.

Đọc sách 'Văn hoá dân gian các làng biển Bình Trị Thiên' của Trần Hoàng

.
22:19, Thứ Bảy, 23/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng, 76 tuổi, người con của đất Quảng Bình. Cả suốt cuộc đời ông luôn nặng tình với quê hương Bình Trị Thiên. “Văn hóa dân gian các làng biển Bình Trị Thiên” do Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành tháng 5-2018 là quyển sách mà ông dành bao tâm huyết. Quyển sách dày 235 trang, khổ 14,5x20,5cm, hình thức trình bày trang nhã, nội dung phong phú.

 

Bố cục quyển sách ngoài lời nói đầu, kết luận, phần phụ lục, tài liệu tham khảo thì phần chính bao gồm các nội dung:
 
Phần 1: Tổng quan về vùng đất Bình Trị Thiên, phần này gồm có các nội dung: Bình Trị Thiên những chặng đường lịch sử; Bình Trị Thiên xứ sở của non xanh, nước biếc; Bình Trị Thiên dạt dào biển mênh mông.
 
Phần 2: Văn hóa dân gian các làng biển Bình Trị Thiên, phần này gồm có 5 chương;  chương I: Quá trình hình thành và cảnh quan các làng biển; chương II: Các ngành nghề ở làng biển; chương III: Tổ chức và sinh hoạt gia đình, gia tộc, sinh hoạt làng xóm; chương IV: Sinh hoạt văn hóa vật chất; chương V: Sinh hoạt văn hóa tinh thần.
 
3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có vùng biển khá rộng lớn. Bên cạnh những nét chung, vùng nội thủy và bờ biển của mỗi tỉnh cũng có những đặc điểm riêng. Điều này đã làm đa dạng, phong phú thêm vẻ đẹp của vùng biển Bình Trị Thiên. Và quyển sách đã mô tả tỉ mỉ những nét riêng, nét đẹp của vùng biển mỗi tỉnh. Trong đó, Quảng Bình  có 5 con sông đẹp và các cửa sông đều đổ ra biển. Các cửa sông, cửa lạch này chính là những dấu mốc tự nhiên để phân bờ biển thành những khúc đoạn khác nhau, đó là: từ đèo Ngang đến Lạch Ròn; từ cửa Ròn đến cửa Gianh; từ phía Nam sông Gianh đến sông Lý Hòa; từ cửa Lý Hòa đến Bắc cửa Nhật Lệ; từ Nam cửa Nhật Lệ vào đến Liêm Luật.
 
Vùng biển Quảng Trị, so với một số tỉnh ở duyên hải miền Trung, không rộng lắm. Bờ biển từ Nam đến Bắc tỉnh chỉ dài 75km. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều có các làng xã nằm ven biển. Quảng Trị có 2 cửa biển lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt. Biển, đảo nơi đây không chỉ là ngư trường cho ngư dân làm ăn, sinh sống mà còn là nơi ghi lại bao chiến tích anh hùng của quân và dân ta trong công cuộc dựng nước, giữ nước. Những cái tên như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ, Vĩnh Mốc, Mỹ Thủy… từ lâu đã trở thành những cái tên quen thuộc và thân thương đối với đồng bào cả nước và bạn bè khắp năm châu, bốn biển.
 
Bờ biển Thừa Thiên - Huế dài 128km. Vùng thềm lục địa biển Đông - vùng đặc quyền kinh tế rộng đến 200 hải lý. Về phía Đông gần biển Đà Nẵng và ngăn cách mũi Cửa Khém (nơi gần nhất khoảng 600m) có đảo Sơn Chà. Đảo này chỉ rộng khoảng 160 ha nhưng có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng.
 
Trần Hoàng đã miêu tả một cách cặn kẽ những ngành nghề của làng biển mà ngư dân Bình Trị Thiên đã gắn bó suốt một đời người. Nghề câu có câu khơi và câu lộng, câu cá và câu mực; nghề giã cào nằm trong nhóm nghề đi lộng; nghề “bóng”, nghề nò sáo, nghề đánh bắt ruốc, nghề chế biến hải sản ... Mỗi nghề và làng nghề vùng biển có những đặc sản riêng của vùng đó. Nhưng nổi trội nhất là sản phẩm nước mắm, ở Quảng Bình có Cảnh Dương, Lý Hòa, Thanh Khê, Hải Thành, Bảo Ninh; Quảng Trị nổi tiếng nước mắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy; Thừa Thiên - Huế  có  nước mắm Thuận An, Mỹ Lợi, Lăng Cô.
 
Trong sinh hoạt  cộng đồng, người dân  vùng biển Bình Trị Thiên luôn có mối quan hệ thân thuộc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, điều này được tác giả Trần Hoàng khảo cứu tỉ mỉ, tác giả cho biết “Người Bình Trị Thiên đại bộ phận có nguồn gốc từ xứ Nghệ, xứ Thanh vào lập nghiệp. Do vậy, các gia tộc luôn hướng về cội nguồn. Họ thường tìm về quê cha, đất tổ để nhận họ hàng, để thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên. Dù là ở vùng đất mới, nhưng các gia tộc đều cố gắng duy trì nề nếp gia phong. Nhiều gia đình có nhà thờ tổ, có gia phả, có nghĩa địa riêng. Người miền biển vốn chất phác, thực thà nên cũng không quá câu nệ, khắt khe trong ứng xử giữa những người trong gia tộc. Hàng năm, các gia tộc không bao giờ bỏ việc cúng tế theo định kỳ và chạp mả họ vào tháng 11 (từ ngày 20), tháng 12 âm lịch. Trong gia tộc, nhà nào có việc hiếu, việc hỷ, xây cất nhà cửa, đóng sửa thuyền bè, hoặc gặp hoạn nạn, khó khăn này nọ… thì bao giờ cũng được người trong họ hàng tới thăm hỏi, chung tay gánh vác, đỡ đần từ công sức đến tiền bạc… Những gia đình nghèo khó có con cháu thông minh, học giỏi, hầu hết anh em, chú bác, cậu dì đều chung tay giúp đỡ tiền bạc, lúa gạo… để các em học hành, tham gia thi cử đến nơi, đến chốn. Trước cũng như nay, không ít gia tộc ở làng biển đã lập“quỹ khuyến học” để chi dùng vào công việc này”.
 
Trong phần sinh hoạt văn hóa vật chất, tác giả Trần Hoàng đã nêu  đầy đủ, chính xác và thú vị những món ăn, thức uống của người vùng biển Bình Trị Thiên, cũng như những phương tiện đi lại, nhà ở, trang phục... mỗi nơi có nét đặc trưng riêng “Từ phía Bắc sông Gianh trở vô, hầu hết nhà ở của người bình dân đều có chái (một gian, hai chái, ba gian hai chái chẳng hạn). Kiểu nhà rường cũng là kiểu nhà rất được các gia đình khá giả yêu thích và làm theo. Ở vùng biển Thừa Thiên - Huế có một kiểu nhà đặc biệt gọi là “nhà chồ”. Kiểu nhà này một phần nhà ở trên bờ, một phần nhà nhô ra mặt nước và được trụ vững trên những cột gỗ đóng chặt xuống nước. Có thể gọi kiểu “nhà chồ” là loại nhà nửa sàn, nửa trệt”.
 
Cư dân các làng ven biển Bình Trị Thiên đều có tục thờ cúng tổ tiên, bổn thổ Thành hoàng, Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương, những người hy sinh vì nước, vì dân, cúng cá Ông.. Về các lễ hội có lễ hội bơi trải trên sông Nhật Lệ, lễ hội bơi thuyền trên sông Gianh ở Quảng Bình, lễ hội cầu ngư ở Thuận An, An Bằng (Thừa Thiên - Huế): ở Quảng Trị có lễ cầu ngư ở Diêm Hà, Vịnh Mốc: ở Quảng Bình có lễ cầu ngư ở Nhân Trạch, Tân Định...
 
Phần văn học dân gian được  tác giả Trần Hoàng viết khá kỹ. Tác giả  đã khảo sát hết những thể loại của văn học dân gian miền biển Bình Trị Thiên, trong đó nổi lên là các đề tài, thể loại gồm các làn điệu dân ca với những điệu hò nghi lễ, hò trong sinh hoạt, vui chơi, hò lao động (hò kéo lưới, hò đẩy thuyền, hò là, hò phơi xăm, hò khơi Ngư Thủy, hò nậu xăm, hò ý (hý) gia, hò mái ba, hò mái khoan, hò mái duỗi, hò kéo neo, kéo buồm, hò bủa lưới, hò mái xắp, hò đẩy nôốc Trị Thiên, hò giã ruốc). Ngoài ra còn có các thể loại văn học dân gian quen thuộc khác mà tác giả đã dày công điền dã, ghi chép lại, đó là vè, ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ.
 
Để kết thúc bài giới thiệu sách này, xin trích lại những tâm tư của tác giả Trần Hoàng muốn gửi đến bạn đọc “Là con dân của một làng biển miền Trung, cũng như mọi người trong thôn, trong xóm, chúng tôi mong sao các thành tựu, các giá trị văn hóa do tổ tiên ta xây đắp nên và lưu truyền đến ngày nay không bao giờ bị mất đi. Bởi nó rất hữu ích, rất cần thiết đối với cuộc sống của cộng đồng cư dân đang ngày ngày phải đối mặt với biển khơi, với bao điều bất trắc, khó khăn để sống, để đem hết sức lực, tâm hồn và trí tuệ của mình góp phần vào công cuộc xây dựng, công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước”. Chúc tác giả Trần Hoàng sớm có thêm nhiều công trình bổ ích cho vùng đất Bình Trị Thiên và xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách này.
 
Trần Nguyễn Khánh Phong
Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế

 

,