.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

.
17:24, Thứ Năm, 04/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 4-7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh gia tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tháng 6 và 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
 
Tham dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Hoàng  Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm.
 
Theo đó, nửa đầu năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
 
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với mức tăng trưởng đạt 6,76%. Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thanh khoản thị trường tài chính, tiền tệ được bảo đảm. Tín dụng tăng trưởng tốt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự trữ ngoại hối được nâng lên. Thu, chi ngân sách cơ bản đáp ứng được yêu cầu; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp tiếp tục phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thông tin truyền thông, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hướng đến năng suất và sản lượng cây trồng; bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng khiến người chăn nuôi điêu đứng; một số ngành tạo động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi đạt thấp…
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận nhằm làm rõ những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế và thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đã đề ra; tăng cường quản lý khai thác tài nguyên; tăng cường giải quyết việc làm; tổ chức tốt các ngày kỷ niệm; đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...
 
Kết luận hội nghị, đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế; chủ động ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên động vật; chủ động ứng phó với hạn hán, tăng cường trồng rừng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; ổn định giá cả các mặt hàng nông sản; tăng cường các giải pháp bảo đảm khai thác thủy sản hợp lý, đúng luật; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, bảo đảm trong sạch bộ máy hành chính Nhà nước...
 
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
 
Nguyễn Hoàng
 
,