.

Chạp mả họ, mả làng-nét đẹp văn hóa các làng quê

.
11:38, Thứ Bảy, 19/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày còn nhỏ, sống ở làng quê, năm nào cũng vậy, cứ vào quãng giữa tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), tụi trẻ con chúng tôi lại được ông ngoại cho đi cùng trong các cuộc chạp mả họ, mả làng. Đây cũng là dịp con cháu làm ăn xa tìm về nguồn cội, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, với người đã khuất.

Nghĩa địa làng tôi tọa lạc trên một vùng cát rộng sát bờ biển. Hầu hết các ngôi mộ đều được đắp bằng đất cát và nằm dưới các gốc cây sầm giang, sầm bù râm mát. Hồi ấy, trên đầu các ngôi mộ chưa có bia mộ như bây giờ, nên đi tới ngôi mộ nào, ông ngoại tôi cũng nói cho con cháu biết ngôi mộ này là của ai và người đó có thứ bậc như thế nào trong họ hàng…

Nhờ vậy, chúng tôi càng hiểu rõ hơn, càng kính yêu hơn họ hàng, bà con, làng xóm của mình. Sau này lớn lên, đi làm ăn xa, tôi cũng như anh em trong họ hàng, cứ vào dịp cuối năm đều cố thu xếp thời gian về quê ít ngày để cùng đi chạp mả họ, mả làng với những người thân thích. Những lần về quê ấy giúp cho tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa cao đẹp của mỹ tục chạp mả họ, mả làng ở nước ta.

Chạp mả họ, mả làng rất được người dân các làng quê coi trọng.
Chạp mả họ, mả làng được người dân các làng quê coi trọng.

Người Việt Nam từ xưa đến nay rất coi trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bởi vậy, không chỉ chăm lo cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các gia đình, gia tộc, các xóm, thôn, làng, xã còn rất quan tâm đến những người đã mất.

Trân trọng, nhớ thương người đã khuất và mong sao cho họ có cuộc sống yên lành nơi “chín suối”, những người thân thích, họ hàng của họ đã để rất nhiều tâm huyết và công sức xây cất mồ mả, tổ chức các nghi lễ sao cho vẹn toàn nhất. Hầu hết các làng xã ở Bình-Trị-Thiên đều có nghĩa địa, có miếu âm linh hoặc cô đàn để làm nơi mai táng, thờ cúng những người đã mất.

Cũng từ đây, tục chạp mả họ, mả làng được hình thành, chuyển giao và duy trì từ đời này qua đời khác. Đây được xem là một mỹ tục trong đời sống văn hóa của người Việt Nam mỗi độ Tết đến, xuân về.

Mỹ tục chạp mả (có nơi gọi là tảo mộ hoặc xủi mả) thực ra không chỉ được tổ chức vào những tháng cuối năm. Tùy từng gia đình, dòng họ và làng, xã, mỹ tục này được tiến hành vào các khoảng thời gian khác nhau trong năm. Đại thi hàoNguyễn Du cũng đã từng ghi lại mỹ tục này trong tuyệt phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng của ông: "Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh".

Tảo mộ, chạp mả không chỉ là việc thăm viếng mà còn để quét dọn, sửa sang, đắp điếm... sao cho mồ mả của những người đã khuất được sạch sẽ, đầy đặn, bề thế. Sau công việc này, các gia đình, gia tộc thường tổ chức lễ cúng vái ông bà, tổ tiên nơi nhà thờ, am miếu.

Ca dao xưa có câu: "Chớ lo một nỗi mồ tàn/ Ba mươi tháng chạp có làng chạp cho". Cùng với việc tảo mộ của từng gia đình, gia tộc, nhiều làng, xã còn tổ chức các buổi chạp mả cho những người đã mất do bom đạn, dịch bệnh, thiên tai... mà không có họ hàng, người thân gần gũi, chăm nom.

Công việc chạp mả họ, mả làng rất được người dân các làng quê coi trọng. Đây chính là dịp để mọi người trong gia đình, dòng họ, trong thôn, làng gần gũi nhau hơn, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Từ đây, lòng kính trọng, sự biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người có công với dân, với nước cũng được nâng cao hơn.

Trần Hoàng
(TP. Huế-Thừa Thiên Huế)
 

,