.

Đọc tuyển tập Trần Dzụ

.
09:03, Thứ Sáu, 11/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với 550 trang sách, tác giả Trần Dzụ đã “trình làng” tuyển tập thơ văn của mình. Cuốn sách có 5 phần: Thơ (gồm 212 bài); văn xuôi (gồm 16 bài); Trần Dzụ trong lòng bạn bè và người thân (gồm 20 bài); thơ Trần Dzụ được phổ nhạc (gồm 31 bài) và một số hình ảnh lưu niệm của tác giả.

Trong "Lời giới thiệu" cuốn sách, nhà văn Hữu Phương, nguyên Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình đã viết: “Trần Dzụ đến với thơ khi ông đã hoàn tất con đường hoạt động chính trị của mình với cương vị đáng nể trọng: Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Thoạt đầu, như nhiều cán bộ nghỉ hưu khác, ông tham gia sân chơi thơ tựa một hoạt động giải trí bậc cao, vừa thể dục trí tuệ, vừa giải phóng những ẩn ức sâu kín mà lĩnh vực chính trị không thể giãi bày. Nhưng rồi, ông từng bước đến với thơ thực sự khi nào không hay.

Cần mẫn như con ong cái kiến. Nhẫn nại của bậc từng trải. Khiêm cung của đấng biết người biết ta. Ông khẽ khàng chiếm được cảm tình, sự sẻ chia chân thực của bạn bè văn chương trên con đường sáng tạo thi ca ít vinh quang lắm nhọc nhằn…".

Trang bìa cuốn Tuyển tập Trần Dzụ. Ảnh: Đào Vân
Trang bìa cuốn Tuyển tập Trần Dzụ. Ảnh: Đào Vân

Đọc Tuyển tập Trần Dzụ, chúng ta sẽ được tiếp xúc lại với các bài thơ của ông đã in báo, tạp chí, sách ở các tập. Thơ Trần Dzụ, như ông Phan Văn Khuyến, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình nhận xét “là cảm xúc của người cầm bút trong sáng, chân thực, bắt nhịp được không khí chính trị địa phương và chan hòa tình nghĩa đối với mảnh đất mình đã gắn bó máu thịt suốt đời. Đề tài thể hiện trong thơ anh là truyền thống cách mạng và kháng chiến, là gương sáng anh hùng liệt sĩ, là đồng quê, sông biển…”. 

Tôi cũng đã có lần đưa ra ý kiến của mình như sau: Thơ Trần Dzụ mộc mạc, giản dị, chú trọng ý nhiều hơn là trau chuốt ngôn từ, tuy vậy cũng không thiếu những câu thơ tưng tửng mà hay. Chẳng hạn: "Cúc thắm sắc màu chẳng nhạt phai/ Nhụy thơm tinh khiết tháng ngày dài", hay "Nhìn biển mà thương một cánh buồm" hoặc "Sợ chi ánh chớp cuối trời/ Nắng mưa cũng đã một thời gian truân"...

Nhà văn Nguyễn Thế Tường cho rằng: “Thơ Trần Dzụ đã đạt tới “sườn của một quả núi”, “lưng chừng của một cầu vòng bảy sắc thi ca”… Mạch thơ ông vẫn được ủ nóng âm ỉ suốt bao năm như người đời ủ than dưới lớp tro trấu để một ngày thổi bùng lên thành ngọn lửa”. Có thể kể ra tên các bài thơ hay của Trần Dzụ như: Nắng vàng, Xuân lộc biếc, Nhớ cánh đồng làng, Hát một mình dưới trăng, Nhớ bến đò xưa, Cây khế vườn anh, Trước biển…

Tôi đồng tình với nhà văn Hữu Phương khi nói rằng: “Một trong những thành công của Trần Dzụ có lẽ là mảng thơ tình khi quãng đời xế bóng… Thơ Trần Dzụ cuối đời có những mạch chiêm nghiệm mang tính luận triết…

Trong gia tài thơ ông, không nhiều bài thơ hay trọn vẹn, nhưng nhiều câu thơ hay, nhiều ý tưởng gây cảm xúc mạnh. Bao trùm lên tất cả là lòng vị tha trước cuộc đời nhiều sóng gió, là ước muốn làm tia nắng muộn giữa tiết thu lạnh se cuối mùa, là lời khuyên đừng lăn tăn thiệt hơn trong cuộc sống vốn khó công bằng!”.

Về phần văn xuôi, nội dung Tuyển tập Trần Dzụ chủ yếu là những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động chính trị và làm việc của ông. Dưới hình thức các bài báo, bài ký, ông kể chuyện Bác Hồ vào thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh, Bác Hồ với văn nghệ sĩ Quảng Bình, trận đánh đồn Thượng Phong, công trình thủy lợi ông Thoan… hay những kinh nghiệm của ông khi làm công tác Đoàn, công tác kiểm tra của Đảng. Thiết nghĩ, những bài viết này rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ và các đồng nghiệp đương chức.

Trong phần "Trần Dzụ trong lòng bạn bè và người thân", có các bài viết của các nhà văn, nhà thơ, như: Hữu Phương, Văn Lợi, Nguyễn Thế Tường, Văn Tăng, Đinh Duy Tư, Phan Văn Khuyến, Nguyễn Văn Hiệp, Lý Hoài Xuân, Lê Đình Ty, Nguyễn Ngọc Trai, Quốc Vinh…

"Thơ Trần Dzụ được phổ nhạc" cũng là phần ấn tượng trong tuyển tập. Có 31 ca khúc được các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ ông. Đó là: Phạm Tuyên, Trần Hoàn, Hoàng Sông Hương, Lê Anh, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến, Nguyễn Chính, Đỗ Dũng, Thân Trọng Phúc, Trần Anh Tuấn, Phan Văn Chữ.

Có người phổ 3 bài, có người phổ 5 bài. Tại sao thơ ông có sức hút các nhạc sĩ đến vậy? Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Văn Tăng cho rằng: “Trần Dzụ như có chút duyên ngầm.

Phải chăng vì cái duyên ngầm ấy mà có nhiều nhạc sĩ khi đọc thơ ông đã nhanh chóng tạo nên cảm hứng âm nhạc để bắt cái duyên ngầm ẩn chứa trong chiều sâu cuộc sống ấy bật lên những âm thanh vọng lại cho đời”.

Tôi xin bổ sung: "Sở dĩ, Trần Dzụ có nhiều thơ phổ nhạc là vì con người ông hiền từ, dễ thương; thơ ông giàu chất trữ tình; bài thơ ngắn gọn, cấu trúc lỏng, có tính vấn đề; lời thơ gần với lời ca từ". Ở Quảng Bình, có lẽ người có thơ phổ nhạc nhiều nhất là Trần Dzụ. Đây quả là hạnh phúc dành cho ông. Tuy nhiên, công chúng vẫn mong có bài hát phổ thơ ông thật hay, được nhiều người yêu thích!

Hình ảnh Trần Dzụ qua các bức ảnh (ở phần cuối sách) càng làm đẹp hơn, sinh động hơn chân dung thi sĩ Trần Dzụ. Tuyển tập trần Dzụ là cái “lăng văn hóa” sang trọng của đời ông, là món quà tinh thần đặc biệt mừng thọ ông 86 tuổi.

Lý Hoài Xuân
 

,