.

"Ngọn gió" từ một làng quê truyền thống

.
10:51, Thứ Năm, 14/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) thơ làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) vừa kỷ niệm 25 năm thành lập và ra mắt tập thơ thứ 6 “Ngọn gió Lào”. Là một làng quê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, cùng với nghề làm nón lá khắp nơi biết tiếng, Thổ Ngọa còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian phong phú, như hát phường nón, hội bài chòi, cùng phong trào sáng tác, xướng họa thơ khá sôi nổi, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
 
Năm 1993, từ tâm huyết của nhiều cây bút trong làng, CLB thơ Thổ Ngọa được thành lập, do ông Đỗ Hữu Tình làm chủ nhiệm. Từ khi ra đời, CLB đã có 4 thành viên đi xa nhưng hiện vẫn duy trì 11 cây bút, gồm 9 nam, 2 nữ, phần lớn ở độ tuổi từ 75-90, người trẻ nhất gần 60 tuổi.
 
Ngót 25 năm qua, ngoài 2 tập thơ lưu hành nội bộ là “Hoa đầu mùa” (1998) và “Linh Thủy dòng thơ” (2008), CLB đã xuất bản được 3 tập thơ phát hành rộng rãi gồm “Thổ Ngọa làng tôi” (2002) và “Người thơ không tuổi” (2003).
 
Năm 2013, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, CLB đã ra mắt bạn đọc tập thơ “Tuổi hai mươi” - Nhà xuất bản Thuận Hóa. Năm 2018, CLB xuất bản tập thơ thứ 6 “Ngọn gió Lào” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
 
Ngoài 70 bài thơ của 11 thành viên, tập thơ còn có mục “Cùng xướng họa” và mục “Bạn bè giao lưu”, nhiều tác giả trong, ngoài tỉnh đã gửi bài tham gia. Xuyên suốt tập thơ là những chủ đề gần gũi với cuộc sống. Nổi bật là các bài thơ ngợi ca Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu, viết về mẹ, về người lính, quê hương, biển đảo, về những xót xa thế sự… 
Trang bìa tập thơ “Ngọn gió Lào” của CLB Thơ Thổ Ngọa.
Trang bìa tập thơ “Ngọn gió Lào” của CLB Thơ Thổ Ngọa.
Nhiều bài thơ tích cực ngợi ca cái đẹp, cái thiện; phê phán cái xấu, cái ác… Chỉ lướt qua mấy nét, cũng đủ cho chúng ta cảm nhận những cung bậc trữ tình, khát khao, đồng vọng… có trong ấn phẩm này: "Mẹ ngồi bên võng ầu ơ/Lạy trời cho một chút mưa ngọn nồm/Bàn tay khô vuốt lá non/Nón tròn vành vạnh mẹ mòn tuổi xuân…/Quê mình lửa nước nghiêng trời/Can trường chất phác lòng người không nghiêng" (Ngọn gió Lào - Đỗ Thành Đồng).
 
Thể hiện thái độ trân trọng trước những cống hiến, hy sinh của người lính khi phải để lại một phần thân thể ở chiến trường, tác giả Trần Duy Nghiêm có cái nhìn hết sức độc đáo: "Anh cày một tay/Đường cày khó thẳng/Vừa cày vừa ngẫm/Đường đạn chiến trường/Bộ mặt kẻ thù/Chiến công đồng đội/Nẻo đường ra trận/Anh nhớ không nhầm" (Trò chuyện với người thương binh).
 
Ở tuổi tám mươi, tác giả cảm nhận về mùa xuân tươi tắn, trẻ trung, làm lòng ta không khỏi xao xuyến, bâng khuâng: "Mùa xuân/Anh cầm tay em/Dạo vườn ngắm quả/Mùa xuân/Em không nhắc thì anh vẫn nhớ/Về những mùa xuân xa xưa/Mẹ cha lo gánh nước đổ đầy vại, bể/Lo tìm chổi quét nhà/Lòng dọn những mơ ước đơn sơ.
 
Để bây giờ/Chúng mình được trọn vẹn ước mơ/Độc lập tự do/Áo đẹp cơm ngon/Đường lên sao Hỏa sao Kim/Cõi lạ đang chờ/Và cả nụ hôn mùa xuân/Rơi trên má em/Chẳng bất chợt bất ngờ/Mùa xuân/Con ong đi kiếm mật/Con bướm vàng nhởn nhơ/Nụ hoa đào hé nở…". 
 
Cảm xúc của người thơ này không tầm thường tuôn chảy một chiều, mà có lúc còn bật lên những suy tư, trăn trở… trước những cảnh đời trớ trêu, hư thực, khiến người đọc không thể dửng dưng.
 
Bằng tình yêu biển đảo thiêng liêng, tác giả Trần Đình Hiệp thổ lộ: "Xin lỗi tiền nhân, chưa một lần ra thăm mộ gió!/Tiền sử hùng bi khắc khoải trong tim…" (Những ngôi mộ gió). Bày tỏ tình yêu của mình đối với tiếng “mẹ đẻ”, ông còn viết: "Dịu dàng tiếng Việt thân yêu/Lời ru còn đó, câu Kiều còn đây!/Vọng phu núi đá ai xây?/Mà câu ca Việt ngân đầy mai sau/Vẫn lời buồng chuối, vườn cau/Rách lành đùm bọc thương nhau nhớ nhiều" (Dịu dàng tiếng Việt).
 
Một ý nghĩ khác tuy không mới nhưng còn ít người để tâm, tác giả Bùi Thị Tâm muốn nhắn tới những con em đi xuất khẩu lao động: "Lối sống nước ngoài khác nước ta/Có tiền đừng có vội xa hoa/Kiệm cần liêm chính đừng quên lãng/Nề nếp gia phong giữ đạo thường” (Nhắn người đi lao động ở nước ngoài).
 
Trong đêm Nguyên tiêu, đọc thơ Bác càng thấm thía công ơn của Bác, tác giả Nguyễn Thêm, 90 tuổi đã khắc họa đậm nét: "Tác phẩm thăng hoa giàu nghĩa nước/Hương đời tung cánh đượm tình dân/Nguyên tiêu thơ Bác hồng trang sử/Công đức muôn đời bậc vĩ nhân" (Thơ Bác hồng trang sử). Tự hào khi nói về nghề nón, nghề truyền thống của làng, tác giả Nguyễn Trung Định chia sẻ: "Chẻ tre vót nứa cha lo sớm/Chọn lá luồn kim mẹ ráng chiều" (Nghề nón).
 
Đưa thể nghi vấn vào thơ, tác giả Trần Thị Ròn muốn đặt một dấu chấm hỏi trước nỗi đau của rừng: "Thương rừng bị đốn ngổn ngang/Đồi xanh thiêu rụi, mùa màng cháy khô/Hỏi rằng nguồn nước ở mô/Rừng xanh tạo suối mới mơ sông ngòi" (Đau rừng).
 
Và rồi, dẫu biết mảnh đất quê mình lắm núi nhiều sông, bão giông, lũ lụt luôn chờ chực nhưng tình người bao dung đã cho ta lạc quan để chiến thắng thiên nhiên: "Yêu thương nắn nót câu thề/Bão giông qua, cỏ bờ đê vẫn hiền/Tình người vỗ mộng bình yên/Em ơi cứ thế qua miền bão giông!" (Qua miền bão giông - Đỗ Thành Đồng).
Các đại biểu và thành viên CLB Thơ Thổ Ngọa tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập CLB.
Các đại biểu và thành viên CLB Thơ Thổ Ngọa tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập CLB.
Có thể nói, không chỉ “Ngọn gió Lào” mà 5 tập thơ khác của CLB thơ Thổ Ngọa trong 25 năm qua đều như những ngọn gió cuốn hút người đọc, ngọn gió từ một làng quê truyền thống, địa linh nhân kiệt. Lật lại tập thơ thứ 5 “Tuổi hai mươi”, trong phần lời tựa, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Tăng đã viết: “Sân chơi văn hóa ngời tâm sáng/Thổ Ngọa danh hương chẳng thất truyền”.
 
Quả vậy, bắt gặp những câu thơ trong Sợi rơm của Đỗ Thành Đồng, Rét quê của Trần Duy Nghiêm, Trường Sa - Đơn Sa của Nguyễn Hùng Tiến…, nguồn cảm hứng vẫn bám riết lấy tâm hồn người đọc.
 
Trân quý giá trị sự miệt mài của các cụ, các ông, bà..., vì yêu thơ, yêu lao động nghệ thuật, họ đã gắn bó với CLB 1/4 thế kỷ, bằng cả tinh thần và vật chất, mang đến giá trị không thể đo đếm cho đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.
 
Nguyễn Tiến Nên
 
,