.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: "Cách quảng bá tốt nhất là tạo nên sự khác biệt"

.
09:57, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Từng đảm nhận vai trò Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu hiện là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ. Hơn 30 năm công tác trong ngành ngoại giao, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong hành trình đưa nhiều di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam trở thành di sản thế giới. Suốt cuộc đời mình, vị đại sứ này luôn nặng lòng và tận tụy cống hiến cho chiến lược ngoại giao văn hóa, nỗ lực quảng bá giá trị văn hóa Việt ra thế giới. Và ông còn có những mối duyên nợ đặc biệt với Quảng Bình.
 
* Tôi được biết, khi đệ trình lên UNESCO, hồ sơ Phong Nha-Kẻ Bàng đã nhiều lần bị trả lại và yêu cầu bổ sung. Hành trình để Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới hẳn là một con đường dài với nhiều xúc cảm?
 
- Bạn biết đấy, thời điểm năm 2003, khi trình hồ sơ Phong Nha-Kẻ Bàng lên UNESCO thì các thủ tục rất khắt khe, việc xét duyệt hồ sơ cũng không đơn giản như bây giờ. Bản thân chúng ta lúc đó cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Thời điểm đó, tôi đang là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO.
 
Trước khi lên đường, đoàn Việt Nam nhận được thông báo từ cơ quan tư vấn IUCN (tổ chức tư vấn độc lập xem xét các di sản trước khi trình cho UNESCO) là Phong Nha-Kẻ Bàng không được đệ trình UNESCO đưa vào danh sách công nhận di sản thế giới trong phiên họp này. Họ chỉ mời ta dự để rút kinh nghiệm cho lần sau với lý do là việc mở đường Hồ Chí Minh-nhánh Tây làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh thái, không bảo đảm tính vẹn toàn cho di sản.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Đại sứ Phạm Sanh Châu (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Chúng tôi không vì thế mà bỏ cuộc. Các thành viên trong đoàn đã bàn bạc nhau rất nhiều, đồng thời phối hợp vận động hành lang với đại biểu các nước cho họ hiểu trước, sau đó mới tiến hành trả lời chất vấn trước hội đồng của UNESCO. Chúng tôi khẳng định tính tất yếu phải làm đường Hồ Chí Minh-nhánh Tây.
 
Vì rằng, đó là con đường đủ cho xe cứu hỏa đi, con đường cứu trợ cho các tộc người đang sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và cứu hộ động vật hoang dã. Đó là chưa kể con đường còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Điều quan trọng là giá trị về đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo của Phong Nha-Kẻ Bàng mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Cuối cùng, tiếng gõ búa của bà chủ tịch điều hành phiên họp vang lên làm chúng tôi như vỡ òa cảm xúc.
 
* Hẳn đó là cú lội ngược dòng ngoạn mục?
 
- Không ngoạn mục sao được trong khi có 39 hồ sơ di sản mà cơ quan tư vấn IUCN chưa đồng ý đệ trình lên UNESCO công nhận di sản lần này, duy nhất chỉ có Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận. Thời khắc ấy, chúng tôi đã ôm nhau khóc. Thực sự với tôi, đó còn là kỷ niệm khó quên nhất trong suốt cuộc đời làm ngoại giao. Bản thân chúng tôi cũng tự trang bị được cho mình rất nhiều kinh nghiệm. Để rồi, từ thành công của Phong Nha-Kẻ Bàng đã khởi động cho rất nhiều các hồ sơ tiếp theo được công nhận di sản thế giới.
 
* Ông cũng chính là người dẫn đoàn đại sứ các nước đến Quảng Bình, chinh phục Sơn Đoòng. Vì sao là Sơn Đoòng, là Quảng Bình mà không phải là một địa điểm nào khác của Việt Nam?
 
-  Thời điểm đó, bộ phim giới thiệu về hang Sơn Đoòng của kênh truyền hình Mỹ ABC mới phát hành gây tiếng vang rất lớn. Vẻ đẹp kỳ vĩ của Sơn Đoòng được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới. Chưa kể, thời điểm ấy, cũng có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng.
 
Từ kinh nghiệm làm ngoại giao, tôi nghĩ hơn lúc nào hết, đó là thời điểm để quảng bá tốt nhất cho Sơn Đoòng. Và đại sứ các nước chính là những người quảng bá hiệu quả nhất hình ảnh Việt Nam, vừa kết nối các quốc gia với tỉnh Quảng Bình, mời họ thăm dò khả năng hợp tác, phát triển cho địa phương.  
 
* Ông và các vị đại sứ đã chuẩn bị như thế nào cho chuyến đi đặc biệt này?
 
- Trước khi bắt đầu chuyến đi, anh Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis đã khuyến khích chúng tôi mỗi ngày leo 24 tầng thang bộ để có sức bền đi bộ, leo dốc, vượt suối. Mỗi chặng đi, chúng tôi phải vượt 2 lần sông suối. Không riêng gì tôi mà tất cả các vị đại sứ đều rất háo hức và tích cực chuẩn bị cho chuyến đi đó. Và đúng là, dù mệt nhưng chuyến đi đã rất thành công. 
Đại sứ các nước tham quan hang Sơn Đoòng. (Ảnh do Oxalis cung cấp)
Đại sứ các nước tham quan hang Sơn Đoòng. (Ảnh do Oxalis cung cấp)
Thành công nhất là hiệu quả quảng bá của nó khi sau chuyến đi đó, các vị đại sứ đều nhắc đến Sơn Đoòng khi nói về Việt Nam. Trong rất nhiều buổi làm việc, gặp gỡ của các quốc gia, đại sứ các nước đều tự hào chia sẻ chuyến đi thăm Sơn Đoòng của họ, coi đó như kỷ niệm đáng nhớ nhất và họ cho rằng, đó là một địa điểm mà ai cũng ao ước được đến một lần trong đời.
 
* Theo ông, sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Quảng Bình cần làm gì để xây dựng được thương hiệu địa phương, góp phần thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa?
 
- Đúng là mỗi địa phương cần thiết phải xây dựng cho mình một thương hiệu, nhất là Quảng Bình với một ngành du lịch còn khá mới mẻ. Như bạn nói, sở hữu nhiều tiềm năng du lịch chính là nền tảng để Quảng Bình xây dựng tốt cho thương hiệu địa phương.
 
Điều cần thiết là bên cạnh việc phát triển, đa dạng các sản phẩm du lịch, Quảng Bình cần đầu tư phát triển các khu lưu trú cao cấp, nâng tầm dịch vụ. Đầu tư, nâng cao chất lượng lễ hội hang động cũng là góp phần xây dựng thương hiệu địa phương cho Quảng Bình.
 
Tôi cũng muốn gửi gắm đến Quảng Bình ba điều: một là cấm tuyệt đối việc người dân ăn thịt thú rừng. Hai là nên tổ chức cuộc thi Marathon vào hang. Nhiều nước tổ chức cuộc thi này nhưng là lên núi, Quảng Bình thì nên tổ chức vào hang.
 
Để làm gì? Để quảng bá và giáo dục người dân bảo tồn di sản mà họ đang may mắn sở hữu. Cách quảng bá tốt nhất là tạo nên sự khác biệt. Ba là đừng bao giờ xây dựng cáp treo ở các hang động. Hãy bảo tồn nguyên vẹn những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Quảng Bình.
 
* Như ông vừa chia sẻ,“cách quảng bá tốt nhất là tạo sự khác biệt”, đó có phải là lý do mà trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao long trọng, ông luôn mặc áo dài để diện kiến đại diện cấp cao của các nước?
 
- Đúng vậy. đại sứ các nước đã quen với hình ảnh tôi luôn mặc áo dài truyền thống trong các cuộc gặp mặt, nên hễ cứ nhìn thấy tôi xuất hiện, họ lại đến gần và hỏi: “Việt Nam hả?” (cười). Đó vừa là thói quen, sở thích, nhưng cũng là cách để quảng bá văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam ra các nước.
 
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
 
Diệu Hương (thực hiện)
,