.

Hoa ở lưng trời

.
09:36, Thứ Ba, 01/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tang tảng sáng, mạ rục rịch dậy chuẩn bị điểm tâm cho cả nhà. Trời lạnh cóng lây lất, tay người già co quắp lại đến phát bực. Tiếng hai bàn tay mạ phát vào nhau chan chát, lay động cả chái bếp. Một dúm vỏ trấu, hai thanh mồi bằng dăm thông, vài que củi, rứa là bếp lửa được nhóm lên, reo mừng tí tách, hồng hào mắt người già nua.

Bắc ấm nước sôi lên bếp, mạ giật thột khi thấy ba ngồi thu lu kế bên, tay hua hua múa cùng ánh lửa. Mạ lần thần trách: “Cái ông ni, làm người ta hết hồn! Giá rét căm căm, ủ trong chăn cho ấm chơ dậy chi cho sớm”. Tiếng ba yêu yêu: “Nỏ bỏ bà một phút được. Có tui bên, chắc bà ấm hơn!”.

Con trẻ cuối năm về quê đón Tết, cuộn tròn người trong chăn, ngửi no nê cái mùi khê khê, nồng nồng, đặm đặm, cay cay của khói bếp. Nuốt vào lòng từng lời yêu thương của người già, thấy yêu chi lạ cuộc đời bình dị.

***

Nhà nội ở sát rạt bờ sông… Trong lý lịch khai với chính quyền Quốc gia, nội tô đậm ba chữ ở mục thành phần gia đình: Bần cố nông. Mà cũng đúng thôi, trước cách mạng, nội ở đợ cho địa chủ trong làng, công việc đầu tắt mặt tối, roi vọt nhiều hơn miếng cơm ăn. Đất đâu cắm dùi, nhiều lần ngang qua doi cát bên sông, ngó ưng ý, nội kiếm gốc ngô đồng đem trồng, ngầm đánh dấu cho riêng đời mình.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân. Nội từ bùn đen ngẩng cao đầu đứng dậy cùng lớp cơ hàn như mình tham gia vào các hoạt động đoàn thể. Gốc ngô đồng nội trồng năm nào giờ lớn vụt lên, gai góc, lá bung mát một khoảng sông. Giờ thành người tự do, nội xin phép chính quyền cách mạng, chặt tre, bứt gianh, quẫy chục gánh rơm nặng trộn đất sét bùn… cất lên nếp nhà nhỏ ngay dưới tán cây ngô đồng.

Chính trong nếp nhà còn ẩm mốc bùn rơm ấy, ba cất tiếng khóc chào đời. Số là, vào một buổi sớm mai, nội theo thói quen xuống sông quẩy nước. Sáng đó, linh tính thế nào, nội ngồi nán lại gần mép sông. Dòng sông nhẹ nhàng, thanh thản chảy về xuôi.

Giữa làn nước trong vắt ấy, nội thấy một quầng mái tóc phụ nữ dài bung ra, tràn trề trên mặt nước, che chắn thân hình mảnh mai dập dềnh, buông xuôi. Nội nhảy ùm xuống sông, xốc lấy hình hài còn phảng phất chút hơi ấm ấy vác ngược trên lưng chạy thục mạng lên nhà.

Sẵn bếp lửa ấm cộng với kinh nghiệm rành rẽ của dân sông nước, nội kịp cứu sống người phụ nữ mà sau này trở thành người bạn trọn đời, trọn kiếp của mình. Họ thành chồng, thành vợ giản đơn giữa cơ hàn, giữa chiến tranh, loạn lạc.

***

Ngày cây ngô đồng thành cổ thụ, tóc nội bạc trắng thời gian, ba đủ tuổi mười tám. Năm đó, chính quyền miền Nam của tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam tiến hành “tố cộng, diệt cộng”. Luật 10/59 tràn qua làng, quê nghèo tan hoang chìm trong cảnh đầu rơi máu chảy. Nội bảo ba: “Con nhảy rừng đi. Chứ không sớm thì muộn, chúng bắt vô quân dịch”.

Lời nội trúng ý ba. Trước ngày lên chiến khu, ba chỉ còn chút băn khoăn: “Con đi, ba mạ ở nhà ai lo. Chắc chắn không tránh khỏi cảnh bố ráp, bắt bớ, tù tội”. Nội chắc như đinh đóng cột: “Thằng Pháp, bọn địa chủ ác ôn như rứa, tau còn không sợ. Nhằm nhò chi mấy đứa địa phương quân”. “Còn cái Thắm?”- ba hỏi dò.

Đang lúc dầu sôi lửa bỏng vậy, nội nghe ba hỏi cũng phải phì cười. “Tổ cha mi! Con Thắm rủng rải tau nói cho hắn thông. Nước mất, nhà tan thì mần chi có hạnh phúc riêng tư trọn vẹn con ơi!". “Rứa là tui yên cái bụng. Nhảy rừng rồi, khi mô nước nhà độc lập, tui mới về đó nghe!”.

Ba nhảy rừng đi kháng chiến chống Mỹ, đúng như lời nói khi chia tay đấng sinh thành, sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước thống nhất, ba mới quay về làng. Đếm hết quá hai bàn tay, thời gian trôi vèo hơn mười lăm năm.

Sau ngày ba lên rừng là một chuỗi ngày cơ cực của ông bà nội. Ngôi nhà nhỏ dưới tán ngô đồng bị giặc đốt rụi, chỉ còn trơ trọi lại gốc ngô đồng khoe gan cùng tuế nguyệt, thách thức cùng cái ác. Bọn tề ngụy nọc nội ra phơi nắng mưa trước trụ sở nơi chúng làm việc. Hỏi: “Thằng con trời đánh của ông đâu?”.

Trả lời: “Đói quá… hắn tha phương cầu thực mô, các chú đi mà tìm về cho tui với!”. Không thèm đôi co với lũ tay sai khát máu, nội nghiến răng hứng chịu đòn roi. Biết chẳng làm gì được nội, chúng thả về.

Nhà cháy, ông bà nội được cô Thắm đón về cùng gia đình mình. Thương Thắm, nội bần thần: “Hay con đi lấy chồng. Chờ làm chi. Chiến tranh biết lúc mô kết thúc”. Cô Thắm quay mặt, dấu mặt vào tóc mây, nước mắt âng ấng: “Con chờ được!”.

Mười lăm năm sau, ba và cô Thắm nên duyên vợ chồng.

***

Chuyện xưa được kể bên bếp lửa ấm, quyện lấy khói bếp nồng nàn. Như quy luật muôn đời, anh lớn lên trong quá khứ chất ngất tình người từ thế hệ ông bà nội đến đời ba mạ. Chiến tranh, loạn lạc làm người thân chia ly rồi tái ngộ dưới nếp nhà xưa, quê cũ.

Ông bà nội đã đi về phía vô cùng. Gốc ngô đồng kiên trung bên bờ sông thủa nội khai đất cắm dùi giờ cũng chẳng còn dấu tích. Ba mạ nhớ đấng sinh thành, cứ mỗi độ đất trời giao hòa giữa năm cũ, năm mới, chọn lấy những dây hoa dành dành nở trắng triền sông thả trôi theo dòng nước. Ba hoài cổ bảo: “Đời ông bà nội nghèo nhưng không hèn, sống trọn vẹn, cống hiến cho riêng chung”.

Thế hệ con trẻ như anh, về lại với ba mạ, thành trẻ trâu một thời, nuốt trọn lời ba dạy. Ngó con nước lửng lơ đưa từng dây dành dành trôi xa. Đến cuối chân trời, nơi vừa hết tầm nhìn, thấy từng dây dành dành tung cánh tựa như bay bổng lên lưng chừng trời.

Sáng trợt… ngày mùng một Tết thật đẹp. Không ai bảo ai, ba quơ vội cây gậy chống, nắm lấy tay mạ lần từng bước ra phía bờ sông. Phía sau là anh, sau nữa, lít nhít đám trẻ ranh cháu chắt. Phía triền sông xưa, hoa dành dành tinh khôi nở trắng một góc trời.

Tuỳ bút của Hồ An


 

,