.

Cần thêm không gian để trưng bày, phục dựng các bộ xương cá voi ở Cảnh Dương

.
07:40, Thứ Bảy, 23/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là kiến nghị của nhiều cử tri xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) gửi đến cơ quan chức năng tại những buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND huyện, tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian gần đây. Đây cũng là nguyện vọng của chính quyền xã Cảnh Dương nhằm tôn vinh, gìn giữ những giá trị văn hóa tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhà...
 
Ngư Linh miếu của xã Cảnh Dương là nơi thờ tự Đức Ông (cá voi đực) và Đức Bà (cá voi cái), thể hiện lòng thành kính của người dân địa phương. Từ khi lập làng đến nay, người Cảnh Dương từng chứng kiến rất nhiều Đức Ông, Đức Bà trôi dạt vào bờ biển của làng.
 
Với quan niệm cá voi là "cá thần" luôn che chở và bảo vệ cho ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển, người dân địa phương đã nhiều lần tổ chức chôn cất, mai táng và lập miếu thờ cho những cá voi bị chết trôi dạt vào bờ biển của làng với tấm lòng thành kính.
Ngư Linh Miếu của xã Cảnh Dương hiện đang cất giữ hai bộ xương cá voi, được ngư dân tôn xưng là Đức Bà và Đức Ông.
Ngư Linh Miếu của xã Cảnh Dương hiện đang cất giữ hai bộ xương cá voi, được ngư dân tôn xưng là Đức Bà và Đức Ông.
Ngư Linh miếu hiện là nơi thành kính, tôn nghiêm và là nơi tế lễ của người dân xã Cảnh Dương khi vào mùa mở biển đánh bắt hải sản. Đồng thời, nơi đây còn là địa điểm để chính quyền, người dân Cảnh Dương tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa và phát động ra quân khai thác hải sản hàng năm.
 
Theo gia phả "Tây Trung họ Trương" còn gọi là "Trương Trung Tây gia phả",  vào năm Kỷ Tỵ (1809) đời vua Gia Long thứ 9, Đức Bà vào. Các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Đến năm Đinh Mùi (1907) đời vua Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào. Các dòng họ trong làng lại tổ chức đón linh đình. Còn theo truyền thuyết của làng biển Cảnh Dương, Đức Bà đã vào địa phương năm 1806 và đến năm 1818 thì Đức Ông vào.
 
Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó. Hiện nay, các bộ xương của cá Ông, cá Bà được bà con làng Cảnh Dương thờ tại Ngư Linh miếu. Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, với chiều dài ước tính khoảng 27m, bề rộng trên 3m...
 
Ngư Linh miếu chính là một trong những địa điểm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh, góp phần quan trọng vào lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương-lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước. Lễ hội cầu ngư là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh: mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc.
 
Lễ hội cầu ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc… Với những giá trị to lớn đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4068 - QĐ/BVHTTDL, ngày 30-10-2018 công nhận lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình (trong đó có lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là một trong tám di sản vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: "Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, UBND xã Cảnh Dương đã tích cực phối hợp với Sở Du lịch từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của làng biển Cảnh Dương.
 
Cụ thể, thời gian qua, địa phương đã phối hợp chỉ đạo xây dựng được những sản phẩm du lịch rất ấn tượng như: xây dựng cung đường bích họa và 1 số homstay, nhà hàng, nhà nghỉ; tổ chức tham quan làng chiến đấu kiểu mẫu, các di tích lịch sử; tắm biển, nghe hát ru chèo cạn, thưởng thức các sản phẩm hải sản phong phú ở địa phương, xem lễ hội đua thuyền...
 
Những sản phẩm du lịch này còn được địa phương chủ động kết nối với nhiều tour du lịch quan trọng như: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến, đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh... Có thể nói, các sản phẩm du lịch ở Cảnh Dương bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, du khách tham quan đến với địa bàn đã có sự tăng trưởng đột biến so với trước đây".
 
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Phạm Đình Tiến bày tỏ: "Hiện nay, Ngư Linh miếu được xây dựng với chiều dài khoảng 10m, chiều rộng chừng 5m, rất chật hẹp và nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Hòn La.
 
Nếu được các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ, bố trí thêm diện tích, địa phương sẽ sớm phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành lập phương án xây dựng thêm 2 nhà trưng bày (dự kiến mỗi nhà dài 30m, rộng 5m), phục dựng lại 2 bộ xương cá voi Đức Ông, Đức Bà lớn nhất Việt Nam, nhằm đáp ứng với nguyện vọng của cử tri, thu hút thêm lượt khách tham quan, tìm hiểu để từ đó thúc đẩy phát triển du lịch địa phương...".
 
 Văn Minh
 
,