.

Chuyện chưa kể về "Tình ta biển bạc đồng xanh"

.
14:26, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Rất tình cờ, trong cuộc gặp mặt thân mật với các nhạc sỹ Quảng Bình nhân dịp kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam 3-9-2018, tôi được nghe lại giọng hát ngọt ngào và đắm say của đôi song ca vàng một thời chưa xa: Ngọc Tân - Thanh Thoản, qua  ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương. Họ hát một bài hát cũ nhưng đã mang lại cho mọi người một cảm xúc mới.
 
 Hát rằng:
 
... “Cá bạc đầy khoang nên màu da anh rám hồng
Lúa vàng trĩu bông cho má hồng em tươi thắm
Đôi ta thương nhau cho lúa xanh đồng,
cho thuyền vượt biển, dẫu muôn trùng mà băng qua ơ hò, hò ơ”..
 
.... “Đổ giọt mồ hôi để làn môi em thắm hồng
Lúa vàng trĩu bông cho má hồng em tươi thắm
Đôi ta yêu nhau trong độ trăng tròn, trong ngày biển đẹp,
 
nhớ ơn người đưa trăng ơ hò, hò ơ...”
 
“... Đôi ta thương nhau cho lúa xanh đồng/ cho thuyền vượt biển dẫu muôn trùng mà băng qua ơ hò, hò ơ...” có lẽ ai cũng biết. Nhưng: “... Đôi ta yêu nhau trong độ trăng tròn, trong ngày biển đẹp, nhớ ơn người đưa trăng ơ hò, hò ơ...” thì rất lạ.
 
Ca sỹ Ngọc Tân cho biết, nguyên bản ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” lần đầu tiên được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là như thế, tuy nhiên về sau không biết bởi lý do gì mà không ai hát nữa?! Tiếc những câu hát đẹp vô tình bị lãng quên, tôi tìm gặp nhạc sỹ Hoàng Sông Hương và được nghe ông kể về những điều phía sau ca khúc.
 
Hoàng Sông Hương thuộc thế hệ nhạc sỹ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1960, ông gia nhập Đoàn Văn công Quảng Bình, cùng lứa nghệ sỹ tuổi vừa 18 đôi mươi rạng rỡ thanh tân bắt đầu những chuyến đi phục vụ bộ đội và nhân dân khắp mọi miền quê hương. Họ đã băng rừng, lội suối đến các bản làng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, đã chân trần vượt gió, vượt cát về với những làng biển heo hút bên bờ sóng.
 
Khó khăn, vất vả nhưng với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, sân khấu của Đoàn Văn công Quảng Bình thời kỳ ấy đã đi đến với hầu khắp các làng quê, các trận địa  trong tỉnh. Họ đến đâu được nhân dân, cán bộ, chiến sỹ chào đón đến đó, ai cũng rất hồ hởi khi được xem các nghệ sỹ của đoàn biểu diễn. Mọi người thuộc tên từng nghệ sỹ, thuộc từng lời thoại trong các vở kịch.
 
Về với nhân dân, các nghệ sỹ “đóng”  hai vai. Đêm xuống, họ mặt hoa da phấn hóa thân vào nhân vật, đắm mình vào ca khúc. Ban ngày,  họ hòa cùng sống đời sống của nhân dân, là ngư dân ra khơi đánh cá, là nông dân cuốc đất trồng cây... Với nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, đó chính là những chuyến đi thực tế vô cùng có giá trị.  
 
Trong dòng hồi ức miên man về một thời hoa lửa, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương dừng lại rất lâu khi nhắc đến những ngôi làng nhỏ nằm ven bờ biển. Từ Cảnh Dương đến Thanh Khê, Đức Trạch, Lý Hòa, Nhân Trạch, từ Quang Phú, Bảo Ninh cho đến Hải Ninh, Ngư Thủy.
 
Ông kể: "Thời kỳ từ những năm 1960 đến 1970 về cơ bản chúng tôi “3 cùng” với nhân dân để biểu diễn phục vụ nhân dân. Chiến tranh nên ở đâu cũng khổ, vậy mà tinh thần vẫn rất lạc quan. Vừa lao động sản xuất vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trên bom dưới đạn thiếu thốn trăm bề, nhưng thiếu chi thì thiếu, văn nghệ là phải coi. Vượt động cát cả chục cây số để coi được một đêm văn công cũng cứ vượt! 
 
Có lẽ nhờ vậy nên chúng tôi đã cùng nhau băng qua được muôn trùng khó khăn. Chúng tôi biểu diễn xong thì về ngủ lại trong nhà dân. Chỉ là những mái tranh nghèo thôi, giường chiếu cũng chả có. Ở các làng biển càng khó khăn hơn. Thế nhưng, bà con sẵn lòng nhường giường, nhường nhà cho văn công ăn ở sinh hoạt. 
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương.
Riêng tôi, đó là những đêm khó ngủ. Tôi trằn trọc bâng khuâng vì tiếng sóng từ xa vọng vào, lại thấy thương thương người dân làng chài mộc mạc chân thật, thương cả câu chuyện mưu sinh họ vẫn thì thầm nói với nhau trong đêm vắng. Ngày mai họ sẽ làm gì? Người chồng sẽ ra khơi đánh cá. Người vợ ở nhà chăm con và làm đồng, trồng khoai, trồng hành tỏi rau dưa.... Mỗi đêm như thế.
 
Rồi nhiều đêm như thế. Cuộc sống người miền biển ám ảnh tôi, dằn vặt thôi thúc tôi, để rồi trong một chuyến trở lại Ngư Thủy những dòng ca từ đầu tiên của ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” bật ra và tuôn chảy “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/ Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió / Trên những đoàn thuyền hải âu vui sóng xô/ Nhớ đồng quê cánh cò bay trên thảm lụa/ Đời tự do vui chan chứa bao tình/ Vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi/ Ruộng đồng quê ta em hăng say sớm chiều/ Ruộng đồng thâm canh em có ngại chi mưa nắng.... Đó là năm 1973. Cách nay vừa tròn 45 năm."
 
Năm 1973 được đánh dấu là một cột mốc lịch sử trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta.  Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Một không khí hồ hởi ùa về bởi niềm tin hòa bình đã đến rất gần và tương lai đã bắt đầu rộng mở. Văn học nghệ thuật cũng náo nức chuyển mình.
 
Bên cạnh nhiều tác phẩm vẫn mang âm hưởng cổ vũ tinh thần chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã bắt đầu xuất hiện một dòng sáng tác mới có nội dung nhìn về phía tương lai rạng ngời, phía ấy không có tiếng bom rơi, đạn nổ, không có ngùn ngụt lửa hờn căm mà chỉ có hòa bình và tình yêu tha thiết. Bằng sự nhạy cảm của người nghệ sỹ, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương nhanh chóng  tìm được cảm hứng riêng trong bối cảnh chung.
 
Một đêm thao thức ở làng biển Ngư Thủy,  ông đã viết nên những dòng ca từ vừa lạc quan với hai tiếng tự do,  vừa dạt dào tin tưởng nhìn về tương lai tươi sáng  “Đời tự do ôi chan chứa bao tình/ Vì tương lai ta đổ giọt mồ hôi”, lại ơn nặng nghĩa dày với những hy sinh cao cả của biết bao người để mang về cho quê hương những mùa trăng bình yên “Đôi ta yêu nhau trong độ trăng tròn, trong ngày biển đẹp, nhớ ơn người đưa trăng...”.
 
Bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, phát sóng và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, sau đó nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đã tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
 
Những năm sau chiến tranh, cả nước bước vào thời kỳ hòa bình và dựng xây, đòi hỏi văn nghệ có những tác phẩm cổ vũ động viên cho tinh thần lao động sản xuất của nhân dân, nhạc sỹ đã cất  bỏ  câu “Đôi ta yêu nhau trong độ trăng tròn, trong ngày biển đẹp, nhớ ơn người đưa trăng...”  để lặp lại điệp khúc   “... Đôi ta thương nhau cho lúa xanh đồng/ cho thuyền vượt biển dẫu muôn trùng mà băng qua ơ hò, hò ơ...”. Âu điều đó cũng bắt đầu từ sự nhạy cảm của người nghệ sỹ trước thời cuộc.
 
Với nội dung tư tưởng chủ đạo ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi vẻ đẹp vĩnh hằng của lao động, cái nhìn hướng tới tương lai tươi sáng, thoát ly giáo điều cứng nhắc, lại được chắp cánh bởi  giai điệu hiện đại, không lệ thuộc bởi tính chất vùng miền  đã mang đến cho ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”  sự thức thời không giới hạn và sức sống bền lâu.
 
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2010 trong cuộc bình chọn rộng rãi ca khúc tiêu biểu viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức,  ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” được hơn 15 nghìn người lao động trên lĩnh vực nông nghiệp cả nước bình chọn là 1 trong 20 ca khúc tiêu biểu nhất có giá trị cả về âm nhạc, nội dung và tư tưởng trong tổng số 107 bài hát cùng đề tài sáng tác từ năm 1946 trở lại đây.
 
Thêm một khẳng định vững chắc hơn nữa, năm 2016, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương vinh dự là 1 trong 16 nhạc sỹ cả nước được tặng Giải thưởng Nhà nước với chùm ca khúc  phổ biến rộng rãi nhất của ông, tất yếu trong đó không thể thiếu “Tình ta biển bạc đồng xanh”.
 
Ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương bắt đầu từ cuộc sống để đi vào cuộc sống. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã hát ... sẽ hát... Trong trẻo. Đắm say. Tuyệt nhiên không có PR, không có đặt hàng, không có lăng xê.
 
Điều đó cho thấy, nếu  tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng được người nghệ sỹ cảm nhận, thẩm thấu và làm thăng hoa từ hiện thực đời sống sinh động một cách sâu sắc thì  tác phẩm ấy sẽ truyền được cảm hứng cho nhiều thế hệ công chúng và đi cùng năm tháng.
 
Trương Thu Hiền
 
 
,