.

Hội nghị lấy ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội

.
15:44, Thứ Bảy, 08/06/2019 (GMT+7)

Ban soạn thảo đề nghị lần sửa đổi này chỉ xem xét sửa đổi bổ sung những vấn đề đã chín muồi, có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo kết luận của Trung ương.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 8-6, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng ban soạn thảo chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội cơ bản đều phát huy tác dụng tốt, chưa có vướng mắc lớn; một số vấn đề tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã và đang triển khai cũng cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm đánh giá hiệu quả trên thực tế.

Ban soạn thảo đề nghị lần sửa đổi này chỉ xem xét sửa đổi bổ sung những vấn đề đã chín muồi, có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo kết luận của Trung ương và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì tiếp tục nghiên cứu tổng kết để sửa đổi, bổ sung vào thời gian thích hợp.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết trong phiên họp lần thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ các vấn đề về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; số lượng cấp phó và tỷ lệ hợp lý Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; nhiệm vụ quyền hạn của Ủy viên chuyên trách bảo đảm phát huy hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội, Thường trực hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội...

Hoi nghi lay y kien ve pham vi sua doi, bo sung Luat To chuc Quoc hoi hinh anh 2Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cho ý kiến về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tán thành với phướng án 1, cho rằng khoản 2, điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội chuyên trách, theo ông Diến, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, không cần thiết phải sửa đổi quy định này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần có những quy định về đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu... "Đại biểu kiêm nhiệm trong 2/3 thời gian nhiệm kỳ chưa có cấp ủy ban nào đánh giá, lấy ý kiến là không hợp lý", đại biểu Mai Sỹ Diến nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng qua thực tế hoạt động tại địa phương, việc chỉ có một đại biểu Quốc hội chuyên trách gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử.

Theo đại biểu, một lần đi giám sát rất khó vì chỉ có đại biểu, cần có một trưởng đoàn hoặc phó đoàn chuyên trách cùng với một đại biểu Quốc hội chuyên trách nữa tham gia sẽ hiệu quả hơn...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp, phân tích làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; việc chuyển sinh hoạt của đại biểu Quốc hộ trong trường hợp chuyển công tác; quy định về bộ máy giúp việc đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

,