.

Người giữ "hồn" cho làng biển

.
10:57, Chủ Nhật, 17/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ở cái tuổi 87, nghệ nhân Đậu Thị Miên được người dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) trìu mến gọi là người giữ “hồn” của làng biển. Bởi lẽ, hơn 60 năm qua, bà Miên luôn được chọn giữ vai trò hò cái (hát chính) trong điệu hò đưa linh chèo cạn trong lễ hội cầu ngư và đám ma cá Ông…
 
Cầu nối tâm linh
 
Không chỉ giữ vai trò là người hò cái, trong suốt hàng chục năm qua, nghệ nhân Đậu Thị Miên đã có rất nhiều cố gắng trong việc khôi phục, truyền dạy điệu hò đưa linh chèo cạn và các làn điệu hò khoan biển cổ xưa, những thứ mà bao thế hệ người dân làng biển Đức Trạch coi như “hồn” của làng mình.
 
Đức Trạch có hơn 85% dân số làm nghề đi biển, còn lại làm nghề chế biến nước mắm, buôn bán nhỏ. Hiện nay, toàn xã có đội tàu đánh bắt xa bờ gần 300 chiếc, với công suất máy từ 90 đến 1.000CV, hoạt động chủ yếu ở các ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa. Quanh năm mưu sinh trên biển, ngư dân Đức Trạch phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trước phong ba bão táp của đại dương mênh mông.
 
Cũng như các làng biển khác ở khu vực miền Trung, ngư dân Đức Trạch xem cá voi là loài vật linh thiêng, tôn thờ như một vị thần của biển cả. Cá voi được ngư dân gọi một cách tôn kính bằng nhiều tên gọi khác nhau như: cá Ông, Đức Ông hay thần Nam Hải... Ngư dân Đức Trạch tin rằng cá voi đã nhiều lần trợ giúp tàu thuyền của làng không bị chìm trong gió bão.
 
Để tri ân và tỏ lòng kính trọng, từ rất lâu, ngư dân Đức Trạch đã lập miếu thờ cá voi ở một gò đất cao đầu làng gọi là Dinh Nam Hải. Hàng năm, cứ đến ngày 15-2 (âm lịch), người dân xã Đức Trạch lại tề tựu đông đủ về đây để tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng và ngư dân gặp nhiều may mắn trong việc đánh bắt hải sản trên biển.
 
Theo bà Miên, trong lễ hội cầu ngư ở Đức Trạch, điệu hò đưa linh chèo cạn được xem là linh hồn, là cầu nối tâm linh mà ngư dân muốn tri ân, gửi gắm những ước muốn lên đấng thần linh biển cả.
 
Vì lẽ đó, người giữ vai trò hò cái trong lễ hội thường được ngư dân lựa chọn rất kỹ càng, không chỉ là người hát hay, múa giỏi mà phải xinh đẹp và đức hạnh mới được chọn. Và hàng chục năm nay, ngư dân Đức Trạch đã tin tưởng chọn bà Miên giữ vai trong hò cái, như là cầu nối tâm linh giữa họ với thần Nam Hải và bà đã luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách mà làng giao phó.
Năm nay đã ở tuổi 87 nhưng giọng hò của bà Miên vẫn khỏe khoắn, thanh trong lạ thường.
Năm nay đã ở tuổi 87 nhưng giọng hò của bà Miên vẫn khỏe khoắn, thanh trong lạ thường.
Để chứng minh câu chuyện của mình, bà Miên đã hào hứng hò luôn cho chúng tôi nghe mấy câu: “Tiếng đồn Nam Bắc gần xa/Anh minh Đức Cố, Đức Bà ngày xưa/Vạn làng hầu chực sớm trưa/Dân tình khấn nguyện, nắng mưa nhờ ngài...”. Ở cái tuổi xưa nay hiếm mà giọng hò của bà Miên vẫn khỏe khoắn, thanh trong lạ thường.
 
Miệt mài gìn giữ và truyền dạy
 
Bà Đậu Thị Miên sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân ở làng biển Đức Trạch. Từ nhỏ, chứng kiến lễ hội cầu ngư, được nghe các o, các bà hò đưa linh chèo cạn, bà Miên đã rất thích thú, đam mê. Năm 20 tuổi, cô Miên được các bậc cao nhân trong làng nhìn ra tài năng ca hát và chọn đưa vào đội văn nghệ của lễ hội cầu ngư để truyền dạy.
 
"Lúc đầu, tôi chỉ được tham gia vào tổ múa bông của đội chèo cạn, song vốn có giọng ca khá, lại sẵn có tinh thần đam mê, nên tôi quyết tâm xin học diễn xướng và được các o, các bà tận tình truyền dạy. Sau một thời gian, nhờ chịu khó học tập và rèn luyện, tôi đã được chọn để trở thành nữ hò cái của đội hò đưa linh chèo cạn của làng và giữ vai trò đó hơn 60 năm qua”, bà Miên tâm sự.
 
Theo lời bà Miên, cũng có một thời kỳ dài trước và sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ, bom đạn phá hỏng đình chùa, miếu mạo ở xã Đức Trạch, cùng với cuộc sống khó khăn của người dân, lễ hội cầu ngư bị bỏ lửng, điệu hò đưa linh chèo cạn vì vậy mà trầm lắng, mai một. Những năm thời kỳ đất nước đổi mới, nghề biển ở Đức Trạch phát triển mạnh, các lễ hội truyền thống của làng được khôi phục.
 
Tuy vậy, ngoài lớp người lớn tuổi như bà Miên, lớp trẻ ở Đức Trạch lại tỏ ra không mấy hào hứng với những làn điệu chèo, hò cổ. Đứng trước thực trạng đó, bà Miên ngày đêm trăn trở làm thế nào để duy trì được những điệu hò mang đậm bản sắc văn hóa làng biển mà cha ông đã để lại.
 
Với niềm đam mê đã ăn vào máu thịt, quyết tâm không thể để cho di sản văn hóa quý báu của quê hương bị mai một, từ năm 1987, ngoài việc cùng các bậc cao niên, trưởng thượng trong làng duy trì tổ chức lễ hội cầu ngư, đảm nhận vai trò hò cái, bà Miên bắt đầu đứng ra tổ chức truyền dạy múa bông, chèo cạn và các làn điệu hò biển khác cho thế hệ trẻ.
 
Bà Miên tâm sự: “Lúc đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ kinh phí để hoạt động mà lớp trẻ của làng hầu hết đều không hào hứng. Không nản lòng, tôi kiên trì đến từng nhà vận động, đồng thời sáng tác thêm nhiều lời diễn cho phù hợp. Dần dà, mọi người cũng hiểu ra, việc làm của tôi chính là đang giữ gìn nét văn hóa, cái “hồn” của làng mà cha ông đã để lại và ai cũng ủng hộ…”.
 
Đến nay, bà Miền đã tổ chức được 5 lớp truyền dạy múa bông, chèo cạn, mỗi lớp từ 10 đến 20 người. Ngoài những người yêu thích văn nghệ nhân gian, bà Miên cũng đã tổ chức được nhiều lớp múa bông, chèo cạn cho học sinh trong xã và nhiều xã vùng biển khác trong huyện, như Thanh Trạch, Hải Trạch, Phú Trạch…
 
Với những đóng góp to lớn của mình, bà Đậu Thị Miên vừa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với bà Miên khi bước vào tuổi xưa nay hiếm, là bà đã tìm ra được những học trò xuất sắc có thể thay mình đảm nhận vai trò hò cái trong các lễ hội cầu ngư của làng, đó là các bà Hồ Thị Dược, Trương Thị Dược, Trương Thị Tư…
 
Box: “Lễ hội cầu ngư đối với người dân xã biển Đức Trạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong đó, những người được chọn giữ vai trò hò cái chính là cầu nối tâm linh giữa ngư dân và đấng thần linh phù trợ nghề biển.
 
Hàng chục năm qua, bà Miên đã đảm nhận rất tốt vai trò này, không những thế, bà còn miệt mài truyền dạy cho thế hệ đi sau để duy trì và phát triển những bản sắc văn hóa truyền thống của làng biển mà cha ông đã để lại…”, - ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch chia sẻ.
 
Phan Phương
,