.

Thêm yêu Quảng Bình qua các công trình địa chí

.
07:34, Thứ Hai, 18/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Theo dòng lịch sử, việc viết địa chí về vùng đất Quảng Bình được phát khởi từ lâu, thể hiện qua các công trình nghiên cứu lịch sử của mỗi triều đại và đọng lại nhiều nhất vẫn là các tác giả, như: Nguyễn Trãi, Dương Văn An, Lê Quý Đôn...với các công trình nổi tiếng, đó là Dư địa chí, Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục. Nối tiếp truyền thống đó, sau này, những người con Quảng Bình đã chắp bút viết tiếp những trang địa chí các huyện, làng, xã với những nội dung, phong cách thể hiện khác nhau.
 
So với các địa phương khác trên cả nước thì tỉnh Quảng Bình là địa phương có nhiều công trình địa chí được xuất bản khá đầy đủ về các mặt, như kiến trúc, lịch sử, ẩm thực, lễ hội, tôn giáo…Công trình địa chí với quy mô cấp huyện, xã, làng cũng được biên soạn cẩn thận, xuất bản kịp thời và phát hành rộng rãi.
 
Hiện tại, chúng tôi đang có một số công trình địa chí tiêu biểu của các làng, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được viết dưới nhiều dạng khác nhau. Có công trình chuyên về địa chí của 1 làng, 1 xã, 1 huyện hoặc thành phố; có công trình chuyên về địa chí nhưng dưới dạng 1 đề tài nào đó thuộc lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, lễ hội, phong tục, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, diễn xướng dân gian; có công trình chuyên về dân tộc thiểu số.
 
Chung quy lại, các công trình này đều như những bộ bách khoa thư về vùng đất, con người Quảng Bình. Và có đọc các công trình này mới thấy được người Quảng Bình giàu sức sáng tạo đến nể phục, dẫu qua thời gian, chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng trong họ vẫn luôn giữ mãi những nét văn hóa truyền thống của cha ông.
 
Các công trình mang chủ đề viết riêng địa chí của 1 làng, xã, huyện, thành phố mà các tác giả chủ yếu là Nguyễn Tú, Trân Văn Chường, Nguyễn Viết Mạch, Lê Thái Sơn, Phan Xuân Thiết, Lê Trọng Đại, Trần Hữu Danh, Văn Lợi, Trần Đại, Đỗ Duy Văn với các công trình: Địa chí Xuân Kiều, Địa chí xã Thanh Trạch, Địa chí làng Cổ Hiền, Địa chí làng Thuận Bài, Địa chí Bảo Ninh, Địa chí Đồng Hới, Địa chí Lệ Sơn, Địa chí Trường Dục, Địa chí văn hóa miền biển Quảng Bình, Địa chí làng Kim Nại...
 
Hầu hết các công trình này cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về quá trình hình thành làng, xã xưa, những giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất, những con người đã làm nên lịch sử, những dấu ấn riêng có của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Một số công trình địa chí về vùng đất Quảng Bình.
Một số công trình địa chí về vùng đất Quảng Bình.
Hoặc riêng tác giả Nguyễn Tú, ngoài các công trình địa chí nổi tiếng mà ông đã từng công bố, thì gần đây, bộ sách 4 tập về văn hóa dân gian Quảng Bình do ông chắp bút đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản (tập 1: Địa danh, tập 2: Lời ăn tiếng nói, tập 3: Phong tục tập quán, tập 4: Văn học dân gian).
 
Nhìn chung, bộ sách này đã là một bách khoa toàn thư về Quảng Bình dưới nhiều góc độ: ngôn ngữ dân gian, văn hóa dân gian và lễ nghi dân gian. Qua bộ sách, hình ảnh vùng đất, con người Quảng Bình càng trở nên đẹp đẽ, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
 
Cũng có nhiều công trình tuy không mang tên địa chí nhưng bên trong nó lại là một dạng địa chí với đủ các nội dung từ quá trình thành lập làng, xã, đến những phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ nghi, lễ hội, diễn xướng dân gian, tôn giáo…
 
Đây là những công trình mang tính tổng hợp của một dạng địa chí,như:  Làng Pháp Kệ xưa và nay, Núi Thần Đinh-Chùa Kim Phong cội nguồn và kết nối; Quảng Bình dấu ấn lịch sử và văn hóa; Tiền sử Quảng Bình; Chợ quê Quảng Bình; Văn hóa dân gian huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Tang chế-cúng kỵ và tế tự dân gian tỉnh Quảng Bình; Nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của cư dân Quảng Bình; Giếng nước, hồ nước và đầm phá trong sinh hoạt đời thường và trong tâm thức dân gian người dân Quảng Bình; Công nông ngư cụ và đồ gia dụng vùng sông nước Kiến Giang-Nhật Lệ; Thuần phong mỹ tục phụ nữ Quảng Bình của các tác giả Phan Xuân Thiết, Nguyễn Văn Nhĩ, Trần Văn Chường, Lê Đình Phúc, Đặng Thị Kim Liên, Đỗ Duy Văn, Nguyễn Văn Tăng, Đặng Thị Kim Liên.
 
Nói đến Quảng Bình, không thể không nhắc đến các làng biển và suốt thời gian qua, các nhà nghiên cứu ở Quảng Bình, Huế, Hà Nội đã dày công đến đây điền dã, sưu tầm, ghi chép để làm nên những công trình văn hóa dân gian làng biển tiêu biểu, đó là Thái Vũ, Trần Đình Hiếu với công trình Xứ Ròn-Di Luân thời gian và lịch sử, Sơn Hà Nguyễn Viên với sách Làng biển Cảnh Dương, Nguyễn Quang Lê, Trương Minh Hằng, Đặng Diệu Trang, Lưu Danh Doanh với sách Văn hóa dân gian làng biển Cảnh Dương, Trần Hoàng với cụm công trình Sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền làng biển Cảnh Dương, Ẩm thực vùng ven biển Quảng Bình (trước năm 1945), Văn hóa dân gian các làng ven biển Bình Trị Thiên.
 
Ở một khía cạnh khác, những giá trị văn hóa sinh hoạt gia đình, làng nghề truyền thống, kiến trúc dân gian của người Quảng Bình là đề tài vô tận, thu hút sự chú ý đối với các nhà nghiên cứu, trong đó, Nguyễn Văn Tăng khảo cứu công phu những giá trị đặc sắc qua công trình Sản phẩm ngũ cốc và nghề mắm truyền thống ở Quảng Bình; Đỗ Duy Văn với công trình Kiến trúc nhà ở và đình chùa dân gian các dân tộc ở Quảng Bình; Trần Hoàng với cụm công trình Văn hóa dân gian Quảng Bình, Cảnh Dương chí lược, Tìm về văn hóa -văn học dân gian một miền quê Trung bộ.
 
Đối với các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, trong những năm qua, cũng có khá nhiều nhà nghiên cứu đã lặn lội đến với vùng núi Quảng Bình để điền dã, sưu tầm rồi cho ra những công trình địa chí mang yếu tố văn học văn hóa dân gian, như: Võ Xuân Trang, Đinh Thanh Dự với sách Thơ ca dân gian Nguồn; Nguyễn Văn Mạnh với công trình dân tộc học Người Chứt ở Việt Nam; Võ Xuân Trang với sách Người Rục ở Việt Nam; Nguyễn Thị Ngân với sách Nhận diện di sản văn hóa dân tộc Chứt ở Quảng Bình; Võ Xuân Trang, Đinh Thanh Dự với công trình Văn hóa dân gian của người Nguồn ở Việt Nam; Đinh Tiến Hùng với cụm công trình Văn học dân gian người Nguồn huyện Minh Hóa (2 tập).
 
Các tác giả này đã đem đến cho người đọc một cách nhìn thấu đáo, hiểu sâu và thêm yêu hơn văn học, văn hóa dân gian, dân tộc học về các tộc người Nguồn, Rục ở miền núi Quảng Bình trong suốt hơn 30 năm qua.
 
Công trình địa chí về nghệ thuật diễn xướng, lễ hội dân gian và văn học dân gian gồm có các tác giả: Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng, Phạm Trung Đông, Lê Anh Tuấn, Ngô Đình Hướng, Trần Đình Hằng, Nguyễn Thăng Long… với các công trình Lễ hội dân gian người Việt ở Quảng Bình; Đỗ Duy Văn với sách Diễn xướng văn học dân gian Quảng Bình; Đặng Ngọc Tuân với công trình Hò khoan Lệ Thủy; Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
 
Tóm lại, thế hệ các nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Bình đã cố gắng làm nên những công trình có ý nghĩa, để lại cho hậu thế những giá trị không dễ gì phai nhạt. Thêm yêu Quảng Bình là ở chỗ đó. Qua các công trình địa chí, một vùng non nước Quảng Bình hiện ra vừa đẹp cảnh, đẹp người vừa giàu giá trị tinh thần vĩnh cửu.
 
Trần Nguyễn Khánh Phong
(Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế)
 
,