.

Tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

.
15:30, Thứ Hai, 14/01/2019 (GMT+7)

Tối 13-1, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố tổ chức Chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh các nghệ sỹ cải lương, Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (1918-2018).

Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy và nghệ sỹ Ưu tú Minh Vương biểu diễn tại chương trình. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy và nghệ sỹ Ưu tú Minh Vương biểu diễn tại chương trình. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Đến dự có ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các tỉnh, thành phố lân cận cùng đông đảo người dân, du khách tham quan.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thành Phong, cho biết chương trình là một trong những sự kiện nổi bật có ý nghĩa văn hóa quan trọng nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiếm có loại hình nghệ thuật truyền thống nào như bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương lại có được sự đam mê, mến mộ của đông đảo người dân cả nước, trải dài từ Nam đến Bắc, từ thành thị đến nông thôn.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu cải lương được người dân đón nhận và xem đây là món ăn văn hóa tinh thần đặc sắc, gắn bó mật thiết đến tâm tư, tình cảm của người dân, phản ánh được khí chất, hào sảng, lạc quan, nghĩa hiệp của người dân Nam bộ.

Bày tỏ lòng tri ân to lớn đến các thế hệ nghệ sỹ, soạn giả cải lương từ khi hình thành đến nay đã gắn bó cả cuộc đời cống hiến vì sự phát triển nghệ thuật dân tộc, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, lãnh đạo Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông qua chương trình, còn là dịp để giới thiệu về một hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, nghĩa tình, luôn chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của người dân thành phố; đồng thời, luôn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong đó bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương là một trong những viên ngọc sáng luôn được trân trọng, giữ gìn.

Tại đêm giao lưu, đông đảo khán giả mộ điệu và du khách đã có dịp thưởng thức các trích đoạn cải lương đặc sắc, và lắng nghe tiếng hát của các nghệ sỹ, diễn viên cải lương một thời vang bóng, như rítch đoạn ca cổ “Bánh bông lan” do đôi sông ca vàng nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy và nghệ sỹ ưu tú Minh Vương thể hiện; trích đoạn vở “Chiến binh” do nghệ sỹ ưu tú Tấn Giao, Lê Hồng Thắm và Cao Mỹ Châu biểu diễn…

Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của hơn 200 nghệ sỹ cải lương các thế hệ, tiêu biểu như nghệ sỹ Nhân dân Ngọc Giàu, nghệ sỹ Hồng Nga…; các nghệ sỹ, diễn viên trẻ đoạt danh hiệu xuất sắc từ các giải cải lương như Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ.

Chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương không chỉ là dịp ôn lại chặng đường hơn một thế kỷ nhiều thăng trầm, với biết bao nghệ sỹ tài hoa đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương mà còn là dịp để vinh danh, tri ân các thế hệ nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương.

Đó là các nghệ sỹ cải lương miền Nam tập kết ra Bắc, nghệ sỹ Đoàn Văn công giải phóng Trung ương Cục, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, các nghệ sỹ và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Tôn vinh các tác giả nhạc sỹ, nhà thiết kế sân khấu, phục trang, kỹ thuật âm thanh ánh sáng công nhân hậu đài, các đoàn cải lương tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Theo Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

,