chỉ là cảnh làng quê mộc mạc và thân thuộc như ta vẫn gặp, thậm chí có lúc còn vô cảm lướt qua nhưng đi vào thơ bỗng trở nên lãng mạn và quyến rũ đến lạ. Đâu đó, thấp thoáng bóng dáng một tình yêu thơ mộng đang được nhen nhóm âm thầm. Chỉ có ánh trăng là hữu tình, đánh động cho giọng hò ai đó bay lên...

Với cách cảm, cách nghĩ của người phụ nữ, cuộc sống trong thơ phái đẹp Quảng Bình luôn hiện ra thật dung dị nhưng lắng đọng. Không ồn ào, lên gân. Không cầu kỳ trình diễn. Các chị làm thơ là các chị đang thủ thỉ, tâm tình, đang giãi bày, chia sẻ, đang vỗ về, âu yếm tâm hồn nhau.

Trần Thị Hồng Hiếu là tác giả văn nhưng gần đây chị lấy thơ làm nơi gửi gắm tiếng lòng mình. Có những câu thơ riêng tư của chị đã làm tôi cay mắt bởi khi đọc nó trong tôi băn khoăn một câu hỏi nhỏ “Có phải chị đang nói với mình chăng?”. Và tôi tin, sẽ có nhiều những ai đó như tôi: “Thôi, đừng khóc nữa em/ Hãy về với Mạ, hết ưu phiền/ Nhà Mạ có góc sân nho nhỏ/ Mình lại chơi lò cò.../ Thôi đừng khóc nữa em/ Ta ra ngoài đồng chơi nhé/ Đồng quê mát mẻ/ Gió lau nước mắt cho em...”.

Cứ nghĩ chị đang dỗ dành mình đấy nên không thể không rưng rưng. Nhắn cho ai đó, nếu buồn hãy tìm đọc thơ của Hiếu, mắt sẽ ướt nhưng lòng sẽ nhẹ. Thơ phái đẹp không cần gì hơn thế ngoài một tâm hồn trong trẻo và một tấm lòng đôn hậu. Chỉ thế thôi là thơ đã đi vào lòng người.

Trong dòng chảy chung của thơ ca đất nước, những năm gần đây thơ Quảng Bình cũng xuất hiện nhiều khuynh hướng sáng tác mới. Nhiều tác giả nữ đã bắt nhịp được với xu thế của thời đại.

Có thể kể đến Trần Thị Huê, Hoàng Thụy Anh, Hoàng Thúy. Không còn là những câu thơ dịu dàng, nữ tính và e ấp mà họ đã chuyển hướng thi pháp để cho ra đời những bài thơ theo lối cách tân, hiện đại và đi thẳng vào vấn đề. Trần Thị Huê viết: “Tôi gặp anh/ Anh xách tình đi nửa đêm qua bờ cát trắng/ Bàn chân in dấu có mười ngón đa tình/ Tôi học cách ghen mà không làm được...”.

Tất cả được đưa vào thơ rất thật. Người phụ nữ không còn âm thầm, không còn ẩn ức nữa mà bộc lộ tâm trạng trực diện, không né tránh và không giấu giếm điều gì. Như thế sẽ bớt day dứt hơn chăng?! Cũng như thế ở Hoàng Thụy Anh “Người đàn bà sinh ra từ mưa” nhưng không thật thà như thơ Huê. Hoàng Thụy Anh với những câu thơ ướt đẫm mà lạ kỳ thay càng đọc càng thấy lửa ngùn ngụt cháy. Tôi gọi đó là lửa khát. Không có gì lạ, người phụ nữ vốn vậy, luôn tham lam tình cảm, chỉ là lâu nay không có ai nói ra thôi.

Hoàng Thụy Anh nói hộ mọi người: "Em sẽ xé rách mọi khoảng cách/ buồn vui/ khổ đau hạnh phúc/ dối trá chân thành/ muôn trùng gần gũi/ đang nhảy múa nơi anh/ để anh thổn thức rực rỡ ấm nóng/ trên hình hài em/ trên nham thạch em/ suốt đời/ em tin như đã từng tin/ không ai dư thừa hồn nhiên mua hay trả góp dăm ba mớ trùng phức/ anh hãy tưới lên em/ một cách chân thành nhất có thể/ được không anh/ được không anh/được không anh”.

Nếu Trần Thị Huê thật thà, Hoàng Thụy Anh tinh tế thì Hoàng Thúy là một giọng thơ hiền lành: “đôi khi chẳng biết lòng buồn hay vui/ chỉ thấy hạnh phúc mắc kẹt giữa bàn tay nhìn không ra năm ngón/ để lạc trái tim gầy và cả nỗi nhớ mong manh/ em muốn thương mình hơn sau những ngày chông chênh/ dẫu mùa đã khô khốc/ hoa cúc nào vừa chết trên nụ môi trinh nguyên/ Vẫn là những khóc, cười cứ đến rồi đi”. Đường đi của thơ bắt đầu từ trái tim và sẽ trở về rung cảm trái tim. 

Người con gái trong thơ Hoàng Thúy mong manh hình hài, mong manh tình yêu và đa chiều tâm cảm. Nhưng cuộc sống cứ trôi như khóc cười đến rồi đi và tình yêu của em cũng vậy. Không có gì lạ, bản nguyên của cuộc đời là hạnh phúc và khổ đau. Vậy nên, em vẫn sẽ yêu như đã từng yêu dẫu cho “hoa cúc nào vừa chết trên nụ môi trinh nguyên”. Phải chăng, đã yêu thì không cần thương lượng?!

Thơ phái đẹp Quảng Bình là tiếng thầm thì của trái tim. Hình ảnh người phụ nữ với mọi cung bậc tình cảm được các tác giả bày tỏ thông qua những cảm nhận tinh tế và sâu sắc. Có hy sinh và mất mát. Có hạnh phúc và khổ đau. Có khát khao dâng hiến và thất vọng chìm sâu.

Nhưng vào thơ, tất cả hiện ra nhẹ nhõm và tinh khiết. Chỉ lắng lại rất dày trong người đọc sự trân trọng và những tình cảm mến yêu trong trẻo. Phụ nữ Quảng Bình trong thơ nữ Quảng Bình gan góc can trường, chịu thương, chịu khó và mênh mông yêu thương.

Trương Thu Hiền

 

,