.

Quán triệt nội dung một số luật và chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị

.
09:15, Thứ Năm, 13/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 12-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một số luật và chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị do đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì.
 
Tham dự có đồng chí Lê Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới; đại diện Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội và Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu phát biểu kết luận hội nghị
Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị các đại biểu được quán triệt nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, tố cáo của dân phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân…
 
Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương, với 96 điều, đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài nhà nước, phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Luật Tố cáo năm 2018 gồm 9 chương, với 67 điều. So với Luật Tố cáo năm 2011 thì Luật Tố cáo năm 2018 có thêm 1 chương mới, nhiều vấn đề quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thêm mới như: thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Hải Châu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể sau hội nghị này tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, có phân công, giao trách nhiệm rõ ràng để thực hiện.
 
Trong quá trình thực hiện, thường xuyên phản ánh kết quả, cũng như khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh về Ban Nội chính Tỉnh ủy để tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết.
 
Hiền Chi
,