.

Bạn vong niên

.
07:19, Thứ Hai, 04/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Khách đến đúng lúc ông đang giận con, buồn bực cứ trào lên khiến người như bốc hỏa. Ông tự "làm mát" bằng cách lơ đãng ngó mấy luống rau sau vườn rồi lấy xe chạy lòng vòng quanh phố, cố xoa dịu trong bất lực. Sự xuất hiện đột ngột của vị khách khiến bực dọc trong ông tan biến. Nhưng chuyện khách để sau, nên tiếp tục chuyện về đứa con đang làm ông phiền lòng, hại não.

Ngay từ nhỏ, con trai ông đã rất hay lí sự; đến ba mẹ mà theo cách “cha mẹ nói oan quan nói hiếp”, nó cũng phản pháo liền. Khi con học xong đại học rồi đi làm, ông phấp phỏng lo; không phải năng lực chuyên môn mà chính cái tính hay cãi của nó dễ làm hư sự. Ông chỉ giáo cho con vài đường cơ bản về nết nói năng, ăn ở nơi công sở; lời cha bao đồng nhưng gọn lại là, phải cần mẫn, cầu thị, tôn trọng, phục tùng cấp trên, không “ngựa non háu đá”…

Thấy con chỉ cười cười và luôn mồm “con biết rồi, biết rồi”, ông đoán lời mình như gió thoảng mây bay, chắc chẳng có kí lô nào với nó. Và rồi, nỗi lo mơ hồ của ông biến thành thất vọng ê chề ngay khi nó mới là công chức tạm tuyển.

Vào làm việc chưa lâu thì nó phát hiện sếp tòm tem với cô nhân viên tài chính cơ quan, dù cả hai đã vợ chồng con cái đề huề. Hai người thường dẫn nhau “đi làm việc với đối tác”, có khi giữa trưa hay lúc tan tầm.

Sau mấy lần thấy họ ngang nhiên "thả dê" trong cơ quan, cậu gai mắt không chịu được, bèn đưa ra cuộc họp góp ý lãnh đạo cuối năm. Tất nhiên, chẳng dám điểm mặt chỉ tên, càng không thẳng băng như thước thợ nhưng sếp dư biết đích đến của những lời ám chỉ như quăng chài của kẻ vừa thò chân vào cơ quan.

Thế rồi, lời thành thật không chia lìa được đôi gian dâm để đưa họ quay về đường ngay nẻo thiện mà chính cậu bị sếp đì không ngóc đầu lên được. Từ giờ giấc, mang mặc, ăn nói của chàng công chức tạm tuyển đều bị sếp soi như dùng kính hiển vi soi vi trùng. Cũng giống như cách người ta đối xử với vi trùng, cậu bị sếp cảnh giác, cách li. Không chịu được thói thù vặt nhỏ nhen, cậu nhìn thẳng mặt sếp, nổ một trận tanh bành rồi bay thẳng.

Nghe con thuật lại sự vụ, người cha nói như rên: “Đụng vào thứ dữ đó làm gì cho sinh chuyện. Sao không ngó lơ cho lành!?”. Con vẫn chưa thôi ấm ức: “Tư cách rách nát nhưng ông ta cứ vênh mặt dạy đạo đức cho người khác, con không chịu được”. 

Ông nhìn con, dằn từng tiếng: “ Con-nói-thế thì được gì? Chẳng phải nói ra sự thật nào cũng có lợi đâu!”. Con giật mình: “Ba vẫn dạy con trung thực, thật thà…”. Ông ừ à, thoáng lúng túng rồi tung hỏa mù chế áp: “Nhưng phải biết ăn theo thuở ở theo thời chứ!”. Người con nhăn mặt, bất bình: “Rắc rối quá!”,  rồi bỏ đi.

Thôi mộng công chức, con ông trở thành thợ trong một công ty nước ngoài chuyên lắp ráp đồ điện tử. Nghe nói lương khá, lại thấy con được biểu dương trên báo, mới vào làm đã rinh phần thưởng, ông mừng. Càng mừng hơn, khi ông thấy nó cần mẫn, say mê công việc, dù ốm mệt vẫn không rời nhiệm sở. Thế rồi, người cha chưng hửng, tan hết mừng vui khi con đột ngột nghỉ việc.

Ông gặng hỏi nguồn cơn thì được biết, nó xung đột với tay quản lý người nước ngoài. Theo đó, tay này hách dịch, rất hay chửi công nhân theo kiểu “súc vật hóa”; lại còn cố tình chấm giờ làm thêm ít lại, gây thiệt hại cho người làm. Nhiều người ấm ức nhưng nín nhịn hoặc tặc lưỡi cho qua.

Con ông thì khác; đã mấy lần dẫn đồng nghiệp lên văn phòng công ty chất vấn giám đốc và đưa ra yêu cầu “được tôn trọng, đối xử công bằng”. Sau hòa đàm căng thẳng, yêu cầu được chấp nhận; trong khi nhiều người phấn khởi thì cậu bị buộc thôi việc, với cái cớ công ty không có nhu cầu gia hạn hợp đồng.

Con chưa kể hết, cha đã nhăn mặt, lắc đầu, buông tiếng thở dài: “Sao không cân nhắc thiệt hơn, bẻ nạng chống trời làm gì?! Vả lại, đó là việc của công đoàn chứ đâu phải của mình mà vơ vào cho mệt xác!”. Con giãi bày, vẻ bức xúc: “Đã mấy lần kiến nghị nhưng có được đâu”. Giọng ông cay đắng, xót xa: “Được thì mọi người cùng hưởng, thiệt thòi thì chỉ mỗi mình chịu”. Con khoát tay: “Ba đừng nói thế!”.

Thấy con trở về vạch xuất phát-tìm việc, ông giận hơn là buồn; cứ chì chiết trong câm lặng: “Đã mấy lần ăn quả đắng nhưng sao không sáng mắt ra? Đã thế, sẽ còn trả giá nữa!”. Biết cha đang chán mình nên cậu không dám manh động; đến ăn ngủ đi đứng cũng khẽ nhẹ như người có lỗi. Ngoài những lúc vào mạng tìm kiếm thông tin việc làm, cậu lại nằm dài trên ghế phòng khách; cái điều khiển ti-vi trong tay chốc chốc lại ngước lên, gục xuống như khẩu súng và màn hình loa lóa đổi theo.

***

Khách đến cùng tiếng còi ô-tô ầm ĩ từ ngõ như khiêu khích giữa trời khiến ông ngơ ngác, khó chịu. Từ trên xe, người đàn ông đứng tuổi nhưng tươi trẻ trong quần bò áo phông bước xuống. Khách chống nạnh, nghiêng nghiêng cái đầu chớm bạc, nheo mắt nhìn chủ nhà như muốn hỏi, ai đây. Ông sững người, bối rối, quay lại đuổi con chó đang gào điếc tai rồi căng mắt. Sau tiếng “a” “ ôi” kéo dài, ông thảng thốt gọi tên bạn rồi cả hai nhào tới ôm nhau.

Họ là bạn từ thời đi lính. Hồi ấy, bạn ông (vị khách vừa đến) đã nổi tiếng cả tiểu đoàn bởi những suy nghĩ, việc làm khác người. Nhiều chục năm trôi qua, thời gian bào mòn sắc vóc khiến ai cũng biến dạng nhưng tính cách riêng có của bạn khiến ông nhớ mãi.

Nhớ những lần thảo luận chính trị, trong khi đồng đội ngang nhiên gọi tổng thống chế độ cũ là “thằng” thì bạn chỉ kêu “ông”. Bị các chiến hữu vây lại chất vấn, anh thản nhiên: “Ba mẹ tôi bảo không được hỗn với người lớn”. Có người không đồng tình với anh nhưng cũng chẳng thể bắt người con ngoan làm trái lời cha mẹ.

Lúc rảnh rỗi, anh thường ôm ghi-ta ca những tình khúc lãng mạn thời trước. Chỉ huy phê bình, anh thôi hát thì lại khe khẽ huýt sáo những giai điệu làm nghiêng ngã con tim. Bị cho là tiêm nhiễm tàn dư văn hóa độc hại, anh bị đưa ra kiểm điểm.

Trước những ý kiến nặng nề của đồng đội, anh bộc trực: “Suốt ngày lăn lê bò toài, người lúc nào cũng căng như bị chuột rút! Cũng phải có lúc thư giãn tâm hồn chứ!?”. Câu nói rất “mất quan điểm” ấy khiến anh bị gọi lên gặp trung đội trưởng mấy lần.

Vụ hát hò chưa lắng thì đến việc anh “tiếp tay cho con buôn”. Chuyện là khi lên đèo Phượng Hoàng chặt nứa về làm lán, anh giúp chị chủ quán giải khát trước cổng đơn vị mang mấy ký cà phê từ cao nguyên về đồng bằng; chỉ cần qua khỏi đèo là được gấp đôi. Bị quản lý thị trường bắt, công văn bay về đơn vị và anh phải đứng nghiêm trước những ánh mắt ghẻ lạnh lẫn thương cảm của đồng đội. Người thì cho anh chia chác trong vụ này, kẻ bảo anh chỉ vì lòng trắc ẩn, không xơ múi gì; lời ràng buộc, lại có lời cởi mở; sau cùng anh chỉ bị nhắc nhở.

Tuy nhiên, vụ tai nạn sau đó không lâu thì anh chia tay đời quân ngũ. Trước khi vào lính, anh từng lơ xe nên cũng đã cầm vô-lăng chút ít và rất máu tốc độ. Rảnh rỗi, anh thường la cà xuống nhà xe trung đoàn, chờ mấy lái xe sai vặt. Anh cũng chui gầm, mồ hôi đẫm áo, dầu mỡ tèm lem; ấy là chiêu “khổ nhục kế” nhằm đổi lấy vài phút vi vu trên buồng lái.

Bởi sau mỗi lần bảo dưỡng xe, mấy tài xế cho anh cầm vô-lăng lượn một vòng quanh sân bóng đơn vị, chỉ cần thế là cười trắng răng đỏ lợi. Một lần anh lùi xe vào nhà, tông “cái rầm” vào bức tường, nhà xe đổ sụp, mọi người hốt hoảng… Anh phải chia tay đồng đội trong bẽ bàng.

… Họ ngồi với nhau từ khi bóng nắng đổ dài trên sân cho đến lúc co lại dưới hàng cau trước ngõ; hai cốc bia bao lần đầy vơi, vơi đầy. Chuyện giữa họ lan man xa gần, từ thời lơ ngơ vào lính đến những ngã rẽ cuộc đời rồi dừng lại chuyện con cái. Nghe khách hỏi con, ông thở dài: “Đang chán đây, ông ạ”.

Trước vẻ há hốc, ý chừng đang hóng chuyện của khách, ông trải lòng về đứa con khó bảo, từ khi đi học cho tới lúc đi làm. Nghe xong, khách ngồi lặng lúc lâu rồi cất giọng từ tốn: “Quả như ông nói thì cháu hay đấy chứ, nó có sai gì đâu. Sao nỡ chê người trung thực như nó nhỉ?!”. Ông đang bối rối thì khách đã đứng lên gọi với xuống nhà dưới: “Con trai đâu, trình diện coi!”.

Chàng trai bước lên, hai tay khép nép trước người, chào khách. Khách gật, chỉ ghế trống bên cạnh, vào đề luôn: “Chú vừa nghe qua chuyện về cháu; giờ cháu định làm gì?”. Chàng trai nhăn nhó: “Cháu đang oải, cũng chưa biết làm gì, chú ạ”. Khách nhíu mày, im một lúc rồi cất giọng thân tình, dứt khoát: “Thôi được rồi, cháu về công ty chú đi. Công ty kinh doanh-dịch vụ đa ngành, cháu có thể chọn việc mình thích”. Gương mặt trẻ đang u ám bỗng rạng rỡ. Người cha khấp khởi mừng bởi vừa cởi được nỗi lo đeo đẳng.

Giọng con phấn chấn mỗi khi kể về chỗ làm mới khiến ông phần nào yên tâm. Nhưng nghe bạn nói, niềm vui trong ông mới được khẳng định. Ông gọi điện hỏi về con, bạn hồ hởi: “Nó kết chỗ tôi; tôi thì muốn kết bạn với nó đây”. Ông giật mình: “Hả?”. Đáp lại là giọng nghiêm túc: “Có gì đáng ngạc nhiên đâu; đơn giản là nó được việc và ngay thẳng, hợp tính tôi”, kèm theo là tiếng cười sảng khoái.

Ông chột dạ khi nhớ lại những ý nghĩ méo mó về con lúc trước.

Truyện ngắn Nguyễn Trọng Hoạt

 

,