.

Dân "dài cổ" chờ nước sạch vì công trình "đắp chiếu"...

.
08:29, Thứ Sáu, 22/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, do UBND xã Quảng Hưng làm chủ đầu tư, hoàn thành nghiệm thu vào tháng 4-2013. Sau gần 6 năm kể từ khi hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục, đến nay công trình vẫn chưa thể vận hành, khiến cho hơn 2.300 hộ dân của địa phương phải “dài cổ” chờ nước sạch. Trong khi đó, nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng nặng.

Nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Quang Huấn ở thôn Hưng Lộc, xã Quảng Hưng vẫn phải mua nước đóng bình về phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày cho cả gia đình. Nguyên nhân là do nguồn nước giếng của nhà ông bị nhiễm phèn nặng, không thể sử dụng được.

Trong khi đó, cách gia đình ông vài trăm mét, công trình cấp nước sinh hoạt của xã được đầu tư tiền tỷ lại không hoạt động và đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Điều này đã khiến ông và rất nhiều hộ dân trong thôn rất bức xúc…

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng được đầu tư tiền tỷ nhưng đến nay vẫn bị “đắp chiếu”.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng được đầu tư tiền tỷ nhưng đến nay vẫn bị “đắp chiếu”.

Cũng theo ông Huấn, nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, nhân dân trong thôn đã phản ánh thực trạng này, nhưng đã gần 6 năm trôi qua, những kiến nghị này của người dân trôi vào quên lãng. Hàng ngày, gia đình ông và người dân trong thôn vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, có thể dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe, nhất là đối với trẻ em và người già…

Gia đình của ông Huấn không phải là trường hợp duy nhất của xã Quảng Hưng đang phải lao đao vì thiếu nước sạch để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Gia đình ông Võ Văn Khải, trưởng thôn Hưng Lộc cũng chịu hoàn cảnh tương tự, nhiều năm nay ông phải mua nước sạch để dùng hàng ngày.

Điều bức xúc nhất đối với ông Khải và gần 600 hộ dân thôn Hưng Lộc là, đã 6 năm nay họ phải mua mước bình để ăn uống, trong khi công trình cấp nước sạch của xã nằm cách không xa lại phải "đắp chiếu", không thể đưa vào sử dụng do các van đấu nối tuyến ống chính nằm cách xa khu dân cư. Nếu muốn đấu nối, người dân trong xã phải chi phí số tiền quá lớn.

"Hơn 2/3 số hộ dân trong thôn đang sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh. Mong mỏi của bà con là đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm để công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng được đưa vào sử dụng", ông Khải chia sẻ.

3/6 máy bơm của công trình đã có dấu hiệu hư hỏng.
3/6 máy bơm của công trình đã có dấu hiệu hư hỏng.

“Mấy năm qua, tôi là người chịu trách nhiệm trông coi, bảo vệ và hàng tháng vận hành máy bơm của công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng từ 1 đến 2 lần. Nhưng khoảng hơn nửa năm trở lại đây, khi tôi vận hành thì chỉ có 3/6 máy bơm của công trình hoạt động, số còn lại đã có dấu hiệu hư hỏng.

Ngoài ra, một số hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Đặc biệt, một số đoạn trục chính đường ống của công trình đã bị vỡ và vùi lấp do quá trình thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A",  ông Khải cho biết.

Đem những băn khoăn của người dân xã Quảng Hưng về thực trạng công trình cấp nước sạch của xã nhiều năm qua không hoạt động, trong khi người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh để sinh hoạt, hoặc mua nước bình với chi phí cao hỏi cán bộ lãnh đạo địa phương, ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng cho biết: Công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-UBND, ngày 19-4-2010, do UBND xã Quảng Hưng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư được phê duyệt 8,2 tỷ đồng.

Tháng 4-2013 công trình hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục như: tháp nước, hệ thống bơm lấy nước, trục chính đường ống. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn chưa đi vào hoạt động vì công trình chỉ đầu tư trục ống chính và các van đấu nối nằm cách xa cụm dân cư; không huy động được phần vốn từ dân đóng góp để đầu tư hoàn thiện công trình (mỗi hộ dân phải đóng góp từ 6-10 triệu đồng)…

Ông Tứ cũng cho biết thêm, hiện toàn xã có trên 2.300 hộ với hơn 9.000 khẩu, được chia thành 5 thôn thì hầu hết người dân đều sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. Chính quyền xã đã khảo sát, lập dự án  để nâng cấp, sửa chữa lại công trình cấp nước sạch với nguồn vốn dự kiến khoảng hơn 5 tỷ đồng…

Quyết tâm của lãnh đạo địa phương là phải sửa chữa, nâng cấp lại công trình này, vì nếu không làm thì một vài năm nữa công trình sẽ hư hỏng, xuống cấp, lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Vấn đề nước sạch vừa là một nhu cầu bứt thiết của người dân, vừa là yêu cầu  đặt ra trong việc hoàn thành tiêu chí để xã Quảng Hưng phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.

Do không được bảo vệ nên khu công trình nước sạch trở thành nơi người dân chăn thả gia súc.
Do không được bảo vệ nên khu công trình nước sạch trở thành nơi người dân chăn thả gia súc.

“Cấp ủy, chính quyền địa phương đã hạ quyết tâm là cuối năm 2019, người dân xã Quảng Hưng sẽ có nước sạch để sử dụng. Tuy nhiên, do điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn, quá trình phấn đấu về đích nông thôn mới xã đã tập trung đầu tư nhiều hạng mục nên nguồn lực giờ có hạn. Vì vậy, đề nghị tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí để địa phương nâng cấp, sửa chữa lại công trình nước sạch, nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn", ông Đàm Văn Tứ cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, công trình cấp nước sinh hoạt xã Quảng Hưng đến nay vẫn chưa hoạt động, nguyên nhân và trách nhiệm chính trong quá trình đầu tư thuộc về UBND xã Quảng Hưng và đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế, lập dự toán công trình.

Cụ thể: trước khi đầu tư, chủ đầu tư không tổ chức họp dân lấy ý kiến, cam kết góp vốn đầu tư, không thông báo dự kiến số tiền đóng góp của từng hộ dân; đơn vị tư vấn thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, xây dựng còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế địa phương, lập dự kiến phần kinh phí dân góp để hoàn thiện công trình rất thấp so với dự toán; trong quá trình thực hiện đầu tư, các phòng, ban chức năng chuyên môn của UBND huyện Quảng Trạch chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát nên không phát hiện các tồn tại, sai sót nhằm đưa ra các giải pháp xử lý và khắc phục công trình kịp thời…

Ngọc Hải
 

,